Mối liên hệ giữa kiến trúc và âm nhạc
Kiến trúc và âm nhạc là hai loại hình nghệ thuật có mặt trong bảy môn nghệ thuật kinh điển và ra đời từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Tưởng chừng như rất khác nhau, nhưng kiến trúc và âm nhạc lại có những mối liên hệ, những điểm tương đồng.
Nhân ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9, tạp chí KT&ĐS xin giới thiệu bài viết của KTS Nguyễn Trần Đức Anh, như một sự chia sẻ nghề nghiệp thú vị về hai loại hình nghệ thuật này.
Âm nhạc và kiến trúc, khác biệt và tương đồng
Đã có nhiều sự nhận định, so sánh về sự tương đồng giữa hai loại hình nghệ thuật âm nhạc và kiến trúc. Xét về phương diện lịch sử thì hai loại hình này ra đời từ rất sớm và tồn tại độc lập, không có mối quan hệ như những môn nghệ thuật trong cùng nhóm. Trong danh mục sáu môn nghệ thuật từ xa xưa, âm nhạc đứng trong nhóm thứ nhất – nhóm nghệ thuật động, gồm: nhạc – vũ – kịch (sân khấu). Kiến trúc đứng trong nhóm thứ hai – nhóm nghệ thuật tĩnh, gồm: hội hoạ – điêu khắc – kiến trúc. Sau này nhân loại bổ sung thêm điện ảnh (nghệ thuật thứ bảy, nhiếp ảnh (nghệ thuật thứ tám). Bản thân những sự phân định này chỉ là tương đối và có nhiều quan điểm khác nhau.
|
Nhóm nghệ thuật thứ nhất – nhóm động – là các môn nghệ thuật về thời gian (có tính phi vật thể), còn nhóm thứ hai – nhóm tĩnh – là các môn nghệ thuật về không gian (có tính vật thể). Tất cả những môn nghệ thuật này đã có rất nhiều thay đổi từ thuở sơ khai cho tới bây giờ, kiến trúc và âm nhạc cũng vậy. Kiến trúc hiện gần với công nghệ, khoa học kỹ thuật hơn, song không thể phủ nhận nó xuất phát từ một loại hình nghệ thuật và không bao giờ mất tính nghệ thuật trong đó. Mặc dù nằm trong hai nhóm khác nhau, nhưng kiến trúc và âm nhạc lại có những điểm tương đồng. Nhà quy hoạch, KTS Le Corbusier (1887 – 1965) – cây đại thụ của nền kiến trúc hiện đại thế giới đã nói: “Âm nhạc là sự sắp xếp những khoảng lặng, còn kiến trúc là sự sắp xếp những khoảng trống”. Ở Việt Nam, nhạc sĩ, KTS Hoàng Phúc Thắng (1951 – 2008) thì cho rằng: “Kiến trúc và âm nhạc là hai loại hình nghệ thuật có nhiều điểm tương đồng. Giữa những khoảng trống của kiến trúc ta có thể cảm nhận được nhịp điệu, giai điệu, tiết tấu; còn giữa những khoảng im lặng của âm nhạc ta có thể nhìn ra hình khối, đường nét, màu sắc”.
Nhà quy hoạch, kiến trúc sư Le Corbusier (1887 – 1965) cây đại thụ của nền kiến trúc hiện đại thế giới đã nói: "Âm nhạc là sự sắp xếp những khoảng lặng, còn kiến trúc là sự sắp xếp những khoảng trống". |
Và như vậy thì trong âm nhạc có không gian, trong kiến trúc có thời gian. Xét về tính logic chuyên môn, điều đó hoàn toàn đúng! Âm nhạc có thể “vẽ” nên không gian và kể những câu chuyện bằng âm thanh trong đó; và kiến trúc cũng diễn tả được thời gian bằng không gian của nó, cũng như mang những giá trị của thời gian khi tồn tại. Không cần là nhạc sĩ hay người được đào tạo âm nhạc chuyên sâu, người nghe với vốn văn hoá nhất định và sự nhạy cảm tâm hồn có thể thấy rất rõ những không gian trong tác phẩm âm nhạc. Có thể lấy ví dụ như khung cảnh cuộc chiến dữ dội và bi thương trong bản Asturias (tác giả: Isaac Albéniz), sự rộn ràng của một phiên chợ trong đoạn đầu tác phẩm Phiên chợ Ba Tư (tác giả: Albert William Ketèlbey), hay không gian mênh mang của dòng sông và những con sóng trong tác phẩm Sóng Đa-nuýp (tác giả: Iosif Ivanovici)… Với kiến trúc, người ta có thể thấy sự sâu thẳm của thời gian trước kim tự tháp Ai Cập, hay một nhịp sống hối hả trong đô thị với những toà nhà cao vút xen nhau.
Tất nhiên mỗi người đều có thể có cảm nhận và sự liên tưởng khác nhau trước những hình tượng nghệ thuật. Điều đó cũng giống như sự đa nghĩa trong tạo hình tác phẩm Nhà thờ Ronchamp của KTS Le Corbusier. Và những cảm nhận cùng sự đa nghĩa ấy cũng thay đổi theo thời gian…
Khi kiến trúc sư chơi nhạc, viết nhạc
Sáng tác kiến trúc là một công việc khó, nhưng sản phẩm kiến trúc lại cụ thể, có thể nhìn thấy, sờ thấy; còn âm nhạc thì trừu tượng hơn, chỉ có thể nghe và cảm nhận. Sáng tác kiến trúc có những dữ liệu cụ thể; đó là diện tích xây dựng, chiều cao công trình, yêu cầu công năng… còn dữ liệu cho sáng tác âm nhạc lại vô cùng mông lung. Tuy nhiên, trong lý thuyết sáng tác của cả hai lại có những thủ pháp nghệ thuật tương đồng như: cân bằng, tương phản, nhịp điệu, tiết tấu, nhấn nhá, cao trào… Kiến trúc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, luật pháp, định tính về văn hoá xã hội, định lượng về nhân trắc… còn âm nhạc phải tuân thủ về điệu thức, nhịp, giọng… Trong mỗi thể loại của công trình kiến trúc có những yêu cầu riêng về kết cấu, cấu tạo, công năng, thẩm mỹ…; còn trong mỗi thể loại tác phẩm âm nhạc cũng có yêu cầu cụ thể về cấu trúc, nội dung, nhạc khí… Cả hai đều có sự chuẩn mực và tính khoa học rất cao. Một công trình kiến trúc phải có đồ án thiết kế, rồi thi công mới trở thành kiến trúc đúng nghĩa; một tác phẩm âm nhạc được viết ra (trên giấy) cũng phải được trình tấu (dàn dựng khoa học, công phu) mới là tác phẩm âm nhạc hoàn thiện.
Đó là những điểm tương đồng mà phần nào lý giải cho sự quan tâm và đam mê, thậm chí dấn thân vào âm nhạc của nhiều kiến trúc sư. Và phải chăng chính vì những sự tương đồng ấy mà người làm kiến trúc dễ dàng tiếp cận và cảm nhận âm nhạc hơn? Dù không ai thống kê nhưng chắc chắn số kiến trúc sư có sáng tác âm nhạc không phải là ít. Có nhạc sĩ đã nhận định rằng: kiến trúc sư viết nhạc cấu trúc rất chặt chẽ, hoàn chỉnh và luôn ẩn chứa không gian trong đó. Có lẽ đó là một ảnh hưởng qua lại của nghề nghiệp?! Về điều này phải nói thêm rằng có nhiều bài hát, tác phẩm âm nhạc không có không gian (hay tác giả – nhạc sĩ không dựng được?). Trong nhiều kiến trúc sư chơi nhạc, viết nhạc có thể thấy hai tác giả kiến trúc sư – nhạc sĩ trong giới chúng ta ghi được những dấu ấn, những không gian của riêng mình. Đó là cố KTS Hoàng Phúc Thắng với những bài ca về Hà Nội, những không gian của Hà Nội; ở đó có Hồ Gươm, có sông Hồng, có phố phường, có chiều dài lịch sử ngàn năm… Hoàng Phúc Thắng đã đưa không gian kiến trúc và cả lịch sử vào tác phẩm âm nhạc với cái nhìn của một nhà quy hoạch, nhà văn hoá. Các tác phẩm của anh thực sự đi vào lòng người và vượt qua thử thách của thời gian, như: truyền thuyết Hồ Gươm, Im lặng sông Hồng, Khi bước đi trên đường phố xưa, Hà Nội đêm mùa đông…
Không khó để có thể nhận thấy rằng bản giao hưởng đô thị của chúng ta đang hỗn loạn – hỗn loạn trên nhiều phương diện. Cấu trúc và tiến trình lỏng lẻo, rời rạc, không có sự kết nối logic, ý nghĩa. |
Bản giao hưởng đô thị
Có điểm nào tương quan giữa tạo hình kiến trúc và “tạo hình” trong âm nhạc không? Hay ví dụ khác để cụ thể và hữu hình hơn là so sánh một tổ hợp kiến trúc (tuyến phố hay nhóm công trình chẳng hạn) với một khuông nhạc/ bản nhạc cùng những nốt nhạc trên đó. Nếu như quy đổi độ cao của công trình kiến trúc tương đương với cao độ nốt nhạc và độ rộng/độ lớn chiều ngang là trường độ, những khoảng trống là những dấu lặng… thì ta được kết quả gì? Nếu như lấy dãy phố đẹp chuyển sang bản nhạc thì có được một giai điệu hay? Nếu lấy bản nhạc hay xây thành dãy phố thì có một dãy phố đẹp? Điều đó khó thuyết phục nhưng không phải là không có lý.
Không khó để có thể nhận thấy rằng bản giao hưởng đô thị của chúng ta đang hỗn loạn – hỗn loạn trên nhiều phương diện. Cấu trúc và tiến trình lỏng lẻo, rời rạc, không có sự kết nối logic, ý nghĩa; từng chương đoạn lắp ghép khiên cưỡng, thậm chí thô thiển; các nhạc khí không đầy đủ và chất lượng không đồng đều, nhưng lại có cả những nhạc khí tạp nham không phải của dàn nhạc giao hưởng; các nhạc công chơi tự do, bất quy tắc, không nhìn bản nhạc và cũng không tuân theo chỉ huy…
Trong cuộc đời làm âm nhạc, không phải nhà sáng tác, nhạc sĩ nào cũng viết giao hưởng, điều đó phụ thuộc vào tài năng, trình độ, cảm hứng và môi trường hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên nếu đủ trình độ và nếu muốn, nhạc sĩ có thể viết giao hưởng độc lập mà không lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Còn với kiến trúc sư, rất hiếm người có thể, có cơ hội làm “giao hưởng đô thị”, kể cả khi có trình độ và năng lực tương đương. Tuy vậy, điểm giống nhau ở chỗ là từ một bản giao hưởng hay một bản quy hoạch đô thị trên giấy, cho đến hiện thực – tác phẩm hoàn thiện là một khoảng cách rất xa. Có nhiều nhạc sĩ viết giao hưởng nhưng cũng… chỉ để đấy vì không đủ khả năng, điều kiện để dàn dựng tác phẩm. Giới phê bình âm nhạc hàn lâm luôn than thở về việc khí nhạc, giao hưởng lép vế trước ca khúc thị trường. Ở phía kiến trúc sư tình hình cũng không sáng sủa hơn khi rất nhiều người cũng không mặn mà lắm với những thể loại hoành tráng như “concerto”, “hợp xướng”, “giao hưởng”, để viết… “ca khúc nhà dân” cho dễ thở, dễ sống.
Hình như đó cũng là một điểm tương đồng giữa âm nhạc và kiến trúc trong bối cảnh hiện nay. Và liệu có lối thoát hay sự bứt phá nào cho “bản giao hưởng đô thị”?
KTS Nguyễn Trần Đức Anh
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet