Lưu ý khi trấn yểm sư tử theo phong thủy
Theo phong thủy học, sư tử là mãnh thú biểu tượng của sự quyền uy, không thích hợp đặt ở nhà dân mà chỉ nên đặt ở cơ quan công quyền, hành chính lớn.
Nguồn gốc, truyền thuyết và hình tượng sư tử bắt nguồn từ nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập cổ, được các nhà nghệ thuật Trung Quốc hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ, khiến cho chủng loại cũng như các tác phẩm sư tử ở đây trở nên vô cùng phong phú và tinh xảo.
Hình tượng quan trọng nhất và cũng là lâu đời nhất về trấn yểm bằng sư tử là nhân sư của Ai Cập cổ đại. Tượng nhân sư thường được xây ở gần kim tự tháp. Các học giả cho rằng nó là người bảo vệ lăng mộ, đặc biệt là bảo vệ cửa chính không cho bất kỳ tà ma nào xâm nhập, phá vỡ giấc ngủ của Pharaon. Lăng mộ của các hoàng đế cổ đại Trung Hoa cũng xây rất nhiều tượng mãnh thú như sư tử để bảo vệ.
Sư tử không chỉ biểu tượng cho sự cao quý, sức mạnh, quyền uy mà còn là hình ảnh tượng trưng cho sự sống và cái chết, nó luôn là tùy tùng của nữ thần sinh mệnh. Trong truyền thuyết và tạo hình nghệ thuật, từ dân gian cho đến Phật giáo hay Ấn Độ giáo, đều coi sư tử là biểu tượng của may mắn, uy nghi. Nó luôn chiến thắng các động vật khác, nên được kỳ vọng và giao phó những sức mạnh to lớn, có thể chiến thắng "ngụy - ác - tà".
Sư tử tại đền chùa Myanmar không phân biệt đực - cái, trái - phải.
Tạo hình sư tử chủ yếu ở tư thế ngồi, thể hiện sự oai nghiêm, bệ vệ, to lớn nhưng mang trạng thái tĩnh. Sư tử thường được đặt theo đôi trước cửa, bên trái từ trong nhìn ra là con cái, chân trái đùa với sư tử con, bên phải là con đực, chân phải đặt lên quả cầu. Ngoài dùng để xua đuổi tà ma, hình tượng sư tử còn tượng trưng cho địa vị, quyền lực, và quyền thế trong xã hội. Trước đây, chỉ quan lại và thế lực của hoàng gia mới được sử dụng.
Sư tử được cho là có thể trừ tà ma, nên hay được dùng để trấn trạch hay trấn mộ trong phong thủy. Tuy vậy, sư tử là mãnh thú, được coi như chúa tể, nên không thích hợp đặt ở nhà dân, mộ dân mà chỉ nên đặt ở cơ quan công quyền, cơ quan hành chính lớn, với âm trạch chỉ hợp cho những người có chức quyền lớn. Đặt ở nhà dân sẽ tạo ra sát khí ngược, "át vía" lại chính chủ nhà.
Sư tử khi dùng trong phong thủy chủ yếu có tác dụng hóa giải sát khí, trấn giữ khu đất, khi không có sát khí mà đặt sư tử cũng có tác dụng ngược lại. Đền chùa, cơ quan hành chính, ngân hàng... đặt sư tử nhằm tăng tính uy nghiêm, trừ tà ma nhưng thực tế lại tạo cảm giác lạnh lẽo, một phần lại làm người dân sợ không dám đến. Tùy tiện đặt sư tử sẽ lợi bất cập hại.
Cần lưu ý, sư tử cái dẫm lên con, đặt bên trái từ trong nhìn ra, sư tử đực dẫm lên quả cầu đặt bên phải từ trong nhìn ra, nhưng thực tế hay bị đặt ngược lại. Ngoài ra, sư tử đực có bờm, còn sư tử cái thì không, nhưng thực tế tạo hình, để cho đẹp thì sư tử cái hay đực đều có bờm, và có tạo hình gần giống nhau, chỉ khác nhau ở phần chân dẫm. Quy định đực/cái, phải/trái chỉ từ khi du nhập vào Trung Quốc mới có tư duy máy móc này, chứ nhiều nơi trên thế giới cũng không coi trọng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet