Mua nhà ở xã hội bị ép phải mua cả nội thất
Những người có khó khăn về tài chính mới phải mua nhà ở xã hội nhưng họ lại còn bị ép phải mua thêm gói nội thất của chủ đầu tư.
Bán nhà xã hội kiểu "bia kèm lạc"
Để người nghèo có thể mua được nhà, Nhà nước có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội như tiền sử dụng đất, thuế, các cơ chế về chính sách để hạ giá bán sản phẩm... Dù vậy, không ít chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn buộc người dân phải mua thêm một gói nội thất nữa mới bán sản phẩm.
Đơn cử trường hợp dự án nhà ở xã hội Green River (quận 8, Tp.HCM) của Công ty TNHH 276 Ngọc Long. Dự án gồm 3 tòa nhà cao 20 tầng, dự kiến sẽ có tổng cộng khoảng 1.000 căn hộ. Trong đó, 80% căn hộ là nhà ở xã hội, còn lại là căn hộ thương mại. Các căn hộ nhà ở xã hội trong dự án có giá khoảng 14,9 triệu đồng/m2, còn nhà ở thương mại có giá khoảng 19 triệu đồng/m2. Điều đáng nói là chủ dự án buộc người dân, những hộ nghèo, thu nhập thấp... muốn mua căn hộ nhà ở xã hội phải mua thêm gói nội thất “nâng cấp” với giá gần 3 triệu đồng/m2. Tính ra, giá nhà ở xã hội đã bị đội lên thành hơn 18 triệu đồng/m2, tương đương với giá bán căn hộ thương mại trong cùng dự án.
"Anh phải thỏa mãn các điều kiện của luật mới được mua như chưa có nhà, thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng và không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, muốn mua được nhà ở xã hội anh phải mua gói nội thất nâng cấp gần 3 triệu đồng/m2 nữa. Mức giá 14,9 triệu đồng/m2 nhà ở xã hội là nhà giao thô, chưa có gì hết. Gói nội thất trên sẽ giúp hoàn thiện căn hộ như sơn tường, lót gạch, tủ bếp, kệ bếp, thiết bị vệ sinh, đèn chiếu sáng... Khách hàng không mua gói nội thất này là không được vì nó bắt buộc để đồng bộ giống nhà ở thương mại. Anh ký hợp đồng mua nhà ở xã hội riêng và hợp đồng gói nội thất này riêng, không ảnh hưởng gì hết", nhân viên kinh doanh tại dự án tên Thắng cho biết.
Hình thức bán hàng tương tự cũng được áp dụng tại dự án nhà ở xã hội Imperial Place (quận Bình Tân) của Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc Gia. Các căn hộ nhà ở xã hội trong dự án có giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng để được mua thì người dân phải mua kèm gói nội thất trị giá khoảng hơn 2 triệu đồng/m2.
Còn dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông (quận 2) do Công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư lại có giá bán khá cao, khoảng 22 triệu đồng/m2. Mức giá này thậm chí còn cao hơn giá nhà thương mại ở nhiều nơi. Nhân viên kinh doanh dự án tên Bình, lý giải giá cao vì dự án nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), đây là nơi giá đất đắt đỏ hơn nên giá bán nhà ở xã hội cũng phải cao tương xứng. Ngoài ra, một lý do khác khiến dự án nhà ở xã hội này đắt đỏ như vậy là vì sử dụng nội thất cao cấp. "Ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Công ty Hoàng Quân bán nhà ở xã hội giá cũng dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên ở quận 2 thì nhà ở xã hội không thể bán thấp như vậy", Bình khẳng định.
Việc ép người mua nhà ở xã hội phải mua thêm gói nội thất khiến các
ưu đãi chảy cả vào túi doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp hưởng hết ưu đãi?
Theo ông Đinh Duy Trinh, TGĐ Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Việt Nam (VNG Real), việc chủ đầu tư ép người mua nhà ở xã hội phải mua thêm gói nội thất là sai, là một kiểu lách luật. Các quy định hiện hành cho thấy nhà nước đã dành nhiều ưu đãi để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội giảm giá thành sản phẩm như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, giảm nhiều loại phí, hệ số sử dụng đất tăng hơn 1,5% so với nhà thương mại, diện tích căn hộ cũng nhỏ hơn nhà thương mại...
Hơn nữa, luật cũng quy định rõ chủ đầu tư sau khi tất toán các chi phí được lời 10%/tổng vốn đầu tư. Vậy nhưng, bằng cách buộc khách hàng phải ký hợp đồng mua gói nội thất với giá có thể đến 5 triệu đồng/m2, các chủ đầu tư đã lời lớn. Ông Trinh cho rằng, đối với nhà ở xã hội, các khoản chi phí về đất, chi phí xây dựng tại các dự án là tương đương nhau. Do đó, tại Tp.HCM, giá nhà ở xã hội thông thường chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2, đã bao gồm VAT.
Ông Trinh nhẩm tính: "Nếu như trước đây đa số các dự án nhà ở xã hội bán giá dưới 15 triệu đồng/m2 là căn hộ hoàn thiện, thì nay nhiều dự án chủ đầu tư muốn tăng lợi nhuận nên mức giá bán trên chỉ là giao thô, rồi buộc khách hàng phải mua thêm gói nội thất hoàn thiện. Với gói nội thất này, nhà ở xã hội có giá tương đương với nhà thương mại, chủ đầu tư thu thêm chênh lệch bình quân mỗi căn hộ gần 200 triệu đồng. Lợi nhuận chủ đầu tư thu về lớn hơn rất nhiều so với quy định. Đáng nói là những ưu đãi của nhà nước cho người dân mua nhà ở xã hội đã chảy về túi chủ đầu tư. Chỉ riêng gói nội thất chủ đầu tư đã thu về hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận”.
Ở góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Vân Trường, Đoàn Luật sư Tp.HCM, cho rằng hình thức bán hàng này của chủ đầu tư là một kiểu lách luật, biến tướng trong quá trình triển khai chính sách xây dựng, phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng khó khăn về nhà ở, thu nhập thấp, người nghèo... Khi các chủ dự án ép người dân phải mua thêm gói nội thất thì những ưu đãi này chảy hết vào túi doanh nghiệp chứ không hỗ trợ cho người nghèo như chủ trương của chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu cũng khẳng định, Nghị định 188 và mới đây nhất là Nghị định 100 đã quy định giá bán nhà ở xã hội tối đa là 15 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế VAT. Việc các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội ép phải ký thêm hợp đồng nội thất đã khiến rất nhiều người dân phải bỏ cuộc, trong khi luật pháp thừa nhận họ đủ điều kiện mua nhà.
“Doanh nghiệp có quyền bán cho người dân giá tối thiểu, quyền trang bị nội thất như thế nào phụ thuộc vào khả năng tài chính của người dân. Có gia đình có điều kiện có thể sắm đồ nội thất, nhưng có gia đình họ mua được nhà về một thời gian sau mới có thể mua được nội thất hay họ chỉ sắm nội thất cơ bản. Còn doanh nghiệp nói nhà ở xã hội tại quận 2 phải bán giá đắt cũng không đúng bởi có dự án ngay đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2 bán không vượt quá 15 triệu đồng/m2. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị này để lấy lại công bằng cho người dân nghèo, tránh tình trạng những ưu đãi chui vào túi doanh nghiệp”, ông Châu bức xúc cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet