Một nhà sao có hai sổ hồng, hai chủ sở hữu?
Hỏi: Tôi dự định mua một căn nhà diện tích 180m2. Căn nhà có 2 người đồng sở hữu và có 2 sổ hồng đều có diện tích 180m2. Xin hỏi như vậy có hợp lệ? Nếu hợp lệ thì thủ tục mua bán và sang tên như thế nào?
Nếu tôi muốn kiểm tra sổ hồng và sổ đỏ xem có bị làm giả không thì làm bằng cách nào?
([email protected] )
Trả lời
Ảnh minh họa |
1. Về việc hai người cùng sử dụng đất, sở hữu tài sản
Căn cứ khoản 3, Điều 4 thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21-10-2009 của Bộ Tài nguyên - môi trường, trường hợp có hai người không phải là vợ chồng cùng sử dụng đất và sở hữu nhà thì mỗi người đều được cấp giấy chứng nhận chủ quyền, và trên giấy chủ quyền sẽ ghi dòng chữ “cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản với người khác”. Vì vậy, trường hợp mà ông/bà nêu trong thư là đúng với quy định của pháp luật về việc cấp giấy chứng nhận.
2. Về thủ tục mua bán nhà - đất
Do căn nhà có hai đồng sở hữu, vì vậy việc thỏa thuận đặt cọc, giá cả mua bán, thời điểm giao tiền, phương thức thanh toán, thời hạn giao nhà đều phải thỏa thuận với hai đồng sở hữu, các văn bản đặt cọc, hợp đồng mua bán cũng phải có hai người ký tên.
Ngoài ra, nếu hai đồng sở hữu nêu trên có vợ hay có chồng thì cũng phải có sự đồng ý của hai người này và cùng ký tên trên hợp đồng đặc cọc và hợp đồng mua bán nhà, nếu căn nhà nêu trên được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của hai đồng sở hữu.
Để thực hiện thủ tục mua bán nhà - đất, ông/bà và bên bán đến phòng công chứng tại địa phương nơi có đất (trong phạm vi một tỉnh) để nơi đây chứng nhận hợp đồng mua bán nhà - đất cho các bên.
Sau khi hoàn tất thủ tục chứng nhận hợp đồng, các bên sẽ tiến hành thủ tục kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân cho bên bán (nếu có) và lệ phí trước bạ cho bên mua tại chi cục thuế quận/huyện. Sau khi hoàn tất thủ tục liên quan đến thuế nêu trên, bên mua sẽ nộp hồ sơ tại Phòng tài nguyên - môi trường quận/huyện để nơi đây cập nhật thay đổi về người sử dụng đất và sở hữu nhà trên giấy chứng nhận.
Sau khi nơi đây hoàn tất thủ tục nêu trên, thủ tục hành chính về mua bán nhà - đất được xem là hoàn tất.
3. Về việc kiểm tra tính thật giả của giấy chứng nhận
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không quy định về trình tự thủ tục yêu cầu kiểm tra tính thật giả của giấy chứng nhận chủ quyền nhà - đất. Nhưng theo kinh nghiệm của luật sư, ông/bà có thể cùng bên bán đem bản chính hai giấy chứng nhận nêu trên đến phòng tài nguyên - môi trường huyện để đối chiếu với giấy chứng nhận bản lưu tại hồ sơ cấp giấy chứng nhận của căn nhà nêu trên.
Trân trọng,
Luật sư Phạm Đình Sơn (Công ty Luật TNHH Phạm Đình & Cộng Sự)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet