Đây là khoản thưởng và phí sàn bất động sản này cam kết trả cho anh sau khi môi giới này kết nối bán một số căn hộ chung cư. Một vài căn đầu tiên, họ trả phí đầy đủ, song sau đó việc thanh toán khó khăn dần, rồi kéo dài cho đến nay - tức là khoảng một năm rưỡi sau khi giao dịch diễn ra anh vẫn chưa nhận được phí.

"Ban đầu họ giải thích do chủ đầu tư thanh toán hoa hồng cho các sàn theo tiến độ xây dựng dự án. Tuy nhiên, đó là việc giữa họ và chủ đầu tư, còn cam kết đã ký với tôi, họ nói xong giao dịch sẽ được nhận tiền. Vậy mà đến nay, tôi đòi như đi xin mà chưa được", anh Tuấn nói.  

môi giới nhà đất
Môi giới đang tư vấn, giới thiệu dự án cho khách mua căn hộ. Ảnh: K.H

Tuy nhiên, anh Tuấn vẫn may mắn hơn anh Trung - một môi giới bán dự án đất nền ở Đà Nẵng. Trung vừa "đầu hàng", chấp nhận bị mất hơn 100 triệu đồng hoa hồng sau hàng năm đòi với nhiều lần đến sàn, gặp đủ cấp lãnh đạo.

"Không riêng tôi, rất nhiều môi giới khác cũng gặp để đòi nhưng khi đến trụ sở thì họ đóng cửa hoặc cho nhân viên lễ tân ngồi tiếp. Gọi điện cho lãnh đạo sàn, khi thì họ trả lời rồi viện đủ lý do khó khăn, lúc thì họ không nghe máy, gần đây còn không liên lạc được", anh Trung nói.

Không chỉ quỵt tiền phí, một số môi giới còn bị sàn "bùng" luôn cả khoản thưởng nóng - vốn là một khoản cố định được nhận ngay sau khi giao dịch thành công. Hòa, một môi giới mới vào nghề cay đắng kể lại câu chuyện "lỗ vốn" khi bán một sản phẩm chung cư tại Hà Nội vào đầu năm ngoái. Chủ đầu tư cam kết sẽ thưởng nóng 50 triệu đồng mỗi căn. Tuy nhiên, do thanh khoản thị trường kém nên khách mua đòi môi giới "cắt máu" chỉ còn 10 triệu đồng một căn. Tức là khách giao dịch xong, nhận tiền thưởng nóng, môi giới sẽ phải đưa thêm cho khách 40 triệu đồng và chỉ nhận về 10 triệu.

Khi đó, Hòa phải ứng tiền túi để trả. Tuy nhiên, tiền thưởng nóng cũng bị đơn vị phân phối nợ đến hơn một năm mới đòi hết.

Không đến mức bị nợ hay "bùng" phí, song Quang (cộng tác viên bán hàng tại một sàn ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại bị cắt giảm hoa hồng chỉ còn một nửa so với cam kết. Một số giao dịch anh phải hợp tác với các môi giới khác để bán hàng. Tuy nhiên, khi sàn bất động sản trả phí chỉ bằng một nửa so với ban đầu, anh Quang phải bớt phần hoa hồng của mình để trả cho người kia.

Thực tế, chính một số sàn bất động sản cũng bị các chủ đầu tư nợ phí môi giới tới vài năm. Một sàn bất động sản tại Quảng Ninh từng là đơn vị kết nối thành công hàng chục căn biệt thự cho một dự án nghỉ dưỡng. Môi giới của họ nằm trong top xuất sắc nhất và được vinh danh tại sự kiện của chủ đầu tư. Tuy nhiên, phải đến gần hai năm sau giao dịch và nhiều lần gây căng thẳng với chủ đầu tư, họ mới được nhận tiền hoa hồng.

"Theo hợp đồng, hoa hồng sẽ được thanh toán sau 30 ngày nhưng khi đó, chủ đầu tư nêu mọi lý do để trì hoãn. Trong khi đó, để giữ chân môi giới thì chúng tôi không thể nợ họ mà phải ứng ra. Gặp mấy chủ đầu tư như vậy, sàn chẳng mấy đóng cửa, đặc biệt là những sàn nhỏ, mới thành lập", giám đốc sàn cho biết. Cũng từ bài học này, sàn môi giới này gần đây thường làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng để ký thoả thuận bảo lãnh thanh toán phí môi giới.

Tình trạng nợ phí hoa hồng không chỉ xảy ra đối với môi giới bán dự án mà cả đối với đất thổ cư. Huy, một môi giới chuyên nhà đất thổ cư ở Cầu Diễn kể, người bán đồng ý ký hợp đồng với cam kết trả hoa hồng 1% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, sau khi giao dịch hoàn tất thì bên bán "quên" luôn việc trả hoa hồng.

"Để đòi được phí, có lần tôi còn phải nhờ cả người đòi nợ thuê đến nhà ngồi chờ và gây sức ép bởi cứ đến thì người bán lại tránh mặt gặp", anh Huy kể.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phân phối DTJ  cho biết, tình trạng nợ hoa hồng môi giới chủ yếu xảy ra với các chủ đầu tư và sàn mới thành lập. Với những sàn mới, tài chính yếu thì tình trạng này có thể tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí dẫn tới phá sản.

Đồng tình với bà Hiền, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư EZ Việt Nam còn cho rằng đây là hiện tượng của những sàn môi giới làm ăn chộp giật. Bởi theo ông, nếu nợ hoặc quỵt hoa hồng thì sàn đó cũng rất khó để tuyển được môi giới hoặc cộng tác viên bán hàng.

Chưa kể, nhiều đơn vị nhỏ hầu như không có môi giới có hợp đồng lao động mà chỉ là cộng tác viên. Giữa hai bên đôi khi không có văn bản thỏa thuận về mức hoa hồng chi trả mà chỉ nói miệng. Do đó, môi giới cũng yếu thế khi đòi phí từ những sàn kiểu này.

(Theo Vnexpress)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME