Mù mờ thông tin, dân thiệt đủ đường khi mua căn hộ dự án
Những người đã hoặc đang có ý định mua căn hộ không khỏi hoang mang trước loạt thông tin trong những ngày ngày gần đây như: hơn 100 dự án bất động sản ở Tp.HCM bị "đóng băng", hay tin 124 dự án được tháo gỡ, rồi 160 dự án vướng mắc…
Đúng ra những thông tin về dự án vướng thủ tục pháp lý, bị tạm ngưng hoặc ngưng vô thời hạn, hay dự án nào được triển khai tiếp... phải được công khai cách đây vài năm, khi bắt đầu có những tin tức về việc ngưng trệ này.
Người mua căn hộ dự án chịu thiệt đủ đường
Vậy nhưng thực tế cho thấy, người mua căn hộ, người đã đóng tiền cọc đều phải tự mình liên hệ chủ đầu tư, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông rồi tự quyết định số phận căn hộ tương lai trong tâm thế hoang mang.
Và ngay cả khi người dân đã kéo đến công ty bất động sản đòi trả lại tiền cọc, hoặc đòi một câu trả lời minh bạch thì cũng không được nhận kết quả rõ ràng. Vụ việc tại các dự án An Sinh (quận 8), Charmington Iris (quận 4), Botanica Premier (quận Phú Nhuận)… là minh chứng cho tình trạng này.
Theo tìm hiểu, một người dân mua nhà bình thường sẽ trải qua trình tự như sau: người mua tự tìm xem khu vực mình muốn mua có dự án nào chào bán; liên hệ với số điện thoại trên web; được bên bán mời chào, thuyết phục bằng loạt lợi thế như view đẹp, nhiều tiện ích, kết nối giao thông hoàn hảo, giá rẻ không đâu bằng; ký giấy giữ chỗ với bên môi giới.
Cần thiết phải có kênh thông tin dự án đáng tin cậy cho
người mua nhà. Ảnh minh họa: Gia Tiến
Nhiều khi, người mua chỉ cần chuyển tiền đặt cọc căn hộ qua ngân hàng trực tuyến cho chủ đầu tư nên hai bên không cần gặp nhau. Do đó, nếu người mua không đòi hồ sơ pháp lý thì bên bán có thể cũng "lơ" luôn.
May mắn cuộc mua bán trót lọt thì không sao, còn chẳng may vướng dự án xây móng xong thì ngưng, dự án "vẽ" (tức chưa có gì nhưng chủ đầu tư vẫn nhận đặt tiền giữ chỗ), dự án vi phạm pháp luật… thì khoản tiền cọc (ít gì cũng trên dưới trăm triệu với căn hộ diện tích nhỏ) sẽ bị giam lại, người mua khó với tới ước mơ sở hữu căn hộ của mình.
Đến lúc đó, người mua cũng không biết phải tính thế nào: nên bỏ tiền tìm mua căn hộ khác hay chờ đợi? Trong lúc đó, nhiều người có khi vẫn phải trả tiền ở trọ hàng tháng. Và lòng tin bị mất. Ước mơ an cư bị đe dọa. Đấy là họ đang sống ở một đô thị phát triển vào hàng nhất nhì Việt Nam.
Khi nào người mua nhà mới có kênh thông tin tin cậy?
Một câu hỏi đặt ra là có khó quản lý, công khai thông tin các dự án căn hộ vướng mắc tại Tp.HCM không? Câu trả lời là không nếu các đơn vị "chịu khó" vì người dân một chút. Còn trên thực tế, các bên đều đùn đẩy trách nhiệm, vướng mắc của dự án không được giải quyết nhanh chóng, rốt ráo khiến cả doanh nghiệp và người dân cứ mãi chịu thiệt.
Việc quản lý, công khai thông tin các dự án căn hộ không khó nếu các
đơn vị nghĩ cho dân. Ảnh minh họa: Gia Tiến
Mới đây có thông tin Sở Xây dựng Tp.HCM đang tiến hành xây dựng một ứng dụng di động (dù khá muộn màng khi 4.0 đã bắt đầu từ lâu và người mua căn hộ đã quá thiệt thòi) giúp theo dõi tiến độ các dự án trên địa bàn. Cơ quan này cũng cho biết ứng dụng sẽ ra mắt vào cuối tháng 2/2019 nhưng hiện chưa thấy công bố.
Hơn nữa không phải người dân nào cũng rành rẽ chuyện sử dụng công nghệ trên điện thoại. Vậy tại sao Sở Xây dựng, các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM không tạo một trang web, để người dân chỉ cần gõ tên dự án trên web là ra hết thông tin? Các thông tin về chủ đầu tư, tiến độ, giấy phép, vướng mắc, điện thoại liên hệ… đều được cập nhật để người dân nắm được thông tin kịp thời.
Như vậy, đơn vị địa chính của phường xã, phòng tài nguyên môi trường của quận sẽ là nơi cung cấp nguồn dữ liệu. Làm sao để hoạt động mua bán bất động sản của thành phố không còn như cái chợ, thiệt thòi đẩy cho người mua trong khi các cấp quản lý vẫn mải vẽ ra viễn cảnh thành phố thông minh, thân thiện.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet