Chị Hoa, ngụ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết rất hay tổ chức các buổi dã ngoại vào cuối tuần cùng với gia đình bạn bè. Trong đó, mọi người đều rất ưa chuộng những căn hộ hoặc khu nghỉ theo mô hình homestay có vị trí ở vùng ven đô, bởi không phải đi xa mà vẫn có sự tự do và không gian riêng.

Tuy nhiên, để đặt phòng ở một số homestay chất lượng tốt vào các ngày nghỉ, chị Hoa cho biết phải liên hệ trước từ 2 - 4 tuần và chuyển tiền cọc trước. Thậm chí, mới đây, để có thể nghỉ ngơi trong một căn homestay tại Tam Đảo dịp cuối tuần, chị Hoa còn phải chuyển tiền đặt phòng trước 2 tháng.

Cách đây một tuần, chị Hoa có ghé vào một website chuyên kết nối với chủ sở hữu homestay để tìm chỗ cho một chuyến dã ngoại tiếp theo. Vậy nhưng, khi tìm các khu nghỉ quanh Hà Nội, chỉ thấy còn đúng 5 địa điểm trống dịp cuối tuần và phải sau một tháng nữa mới có chỗ. Do đã chốt lịch đi nên cuối cùng, chị và nhóm không đợi chỗ mà đành đến một địa điểm khác cách Hà Nội khoảng 50 km.

Cách đây khoảng 2 năm, trào lưu làm homestay từng nở rộ tại nội thành Hà Nội và hướng đến đối tượng khách nước ngoài là chủ yếu thì hiện xu hướng này bắt đầu tràn ra vùng ven đô, trong bán kính từ 30 - 50 km và một số tỉnh lân cận. Đối tượng khách hàng cũng có sự thay đổi khi hướng đến nhóm khách trẻ người Việt thích nghỉ ngơi đâu đó gần Hà Nội trong một vài ngày. Những khu vực đang nở rộ mô hình homestay quanh Hà Nội có thể kể đến Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Gia Lâm, Long Biên... Nhiều địa điểm xa hơn cũng đang phát triển mô hình này khá rõ như Hòa Bình, Vĩnh Yên, Tam Đảo -  Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình...

Chủ đầu tư một homestay tại Sóc Sơn tên Duy kể, đã bỏ khoảng 3 tỷ đồng vào một công trình homestay. Nhà đầu tư này cho biết, lúc đầu chỉ định mua đất và xây dựng với mục đích cùng gia đình về nghỉ ngơi vào cuối tuần. Song sau đó, thấy có một số khách hỏi thuê, anh Duy nhận ra có thể đầu tư vào mô hình kinh doanh này vì khá tiềm năng.

homestay tại Hà Nội
Mô hình homestay đang phát triển mạnh ở các khu vực vùng ven Hà Nội. Trong
ảnh là một homestay khá hút khách thời gian gần đây.

“Những dịp giữa tuần thì chủ yếu là các đoàn khách sinh viên, người làm nghề  tự do với mức giá thuê khoảng 5 - 6 triệu đồng một ngày, một đêm. Trong khi đó, cuối tuần đa số là các gia đình, dân văn phòng... với mức giá thuê khoảng 8 triệu đồng”, anh Duy nói. Nhà đầu tư này cũng cho biết, tỷ suất khai thác trung bình đạt khoảng 50%, thời gian trống còn lại gia đình anh sử dụng để nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, anh Duy cũng thừa nhận, mô hình này đang phải cạnh tranh khá gắt, đồng thời để hút khách thuê phải thiết kế các homestay có sự độc đáo, hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, nhiều không gian xanh. Để đáp ứng những đòi hỏi này, khu đất thực hiện dự án phải có diện tích rộng nên số vốn bỏ ra ban đầu không hề nhỏ nếu so với mô hình homestay trong nội thành.

Anh Tuấn, một cán bộ ngân hàng tiết lộ cũng đã đưa vào vận hành một homestay tại Thạch Thất từ đầu năm nay. Homestay này hiện đạt tỷ lệ khai thác khoảng 40% mỗi tháng với giá thuê dao động 4-8 triệu đồng, tùy từng ngày. Anh Tuấn cho rằng, để triển khai một homestay thành công, trước hết phải xây dựng được một ngôi nhà đẹp, tiếp đến phải có không gian sân vườn, thậm chí có thể trồng rau, trái, nuôi gà, ao cá.... Đây là cách tạo ra sự gần gũi với thiên nhiên, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người thuê căn hộ và giúp khách thuê có những trải nghiệm mới mẻ mà họ không thể tìm thấy trong nội đô ngột ngạt.

“Bên cạnh đó, gia chủ các căn hộ homestay cần phải tạo cho người thuê một không gian thoải mái, tự do như đang được ở chính căn hộ của mình”, anh Tuấn nói. Vị cán bộ này cho biết thêm, không chỉ thuê lưu trú, homestay của anh còn thường được thuê để làm bối cảnh chụp ảnh vì được thiết kế rất đẹp.

Về chi phí, anh Tuấn cho biết, homestay không nhất thiết phải đầu tư cầu kỳ với mức vốn cao. Ở vùng ven, nhiều homestay được phát triển theo mô hình thân thiện với môi trường, sử dụng các vật liệu xây dựng địa phương đơn giản và không gian chỉ gồm nơi ngủ, nghỉ nhưng được thiết kế độc đáo, có nét riêng. Anh Tuấn cho rằng, chi phí đầu tư cho những homestay này chỉ bằng một nửa suất đầu tư thông thường nên có giá thuê rẻ hơn và được các bạn trẻ ưa chuộng.

Ông Lê Kiên Trung, chủ của một chuỗi homestay quy mô khoảng 40 cơ sở lưu trú theo mô hình homestay ở vùng ven Hà Nội đánh giá: nhu cầu chia sẻ những không gian nghỉ ngơi ngày càng lớn hơn trong bối cảnh cuộc sống ở thành phố ngày càng chật hẹp và ô nhiễm. Nhóm đối tượng yêu thích mô hình này thường là gia đình hoặc nhóm bạn trẻ, năng động, thích có không gian riêng. Tuy nhiên, ông Trung cũng xác nhận, khách thuê luôn đòi hỏi các homestay phải có tính thẩm mĩ cao và có giá trị kiến trúc.

Công ty nghiên cứu thị trường AirDNA (đơn vị phân tích số liệu của AirBnB) cung cấp số liệu cho biết, trong năm 2017, tại Hà Nội có hơn 8.100 chỗ ở theo mô hình homestay. Đến nửa đầu năm nay, con số này đã tăng lên 11.200 chỗ, trong đó trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.

Còn theo số liệu thống kê từ Luxstay - nền tảng đặt homestay thì số lượng chỗ ở theo mô hình này đã đạt được bước tăng trưởng khá ấn tượng. Theo thông tin mà đại diện đơn vị này cung cấp thì mỗi tháng có đến vài nghìn đơn đăng ký tham gia hệ thống. Sau khi thực hiện các bước kiểm duyệt, đơn vị này sẽ tiếp nhận khoảng 300 - 500 chỗ ở đạt tiêu chuẩn tham gia mỗi tháng.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME