Mất trắng nếu sập bẫy các chiêu lừa bán nền “dự án ma”
Trên các thửa đất quy hoạch, đất lúa, đất chưa chuyển mục đích sử dụng, đất có pháp lý không rõ ràng... một số đối tượng tự ý vẽ ra các “dự án ma” để chiêu dụ, chiếm đoạt tiền của người dân nhẹ dạ, cả tin. Để mọi việc trót lọt, những đối tượng này làm giả cả giấy tờ đất, phương án thẩm duyệt dự án, biên nhận hồ sơ của cơ quan cấp phép… Không ít người dính bẫy mua nền, góp vốn đã lâm cảnh nợ nần, trắng tay.
Thực tế thủ đoạn trên đã xuất hiện từ nhiều năm qua tại TP.HCM và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đồng thời, các thủ đoạn này diễn ra phức tạp ở các quận ven, huyện ngoại thành, cùng với đó là rất nhiều hệ lụy xã hội. Tuy vậy, các giải pháp ngăn chặn từ xa của chính quyền, ngành chức năng địa phương chưa thấm vào đâu; chủ yếu chỉ can thiệp được khi sự vụ đã xảy ra.
Nhiều người sập bẫy
Ông Nguyễn Văn Tụ (43 tuổi, ngụ phường 13 quận Gò Vấp) cho biết đã “đứng ngồi không yên”, thường xuyên mất ngủ từ hơn 1 năm nay sau khi “dính bẫy” một đối tượng lừa đảo bán đất.
Theo lời kể của ông Tụ, vào tháng 4/2018, ông có mua một miếng đất 105 m2 nằm trong dự án đất nền 10.500 m2 thuộc địa bàn xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Theo giấy tờ, miếng đất này của bà Phạm Thị Thu Thủy (ngụ quận 5), bán cho ông với giá 1,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, sau khi đặt cọc số tiền 50 triệu đồng, trong vòng 7 tháng, hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán.
Lúc đó, bên mua sẽ được nhận nền và trả đủ số tiền 95% giá trị mảnh đất. Khi nào nhận giấy chủ quyền, bên mua mới phải thanh toán nốt số tiền 5% còn lại. Tuy nhiên đó chỉ là thỏa thuận, bởi hết thời hạn giao nền đã lâu, nhưng ông Tụ vẫn không thấy bà Thủy liên lạc.
Khi đến văn phòng công ty thắc mắc, ông Tụ được bà Thủy giải thích là do thiếu vốn nên dự án triển khai chậm. Bà này còn đề nghị khách hàng đóng thêm 250 triệu đồng, hỗ trợ chủ dự án đẩy nhanh tiến độ. Thấy hợp lý, ông Tụ đồng ý đóng thêm tiền. Sau đó một năm, dự án vẫn không tiến triển gì, nhưng khi ông Tụ gọi vào điện thoại bà Thủy thì không liên lạc được.
Nghi ngờ, ông Tụ đã đến UBND xã Đông Thạnh tìm hiểu thì được biết khu vực ông mua đất hoàn toàn không có dự án nào. Thực tế khu đất dự án mà ông Tụ mua là đất trồng lúa đứng tên ông Mai Văn Khỉ, hiện đang được chuyển nhượng cho ông Trần Minh Sang, không liên quan đến bà Thủy.
“Tôi như chết đứng khi biết mình bị lừa vì số tiền mua đất là tiền dành dụm, tích cóp của vợ chồng từ trước đến nay. Giờ nhà không có, tiền cũng mất trắng luôn”, ông Tụ than vãn và cho biết đến giờ ông vẫn không tin là mình bị lừa. “Lúc dẫn đi xem đất, phía bà Thủy trưng ra đầy đủ pháp lý, nào giấy chủ quyền photo có công chứng, có cả phương án thẩm duyệt dự án, bản vẽ chi tiết nền đất và tiện ích công viên. Thời điểm này cũng có nhiều khách hàng đến giao dịch, chồng tiền mua nền nên mình không thể không tin. Không ngờ tất cả đều giả tạo”, ông Tụ ngán ngẩm nói.
Cũng với thủ đoạn như trên, tại quận Thủ Đức đã có nhiều hộ dân bị “dính bẫy” Công ty cổ phần Đầu tư Angel Lina và Công ty Bất động sản Hoàng Ân Group. Cụ thể, sau khi góp vốn mua đất nền ở tổ 15, khu phố 6, phường Linh Trung, người dân mới tá hỏa khi UBND phường Linh Trung cho biết không hề có dự án nhà ở nào tại địa điểm trên.
Chính quyền huyện Hóc Môn, TP.HCM cắm biển cảnh báo trên khu đất ở
xã Xuân Thới Thượng để người dân cảnh giác, tránh bị lừa đảo
Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND UBND phường Linh Trung xác nhận trên thực tế khu đất trống mà Công ty Angel Lina vẽ ra “dự án ma” nói trên là quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM. Như vậy doanh nghiệp tổ chức bán đất và môi giới đã có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, người dân.
Tìm hiểu PV được biết, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với Công ty Bất động sản Hoàng Ân Group, đơn vị môi giới mua bán đất tại “dự án ma”. Đơn vị này cam kết không môi giới mua bán đất tại khu vực tổ 15, khu phố 6 từ ngày 7/3, vậy nhưng sau đó hoạt động rao bán, giao dịch vẫn tiếp diễn.
Đến thời điểm này đã có khoảng 6 người dân đặt tiền góp vốn cho Công ty Angel Lina, thậm chí có người đã đóng số tiền hơn 600 triệu đồng. Một trong những nạn nhân khác là ông S., cho biết Công ty Angel Lina không chỉ đưa ra được các giấy tờ pháp lý giả (có dấu đỏ) để khách hàng tin mà còn đánh vào tâm lý người thu nhập thấp, thiếu hiểu biết (thích mua giá rẻ) khi rao bán các nền đất với giá chỉ 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá thị trường đang rao bán ở khu vực này thực tế từ 40 - 45 triệu đồng/m2.
Nguy cơ mất trắng
Thủ Đức, Hóc Môn không phải là địa bàn cá biệt mà tình trạng vẽ “dự án ma” để lừa khách hàng đang diễn ra phức tạp và gia tăng ở nhiều quận huyện khác. Chỉ tính riêng 2 xã Đông Thạnh và Nhị Bình của huyện Hóc Môn, từ năm 2018 đến nay, đã có một số đối tượng bị công an phát hiện sử dụng chiêu thức vẽ “dự án ma”, lừa đảo khách hàng, với khoản thu lợi bất chính hơn 28 tỷ đồng. Công an xác định số nạn nhân là 166 người. Công an huyện Hóc Môn cho biết thêm, tình trạng vẽ “dự án ma” lừa đảo khách hàng hiện đã lan rộng ra 9/12 xã, thị trấn của huyện.
“Nếu nhìn đơn giản ở góc độ mua bán đất thì đây là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, ở đây bản chất không phải như vậy, các đối tượng đã làm giả giấy tờ, lên mạng tung rao các sơ đồ, bản vẽ dự án, đặc biệt là nhập nhằng trong xác nhận vi bằng, đánh lận con đen để chiêu dụ người mua. Những mánh khóe này là hành vi lừa đảo. Công an huyện sẽ kiên quyết xử lý”, đại tá Trần Việt Hải, Trưởng Công an huyện Hóc Môn cho biết.
Theo công an huyện Hóc Môn, nếu muốn giải quyết triệt để tệ nạn trên thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt vẫn là cấp cơ sở, phải theo dõi sát địa bàn, thắt chặt công tác quản lý đất đai, xây dựng. Một khi còn buông lỏng công tác này thì tội phạm lừa đảo trong mua bán đất vẫn còn đất sống.
Nói về vụ việc “dự án ma” tại tổ 15, khu phố 6, phường Linh Trung, ông Trần Quốc Hưng cho biết thêm, sau khi có thông tin, phường đã nhanh chóng phối hợp với Công an quận Thủ Đức điều tra làm rõ. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo của cá nhân, tổ chức bán đất và môi giới, công an đã tiến hành xác minh, làm việc với Công ty Angel Lina. Tuy nhiên khi lần theo địa chỉ ghi trên hợp đồng góp vốn với khách hàng tại số 22B Phùng Khắc Khoan thì ở địa chỉ này không có công ty trên.
“UBND phường Linh Trung kêu gọi những ai là nạn nhân, khách hàng đã mua đất ở dự án không có thật của Công ty Angel Lina tại tổ 15, khu phố 6, phường Linh Trung nên liên hệ chính quyền để được hỗ trợ giải quyết”, ông Hưng thông báo.
Cũng theo Chủ tịch UBND phường Linh Trung, để người dân không tiếp tục dính bẫy các đối tượng lừa đảo, phường đã dựng bảng, pano cảnh báo tại khu đất nhiều lần, nhưng liên tiếp bị kẻ lạ lén lút phá bỏ. UBND phường đã chỉ đạo công an phường theo dõi, xử lý các trường hợp này.
Về vấn nạn này, Luật gia Đặng Hoàng Tình kiến nghị, để người dân được đảm bảo quyền lợi và những nạn nhân bị lừa mua đất ở “dự án ma” có thể lấy lại tiền, cơ quan công an cần đẩy nhanh quá trình điều tra, sớm tiến hành thủ tục tố tụng, phong tỏa tài sản.
Nếu không, đối tượng lừa đảo sẽ có thời gian tẩu tán tài sản, hoặc doanh nghiệp tuyên bố phá sản để chiếm đoạt tài sản. Với trường hợp ở quận Thủ Đức, đối tác để người dân, khách hàng góp vốn mua nền là một doanh nghiệp.
"Cẩn thận với thuật ngữ “công chứng thừa phát lại” Luật Nhà ở, Luật Đất đai quy định việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền; sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện. Như vậy, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua). Cần lưu ý rằng giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến (cụ thể trong các trường hợp này là ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên), nên vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực; tức là vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua. Vi bằng do thừa phát lại lập chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa án và các quan hệ pháp lý khác, dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất... làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Hiện nay, một số người môi giới bất động sản (cò đất) sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng của mình. Đây không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là một cách dùng từ sai và tùy tiện của những người môi giới bất động sản (cò đất), nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia. Đề nghị người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện cần liên hệ UBND xã/thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch, hoặc UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này." Ông Đặng Quang Sang, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hóc Môn |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet