Sau khi đã hết thông tin làm giá, nhiều cổ phiếu bất động sản (BĐS) quay đầu đổ dốc làm cho nhiều nhà đầu tư chạy theo sau đám đông bị thua đau.

Khó định giá theo tiêu chí

Khi định giá cổ phiếu, các chuyên gia thường nói đến các tiêu chí như: chỉ số P/E (giá/thu nhập), P/B (giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu)... Hệ số P/E càng thấp thì giá cổ phiếu được coi là càng rẻ. Khi dư luận rộ lên những thông tin về sự ấm lên của thị trường nhà đất, nhiều nhà đầu tư cho rằng những doanh nghiệp (DN) này sẽ lãi lớn nên đã đổ xô tranh mua, làm cho toàn bộ các mã cổ phiếu BĐS tăng giá lên cao.

Nhưng các báo cáo tài chính cho thấy bên cạnh những đơn vị có chỉ số tài chính tốt, còn rất nhiều DN có chỉ tiêu tài chính yếu kém, thậm chí rất mù mờ, vậy mà giá cổ phiếu vẫn tăng một cách khó hiểu.

Chẳng hạn, đối với Công ty Vạn phát Hưng (VPH), giá trị sổ sách chỉ đạt 10.850 đồng/cổ phiếu. Lúc lên sàn (ngày 9-9), giá đóng cửa khớp ở mức 36.000 đồng. Thời gian sau đó, mỗi ngày có hàng trăm ngàn đơn vị đặt mua, trong khi số lượng bán chỉ nhỏ giọt.

Dự án chung cư cao cấp của Công ty Vạn Phát Hưng, quận 7 - TPHCM. (Ảnh: H.Thúy)

Chính vì nhu cầu lên cao nên giá VPH tăng trần liên tục trong nhiều tuần. Đến ngày 17-10, đầu phiên, giá VPH lên tới 130.000 đồng (cao gấp 12 lần P/B). Trong sách lược đầu tư, khi thị giá cổ phiếu cao gấp 4 – 5 lần giá trị P/B thì được xếp vào loại đắt đỏ, nhưng ở đây giá của VPH còn vượt xa nhiều lần tiêu chí đắt.

Còn mã VNI của Công ty Đầu tư BĐS Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, kinh doanh lỗ 543 triệu đồng, còn năm 2008, chỉ lãi hơn 800 triệu đồng. Ngày lên sàn, giá VNI khớp ở mức 30.000 đồng, đến ngày 30-9 tăng lên 61.000 đồng. Do bị lỗ 9 tháng (còn quý IV năm trước không có số liệu) nên nhiều nhà đầu tư hiện không tính được hệ số P/E của VNI nên thiếu căn cứ để định giá cổ phiếu...

Lỗ nặng vì mua theo đám đông

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nói: “Cổ phiếu BĐS có thu nhập không ổn định nên khó định giá theo các tiêu chí cơ bản. Giá trị cổ phiếu căn cứ vào giá trị BĐS mà DN đã đầu tư. Nếu DN có đất nhiều, mua từ lâu với giá rẻ, bây giờ giá trị tăng lên thì giá cổ phiếu phải cao lên. Nhưng giá trị đất tăng lên qua nhiều năm lại không thể hiện trên sổ sách (trừ khi định giá lại) nên rất khó hiểu về giá trị nội tại của DN”.

Do giá trị cổ phiếu BĐS mù mờ như vậy nên giá của nó thường được đẩy lên hoặc dìm xuống theo cảm hứng của đám đông trên thị trường làm cho nhiều nhà đầu tư chạy theo sau phải chịu hậu quả.

Trong cơn “sốt” cổ phiếu BĐS vừa qua, bất kể tốt hay xấu, tất cả những cổ phiếu dính đến BĐS đều tăng giá  mạnh. Khi những số liệu tài chính quý III được công bố làm thất vọng nhiều người thì một số mã như: VPH, VNI... đổ dốc, giá giảm sàn nhiều ngày liền, làm cho những người chạy mua theo đám đông lúc giá ở đỉnh đã phải chịu lỗ rất nặng.

Ông Hiển cho rằng giá cổ phiếu BĐS hiện tại đã rất cao so với mặt bằng chung trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, khi muốn đầu tư vào cổ phiếu ngành này, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ tiềm năng, giá trị của các DN. Nếu chạy theo đám đông thì rất dễ bị thua lỗ.

Theo NLD

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME