Một số lưu ý về xây dựng khi lắp máy điều hòa
Không ai phủ nhận ưu điểm và vai trò của máy lạnh (còn gọi là máy điều hoà nhiệt độ), song việc lắp đặt và vận hành thiết bị này cũng không hề đơn giản.
Bài viết này không đi sâu vào vấn đề kỹ thuật của các loại hệ thống máy lạnh, cũng không đề cập tới mặt trái của máy lạnh là tác hại tới môi trường; mà chỉ đưa ra những vấn đề thường gặp của loại thiết bị này trong công trình dân dụng, nhà ở nhằm tìm giải pháp kiến trúc – kỹ thuật phù hợp và thuận tiện. Ở đó, xử lý vị trí tiện lợi, đảm bảo mỹ thuật cho cục nóng – cục lạnh là cả một vấn đề cần lưu ý.
Giải pháp “cất” cục lạnh khi cục lạnh điều hoà chung tường với tủ. |
Thiết bị không thể thiếu
Mùa hè năm 2010 và đầu năm 2011; Việt Nam đã chứng kiến hai đợt khí hậu khắc nghiệt, kéo dài. Đó là đợt nóng kỷ lục vào mùa hè và đợt lạnh kỷ lục vào mùa đông. Trong những ngày mùa hè nóng như đổ lửa đó, điều hoà nhiệt độ là mặt hàng thiết bị bán chạy nhất. Và trong đợt rét của mùa đông, dù tính chất cấp thiết không như mùa hè, nhưng cũng rất nhiều người mua máy điều hoà hai chiều (máy cho phép tăng nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường), hoặc đổi máy từ một chiều sang hai chiều. Có lẽ với tính chất như vậy, dùng từ “máy điều hoà nhiệt độ” sẽ chuẩn xác hơn là “máy lạnh” – vốn là cách nói quen thuộc.
Việc lắp đặt thiết bị này cho công trình, nhà ở gia đình phổ biến đến nỗi hầu như ta có thể nhìn thấy điều hoà nhiệt độ có mặt ở khắp mọi nơi, không cứ gì phải là công trình sang trọng hay nhà ở xây mới. Điều hoà nhiệt độ gần như là thiết bị bắt buộc, không thể thiếu ở văn phòng, nhà hàng, quán xá, là tiêu chuẩn của sự tiện nghi. Còn đối với nhà ở gia đình, thì điều hoà nhiệt độ giờ đây cũng giống như… quạt máy ngày xưa. Thị trường máy điều hoà nhiệt độ cũng phong phú với nhiều chủng loại, mẫu mã; giá thành không quá cao so với mức sống, nên ngày càng phổ biến hơn. Với những công trình xây mới, hạng mục điều hoà nhiệt độ là một nội dung tất yếu của thiết kế – thi công, được tính trong chi phí đầu tư xây dựng.
Thiết kế và lắp đặt đồng bộ trong quá trình xây dựng
Điều hoà nhiệt độ là loại thiết bị “cứng” (thiết bị gắn cố định), có quan hệ chặt chẽ với kiến trúc và kỹ thuật của công trình. Vì vậy, việc lắp đặt máy điều hoà phải được nghiên cứu tính toán kỹ từ khâu thiết kế: chọn lựa loại máy liên quan đến công suất, hình thức, các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống đường dây, ống… rồi khớp nối với thiết kế của kiến trúc, hệ thống điện, hệ thống thoát nước để có giải pháp thiết kế kiến trúc – kỹ thuật đồng bộ và phù hợp. Nhiều chủ nhà (và thậm chí không ít kiến trúc sư) cho rằng: khi nào làm hoàn thiện mua điều hoà về lắp cũng được. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Thực tế thì với những công trình cũ lắp thêm, bổ sung điều hoà thì đúng là… kiểu gì cũng lắp được. Nhưng với công trình mới xây dựng, việc thiết kế, lắp đặt đồng bộ trong quá trình xây dựng là hết sức cần thiết, đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ, kỹ thuật và cả vấn đề kinh tế (do hệ thống phù hợp và vận hành hiệu quả, không bị hao phí năng lượng).
Thông thường, sau khi đã có thiết kế hệ thống và định vị máy; việc lắp đặt hệ thống điều hoà được chia làm hai giai đoạn trong quá trình thi công:
+ Giai đoạn thứ nhất là đặt hệ thống ống bảo ôn, dây điện từ vị trí dàn nóng tới dàn lạnh, đặt hệ thống ống thoát nước. Hệ thống dây – ống này thường được chôn âm tường, hoặc đi trên trần kỹ thuật. Giai đoạn này cần đặt trước khi tiến hành trát khối xây, hoặc thi công trần giả. Cần lưu ý tuỳ chủng loại máy mà chờ nguồn điện ở dàn nóng hay dàn lạnh, hoặc có thể đi thừa dây (bọc theo ống bảo ôn) cho phép đấu điện ở cả hai đầu. Điều hoà nhiệt độ là thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn, nên nhất thiết phải có thiết bị an toàn riêng (cầu dao/át), đặt độc lập hoặc cùng hệ thống tủ át của tầng.
+ Giai đoạn thứ hai là lắp máy, định vị dàn nóng, dàn lạnh, đấu nối hệ thống ống bảo ôn, dây tín hiệu, dây nguồn, đường thoát nước với thiết bị. Giai đoạn này thường thi công trước khi sơn tường lượt cuối cùng và trước khi làm sàn gỗ (để tránh hư hại). Khi lắp đặt máy phải kiểm tra lại hệ thống ống, dây chờ sẵn đảm bảo nguyên vẹn, an toàn.
Một giải pháp che chắn cục nóng tránh điểm nhìn từ trong nhà ra vị trí phòng khách. |
Đặt máy điều hoà ở đâu?
Đây là vấn đề dễ mà cũng không hề dễ, có liên quan trực tiếp tới thiết kế kiến trúc và nội thất. Đây cũng chính là vướng mắc hay gặp phải, gây khó khăn cho việc lắp đặt nếu như không có sự tính toán từ khâu thiết kế. Với loại điều hoà thế hệ cũ (điều hoà một cục, hay còn gọi là điều hoà xuyên tường – hiện hầu như còn sử dụng rất ít) thì không có nhiều lựa chọn cho vị trí; bởi phải tìm và ưu tiên cho bức tường nào đảm bảo dàn nóng hướng ra nơi thoáng. Nhưng đối với điều hoà thế hệ mới thì về cơ bản là có hai bộ phận (dàn nóng và dàn lạnh) độc lập nhau về vị trí. Dàn nóng đặt phía ngoài để thổi hơi nóng ra, còn dàn lạnh đặt trong phòng, trong không gian tiếp nhận không khí đã được điều hoà. Đó là nguyên tắc chung, song cụ thể đặt ở đâu lại là vấn đề không đơn giản, cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo thuận tiện thi công lắp đặt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ, vận hành tốt, dễ dàng bảo trì và sửa chữa khi có sự cố. Thực tế, rất nhiều chủ nhà làm đến khâu hoàn thiện, gọi thợ tới lắp điều hoà mà không biết đặt máy ở đâu vì đặt đâu cũng thấy dở; bởi vì không có tính toán thiết kế từ trước.Máy điều hoà (dàn nóng và dàn lạnh) nên đặt ở những vị trí sau:
- Dàn nóng: Dàn nóng điều hoà nên được đặt trong logia, dưới sàn bancông (cao trên cửa). Mặc dù dàn nóng được thiết kế để có thể đặt được ngoài trời, chịu mưa nắng song nếu được che chắn tuổi thọ của thiết bị vẫn cao hơn nhiều và hoạt động ổn định hơn. Ngoài ra, đặt điều hoà ở những vị trí này cũng thuận tiện và an toàn trong quá trình thi công lắp đặt, bảo dưỡng do có sàn công tác. Tuy nhiên, ưu tiên lớn nhất cho việc đặt dàn nóng phải là nơi và hướng thông thoáng. Một vấn đề hay gặp phải là dàn nóng điều hoà luôn làm ảnh hưởng (xấu) đến mặt tiền, thẩm mỹ công trình. Do vậy, giải pháp kiến trúc cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính thẩm mỹ. Tại vị trí điều hoà ở logia, bancông có thể thiết kế những kết cấu bao che nhẹ và thoáng như hệ thống lam, tường hoa thông thoáng mà vẫn che được dàn nóng điều hoà. Với những công trình lớn hơn như văn phòng, nhà hàng, chung cư… có thể thiết kế giếng trời kỹ thuật, khe thoáng để đặt dàn nóng điều hoà. Cần lưu ý kích thước của không gian này phải đảm bảo thông thoáng theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Dàn lạnh: Dàn lạnh được đặt trong phòng, phải đặt ở vị trí đảm bảo thẩm mỹ nội thất, không bị cản để có thể thổi khí đều khắp phòng. Trong các công trình nhỏ như nhà ở thì đa phần dùng kiểu điều hoà treo tường. Và thực tế thì tỷ lệ sử dụng điều hoà lạnh nhiều hơn là điều hoà nóng, và khí lạnh là khí tụ, nên dàn lạnh điều hoà thường được treo cao. Với chiều cao thông thuỷ trung bình của phòng ngủ trong nhà ở khoảng 2,7m đến 3m thì có thể treo cao sát trần (cách trần một khoảng nhỏ để dễ lắp đặt). Cần tránh hướng thổi gió với khoảng cách gần của dàn lạnh vào các vị trí sinh hoạt chính như bàn sinh hoạt chung, bàn làm việc, giường ngủ… dễ gây khó chịu và ảnh hưởng tới sức khoẻ người sống và sử dụng trong không gian đó. Bên cạnh đó, vị trí đặt dàn lạnh cũng phải tính toán đến một yếu tố rất quan trọng – đó là vấn đề thoát nước. Xác định chuẩn vị trí mặt lạnh trong nội thất cũng đồng nghĩa với việc đặt ống thoát nước chờ chính xác vị trí và cao độ.
Về cơ bản, dù đặt dàn nóng hay dàn lạnh ở đâu thì cũng phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quan hệ giữa hai thiết bị này. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật chung, với các máy có công suất 9000BTU – 12000BTU thì ống đồng bảo ôn không dài quá 15m, dàn nóng không cao hơn dàn lạnh quá 7m; với các máy từ 18000BTU-24000BTU thì ống đồng bảo ôn không dài quá 20m, dàn nóng không cao hơn dàn lạnh quá 15m.
Một căn hộ chung cư có bất lợi do ở phía tường bên kia (dù có logia) không còn khoảng cách đặt dàn lạnh vì đỉnh cửa sổ cao sát trần; dàn lạnh được chuyển về phía trong và thoát nước về hệ thống thoát nước của vệ sinh. |
Thoát nước – vấn đề hay quên
Có một điều rất đơn giản nhưng lại ít được quan tâm: đó là vấn đề thoát nước ở điều hoà. Trong quá trình làm lạnh khí (ở dàn lạnh), hơi nước ngưng tụ và hoá lỏng, vì vậy phải có đường thoát nước từ dàn lạnh ra. Nhiều người không chú ý, thậm chí không biết đến vấn đề này nên khi lắp đặt điều hoà, không biết thoát nước đi đâu – nhất là khi dàn lạnh ở phía tường trong, không tiếp cận với hệ thống thoát nước nào hoặc đi ra ngoài mặt thoáng rất xa. Khác với ống bảo ôn thường đi trên cao (do dàn nóng và dàn lạnh đều treo cao), ít bị ảnh hưởng và có thể chấp nhận đi nổi trong trường hợp bất đắc dĩ; thì ống thoát nước lại phải thấp dần để đảm bảo chiều dốc. Vì lẽ đó, nếu không thiết kế trước hệ thống thoát nước và đặt ống ngầm chờ sẵn thì rất khó khăn, ảnh hưởng thẩm mỹ và cả vấn đề sử dụng nếu như ống thoát nước nổi trong không gian sử dụng. Nước thoát điều hoà là nước lạnh, vậy khi đi ngầm trong tường nhất thiết phải được bọc lớp bảo ôn bằng cao su để tránh quá trình trao đổi nhiệt, ngưng tụ tiếp trong lòng tường, dễ gây mốc tường hoặc thay đổi nhiệt độ, làm co ngót gây nứt tường.
Nước điều hoà có thể thoát về các hệ thống thoát mái, thoát chậu – sàn vệ sinh hoặc thoát chậu rửa bếp, tuỳ theo vị trí của dàn lạnh (liên quan tới dàn nóng). Tốt nhất là thoát nước trực tiếp vào các hệ thống ống, không nên để thoát ra sàn (logia, vệ sinh). Điều kiện lý tưởng là dàn nóng để ở logia, dàn lạnh ở mặt trong tường phòng tiếp xúc với logia, như vậy khoảng cách và chiều cao rất thuận tiện; và khi đó nước thoát điều hoà từ dàn lạnh sẽ đi xuyên tường ra ngoài logia, đấu nối vào hệ thống thoát mái theo trục đứng, cùng đón thoát sàn logia. Trong những trường hợp công trình không có bancông, logia cùng hệ thống thoát nước đứng, hoặc cục bộ vị trí phòng đó có tường liền với không gian bên ngoài; thì cần thoát nước điều hoà về các hệ thống thoát nước gần nhất (như vệ sinh), không được để nước chảy tự do ra ngoài. Và một điều lưu ý cuối cùng, đơn giản nhất nhưng rất quan trọng là hệ thống ống thoát nước của điều hoà phải được lắp đặt đảm bảo độ dốc thoát nước.
Lắp đặt máy điều hoà nhiệt độ cục bộ cho các công trình nhỏ như nhà ở gia đình không khó, và có thể làm bất cứ lúc nào. Nhưng để có một giải pháp tốt, tìm được vị trí phù hợp cho thiết bị cần thiết phải có thiết kế và thực hiện thi công đồng bộ cùng các hạng mục khác. Đây là bài toán phải giải bằng cả giải pháp kiến trúc – nội thất và giải pháp kỹ thuật, mà người kiến trúc sư phải có cái nhìn tổng thể. Việc tồn tại gần như bắt buộc của loại thiết bị này hiện nay, biết đâu có thể là tiền đề cho những hình thức kiến trúc phong phú?
(Theo SGTT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet