Mua nhà cho con: "Chiêu" né thuế của giới nhà giàu Singapore
Giới nhà giàu Singapore mua thêm bất động sản cho con cái để tránh phải nộp khoản lệ phí trước bạ áp dụng với căn nhà từ thứ hai trở đi.
Rất ít sinh viên có thể sống tại các căn penthouse trị giá 1,2 triệu đôla Singapore (875.000 USD) được trang bị máy pha cà phê Lelit hay ghế Herman Miller Aeron. Điều này càng đúng với Singapore - khu vực có bất động sản đắt đỏ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, may mắn hơn, Shawn được sống trong một căn hộ trên đường Bukit Timah nhờ tiền của mẹ. Việc con nhà giàu mua nhà như trường hợp của Shawn hiện đang gia tăng bởi đây là cách để các gia đình tránh các chính sách "làm mát" thị trường bất động sản mà Chính phủ đưa ra như áp dụng phí bổ sung với ngôi nhà thứ 2 và thứ 3.
Theo thông tin từ các nhà môi giới, từ khi chính sách hạ nhiệt thị trường chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2018, lượng căn hộ do các gia đình giàu có mua cho con cái của họ đã gia tăng đáng kể. Biện pháp mà Chính phủ đưa ra là áp dụng lệ phí trước bạ bổ sung (ABSD) với người mua căn nhà thứ hai là 12% và căn thứ ba trở đi là 15%.
Các tòa chung cư nằm dọc con đường Bukit Timah. Ảnh: Bloomberg
Christine Sun, người đứng đầu về nghiên cứu và tư vấn tại OrangeTee & Tie nói: "Chúng tôi quan sát thấy ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mua nhà trên thị trường". Theo cô, nhiều người Singapore muốn mua thêm nhà vì họ xem đó là một cách để tích lũy tài sản. Hơn nữa, giá nhà cũng đang có lợi.
Dữ liệu mới công bố của Cơ quan Tái phát triển đô thị cho thấy, kể từ khi giới hạn nhà ở được đưa ra, giá nhà tư nhân đã tăng lần đầu tiên. Tính đến ngày 30/6, giá nhà đã tăng 1,5% trong 3 tháng nhờ doanh số bán căn hộ cao cấp.
Alan Cheong, Giám đốc điều hành nghiên cứu và tư vấn Savills Singapore cho biết, các phụ huynh giàu có đã hành động khi tỷ lệ ABSD tăng cao. Kể từ khi con họ chưa đủ 21 tuổi để mua nhà, họ đã lập tài khoản ủy thác cho con họ và ba mẹ là người giữ tài sản.
"Tài khoản ủy thác là cách mà cha mẹ có thể giữ tài sản của con họ", Edmund Leow, đối tác cao cấp tại Dentons Rodyk & Davidson LLP nói nhưng "căn nhà thuộc về đứa trẻ chứ không phải cha mẹ chúng".
Phía đại lý bất động sản và luật sư nói, họ không có dữ liệu về lượng tài khoản ủy thác với mục đích này. Nhưng ngày càng có nhiều giao dịch được thực hiện qua cách này, theo nhận định của Christine Sun và Alan Cheong.
Tuy nhiên, chi phí để lập tài khoản ủy thác là không rẻ. Nicholas Mak, Trưởng nghiên cứu tại APAC Realty (ERA Singapore) nói: "Các chi phí liên quan thường khá cao và nó chỉ là lựa chọn khả thi cho những gia đình giàu có nhất ở Singapore".
Theo Edmund Leow, việc lập tài khoản ủy thác cho con không phải lúc nào cũng phục vụ mục đích né thuế. Ông nói: "Đây không phải là cách để tránh phí trước bạ bổ sung. Các trách nhiệm pháp lý đối với ABSD được đánh giá dựa trên hồ sơ và số tài sản của người thụ hưởng, tức đứa trẻ. Ví dụ, thu nhập cho thuê, hoặc tiền bán lại sẽ thuộc về đứa trẻ, không phải của phụ huynh".
Với những người con này như Shawn, trong tương lai, họ sẽ phải chịu chi phí bổ sung, trừ khi họ bán ngôi nhà được bố mẹ tặng cho. Shawn nói: "Chắc chắn là không phổ biến để sở hữu một căn nhà tại Singapore ở độ tuổi như tôi và tôi biết ơn vì có căn nhà riêng. Nó là một đặc quyền mà theo tôi biết không nhiều người có được".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet