Mua nhà từ người được ủy quyền: Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Theo điều 194, 195 Bộ luật Dân sự 2015, chủ tài sản được ủy quyền cho bên thứ 3 thay mặt họ thực hiện quyền định đoạt (chuyển nhượng) tài sản. Dù được pháp luật công nhận và bảo vệ, song giao dịch này vẫn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn.
1. Bên thứ 3 không thực hiện đúng các công việc đã nhận ủy quyền
Rủi ro này có thể xảy ra khi bên thứ 3 thực hiện các công việc ngoài phạm vi được ủy quyền, ví dụ: Tự ý thay đổi nội dung công việc mà không báo trước hoặc chưa được sự đồng ý của người ủy quyền; tự quyết định về giá cả, tiến độ, phương thức thanh toán với người mua… Khi đó, người ủy quyền có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Người mua lúc này không chỉ bị vướng vào tranh chấp, kiện cáo, mà còn có khả năng không mua được nhà/ đất vì bên ủy quyền (chủ sở hữu) không cho phép.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người được ủy quyền lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của bên ủy quyền, hoặc làm giấy tờ giả ủy quyền để lừa người mua. Vì vậy, người mua cần hết sức cẩn trọng, xác minh xem có phải bên bán không có điều kiện trực tiếp giao dịch, có hoàn cảnh đặc biệt nên mới phải ủy quyền lại cho bên thứ 3 hay không, trước khi quyết định xuống tiền.
Người mua có thể bị vướng vào tranh chấp không đáng có nếu bên thứ 3 không thực
hiện đúng các công việc được ủy quyền. Ảnh minh họa
2. Bên thứ 3 không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy quyền
Đây là rủi ro khi bên nhận ủy quyền gặp các trở ngại khách quan nên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy quyền như ốm đau, mất năng lực dân sự… Khi đó, hợp đồng ủy quyền đương nhiên chấm dứt, nhà đất lúc này về bản chất vẫn thuộc sở hữu của người đứng tên trên sổ (bên ủy quyền). Bên mua có nguy cơ không còn được quyền sử dụng, mua bán căn nhà và quyền lợi trước pháp luật cũng không được đảm bảo hoàn toàn.
3. Hợp đồng giao dịch không rõ ràng, giấy tờ không có công chứng
Thực tế cho thấy, đã từng có vụ việc con trai lấy trộm giấy tờ, thuê bố mẹ giả để làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, sau đó bán lại cho người thứ 3. Cụ thể, năm 2011, Trần Quang Vũ (SN 1986, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) lấy trộm sổ đỏ căn nhà 3,5 tầng (diện tích 57,6m2 đất) mà chủ sở hữu là vợ chồng bà Đào Thị Mùi (SN 1955, mẹ đẻ Vũ). Vũ thuê ông Nguyễn Văn Lộc (SN 1956, ở quận Đống Đa) và bà Lưu Thúy Nga (SN 1958, ở quận Ba Đình) có độ tuổi tương đương tuổi cha mẹ Vũ đến Văn phòng công chứng và Phòng Tài nguyên Môi trường để làm thủ tục ủy quyền chuyển nhượng nhà đất cho mình, đồng thời nhờ một số đối tượng khác làm giả CMND cho ông Lộc, bà Nga.
Sau khi có đầy đủ giấy tờ, Vũ chuyển nhượng căn nhà trên cho anh Phùng Văn Quyền với giá 2 tỷ đồng và thỏa thuận thuê lại nhà trên trong thời hạn 3 tháng. Trong suốt thời gian này, vợ chồng bà Mùi không hay biết và vẫn sinh sống tại nhà đất trên. Năm 2013, Vũ bị bắt và ngồi tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi đó, anh Quyền đến đòi nhà thì vợ chồng bà Mùi mới tá hỏa chuyện con trai giả mạo chữ ký để bán chui.
Mua nhà từ người được ủy quyền tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa
Từ những rủi ro trên, cẩn trọng là cần thiết khi bạn mua nhà qua người được ủy quyền. Người mua cần phải kiểm tra kỹ các giấy tờ chứng minh việc ủy quyền để xác minh xem có thật hay không, tìm cách liên hệ trực tiếp với chủ sở hữu nhà/ đất (bên ủy quyền) xem người được ủy quyền, đứng ra bán nhà/ đất cho mình có đáng tin hay không.
Linh Phương (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet