Mua bán nhà đất: Cảnh giác các dự án "ma"
Công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế trên địa bàn Thủ đô ngày càng cam go, phức tạp, nhất là tội phạm trong lĩnh vực bất động sản. Không ít người do hám lợi, thiếu thông tin, đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực này.
Người mua nhà cần tìm hiểu đầy đủ thông tin dự án nhà đất để không bị kẻ xấu lừa đảo. |
Bán nhà chia lô trên giấy
Chưa bao giờ, các vụ tiêu cực, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gia tăng phức tạp như hiện nay, với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Không ít người do hám lợi, thiếu thông tin, đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo. Một trong những "siêu lừa" là Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Nhật Minh. Hiếu móc nối với một số đối tượng mua gom hơn 13 nghìn m2 đất nông nghiệp tại ngõ 106 đường Hoàng Quốc Việt, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm với giá rẻ, rồi thuê Công ty CP đầu tư, kinh doanh thương mại và dịch vụ Anh Minh lập dự án mang tên "Dự án nhà ở liền kề và công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng", chia "đất trên giấy" thành 130 suất nhà ở liền kề. Mặc dù dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, không được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng Hiếu đã nhờ các văn phòng môi giới nhà đất để quảng cáo, khuếch trương dự án. Khi khách hàng đến hỏi thông tin về dự án, Hiếu đưa ra sơ đồ tự vẽ và các văn bản của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội gửi Sở Kế hoạch-Ðầu tư về việc hướng dẫn thủ tục chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và lập dự án đầu tư công trình theo quy hoạch, khiến các khách hàng thi nhau "rút hầu bao" đầu tư vào dự án "ma" này. Hiếu bán các lô đất này dưới dạng hợp đồng góp vốn và liên tục tăng giá để hút khách. Ngoài khoản tiền nộp chính thức, khách hàng còn phải trả khoản tiền vênh từ 10 đến 11 triệu đồng/m2. Sau khi nộp tiền mấy tháng trời, thấy dự án vẫn "án binh bất động", các nạn nhân mới "tá hỏa", làm đơn tố cáo với cơ quan công an. Ðến lúc này, đã có hơn 100 người trở thành nạn nhân của Hiếu, với số tiền bị hắn chiếm đoạt lên tới 188 tỷ đồng.Một số đối tượng làm giả giấy tờ, dựng nhà, đất "ma" để bán cho khách. Nguyễn Sỹ Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ðầu tư và xây dựng Kinh Ðô cùng đồng bọn đã dùng hợp đồng ký kết đầu tư mua và bán đất tại dự án đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Ðông (vốn là dự án "ma") lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người lên tới 63 tỷ đồng. Với chiêu làm giả tài liệu để "dựng" dự án nhà ở chất lượng cao Galatic BSG tại Nam Trung Yên, Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại CP quốc tế Galaxy-BSG Việt Nam đã đút túi 29,5 tỷ đồng. Hà Anh Tuấn ở Việt Trì (Phú Thọ) tự nhận là người nhà của cán bộ Bộ Ngoại giao, mua được suất nhà biệt thự tại khu đô thị mới Vân Canh - Hoài Ðức với giá gốc, đã chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng của các nạn nhân... Năm 2011, các vụ án liên quan đến lĩnh vực này đã làm thiệt hại hơn 300 tỷ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân.
Bị lừa vì tham
Với phương châm "lấy phòng ngừa là cơ bản", lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội đã chủ động nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh triệt để và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, góp phần bảo đảm sự minh bạch trong thị trường bất động sản trên địa bàn Thủ đô. Mười năm qua, mỗi năm lực lượng chức năng điều tra, khám phá khoảng 40 vụ lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản. Mặc dù ngày càng nhiều đối tượng phải ra hầu tòa, nhưng số lượng các vụ lừa đảo vẫn tăng.Sở dĩ những dự án "ma" này khiến nhiều người "sập bẫy", bởi bọn lừa đảo tạo dựng các dự án với bản thiết kế chi tiết, phối cảnh bắt mắt, rồi quảng cáo rầm rộ, thậm chí còn tiến hành các thủ tục xin đầu tư như các dự án thật, tạo ra hoạt động xin phép đầu tư, kêu gọi đầu tư. Chúng kiên trì tiếp cận, làm quen, móc nối, quảng cáo tung tin về viễn cảnh của dự án, như nhà có vị trí đẹp, bán giá gốc, đầu tư dễ kiếm lời... Do nhận thức của một số người hạn chế, thông tin cụ thể về dự án mù mờ, cơn khát "một vốn, bốn lời" luôn thúc ép, cho nên, nhiều người liều lĩnh, mạo hiểm đầu tư. Nhiều người còn lôi kéo bạn bè, người thân mình lao vào vòng xoáy các dự án dởm. Ðến khi "giật mình" tỉnh ngộ, tố cáo cơ quan chức năng, thì bọn lừa đảo đã nẫng tiền tỷ, cao chạy xa bay.
Ðể phòng ngừa hiệu quả tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch - Ðầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc..., nhất là cần công khai, minh bạch tính hiện thực của các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Bọn tội phạm thường nghiên cứu rất kỹ các chính sách về bất động sản để tìm cách "lách" luật, vì vậy lực lượng công an phải đặc biệt chú trọng phòng ngừa, đấu tranh triệt để tội phạm trong lĩnh vực này. Các cơ quan tố tụng cần có sự thống nhất trong xử lý các vụ việc, tránh tình trạng không thống nhất về cách hiểu, đánh giá bản chất sự việc, đồng thời cần bổ sung, chỉnh sửa các văn bản pháp luật liên quan để khắc phục sơ hở, bất cập phát sinh.
Về phía nhà đầu tư, để không trở thành nạn nhân của những chiêu lừa đảo này, cần tìm hiểu kỹ thông tin về những vấn đề liên quan dự án như tư cách pháp nhân của chủ đầu tư, cách thức huy động vốn, các hình thức thanh lý hợp đồng... và hết sức tỉnh táo khi tham gia giao kết với chủ đầu tư. Sự tỉnh táo của khách hàng cũng là cách tự bảo vệ mình, không để kẻ xấu có cơ hội lừa đảo.
(Theo Nhân dân)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet