Vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19

Dưới tác động của đại dịch Covid, phân khúc nhà phố cho thuê vẫn đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Xu hướng hoàn trả mặt bằng hàng loạt tại các tuyến đường trung tâm, nhất là ở những khu vực vốn rất sầm uất và cao cấp của TP.HCM tiếp tục diễn ra khi các chủ kinh doanh không cầm cự nổi mức thuê đắt đỏ.

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, tại khu vực trung tâm, quận 1 và quận 3 vẫn là hai nơi ghi nhận làn sóng trả mặt bằng rầm rộ từ tháng 4 đến nay. Dọc các tuyến đường vàng như Đồng Khởi, Nguyễn Trung Trực, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hàm Nghi... ngày càng xuất hiện nhiều những căn nhà mặt tiền đóng cửa, chỉ có xe đẩy, gánh hàng rong tụ tập xung quanh. Phố Tây Bùi Viện, phố Nhật Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn chứng kiến hoạt động kinh doanh ảm đạm. Mức giá thuê mặt bằng vào khoảng 150-500 triệu đồng/tháng khiến nhiều cửa hàng chỉ cần kinh doanh ế ẩm tầm 1-2 tháng là khó lòng trụ được. Tương tự, những tuyến đường thời trang, ẩm thực của quận 3 như Nguyễn Trãi, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm, không khó bắt gặp những cửa hàng đóng cửa, treo băng rôn chào thuê hay bán nhà. 

Hình ảnh mặt bằng chào thuê tại quận 1
Nhiều tuyến đường tại trung tâm quận 1 treo bảng chào thuê 2-3 tháng nay vẫn chưa tìm ra khách. Ảnh Phương Uyên.

Một ví dụ điển hình về tình trạng gặp khó của các chủ nhà cũng như khách thuê trong thời gian này là các khu phố Hàn Quốc quanh khu vực Quận 7. Đây là nơi tập trung rất nhiều người Hàn Quốc tới Việt Nam làm việc và sinh sống, đặc biệt là quanh phường Tân Phong, Phú Mỹ Hưng, và đã từng là thị trường rất lí tưởng dành cho ngành bán lẻ, với mật độ dân số đông, cư dân là những người có thu nhập và chất lượng cuộc sống cao. Mức giá thuê trung bình của khu vực này tương đối thấp so với trung tâm, dao động từ 80-300 triệu/tháng.

Từ khi dịch bệnh bùng nổ, lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đi lại, khiến các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc, cùng với việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng khiến doanh thu của các doanh nghiệp tại đây sụt giảm nghiêm trọng. Trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ khu vực này luôn duy trì ở mức cao khoảng 95% thì hiện nay tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, đặc biệt là các mặt bằng nội khu.

Chủ một cửa hàng ẩm thực trên khu vực phường Tân Phong chia sẻ, việc đóng cửa là điều bất khả kháng vì lượng khách hàng trong 4 tháng gần đây giảm mạnh. Thời điểm tháng 4-5 khách hàng chỉ còn chưa đến 10%, khu vực này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch nên khi du lịch đóng cửa, việc mua bán cũng trầm lắng hẳn. Qua tháng 6, khi hoạt động xã hội mới khôi phục lại một thời gian ngắn thì dịch bệnh lại bùng phát trở lại, nhiều nhà hàng không thể cầm cự thêm đành trả mặt bằng để tránh bể nợ do gánh chi phí thuê mặt bằng và nhân công.

Khó khăn sẽ kéo dài đến cuối năm 2020

Thực tế 8 tháng qua, các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống đang trở nên phổ biến tại những tuyến phố thương mại đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Từ quý 1/2020, tình trạng kinh doanh ế ẩm, kéo dài sang quý 2 và chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, các phòng răng (nha khoa), spa, công ty du lịch... cũng đua nhau đóng cửa, trả mặt bằng trong giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19.

mặt bằng nhà phố chào thuê tại quận 1
Nhu cầu thuê thấp khiến nhiều mặt bằng dù vị trí đẹp vẫn phải rơi vào hoàn cảnh ế khách thuê. Ảnh Phương Uyên.

Chủ sở hữu một nhà hàng ẩm thực trên đường Mạc Thị Bưởi chia sẻ: “Nhiều chủ nhà nói là giảm giá thuê nhưng thực chất không giảm bao nhiêu, từ mức 100-250 triệu/tháng, nhiều căn chỉ giảm thêm từ 20-50 triệu. Quan trọng nhất là hoạt động kinh doanh ế ẩm, đầu vào không có mà chi phí lại không cắt giảm được khiến nhà hàng không cách nào duy trì hoạt động”.

Báo cáo thị trường tháng 7/2020 của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, ngay sau thông tin Covid-19 bùng phát trở lại, nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh giảm sút mạnh. Loại hình cửa hàng, ki ốt cho thuê giảm đến 15% trong khi nhà riêng, nhà mặt phố cũng giảm lần lượt từ 10% đến 15% nhu cầu tìm thuê. Lượng mặt bằng trống đăng tin tìm khách thuê tăng từ 3-15% tùy loại hình. Diễn biến này cho thấy tỷ lệ mặt bằng trống đang ngày càng gia tăng trong khi nhu cầu tìm thuê thì giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận nhà ở savills Việt Nam sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ TP.HCM tăng trưởng thấp hơn, chỉ ở mức 12% trong tháng 5 và còn khoảng 3% vào tháng 6. Nhà phố cho thuê với rất nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống và thời trang nằm tại các vị trí đắc địa nhưng tình hình kinh doanh giảm sút buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn quy mô. Hàng loạt nhà phố tại các khu vực trung tâm phụ thuộc vào khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi tại quận 1 phải tạm ngừng hoạt động hoặc trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia.

Làn sóng Covid-19 khiến các mặt bằng tại khu phố cao cấp “chết như rạ” do giá thuê cao. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài nếu như dịch Covid-19 còn diễn biến gia tăng và nền kinh tế chưa kịp phục hồi mạnh trong các tháng tới đây.

Phương Uyên

>> TTBĐS quý 2/2020: Cửa vẫn sáng với BĐS nhà ở, BĐS cho thuê khó khăn

>> Làn sóng Covid lần 2 khiến nhu cầu mua BĐS vừa nhen nhóm tăng đã giảm mạnh

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME