Gần chục năm nay, gia đình anh Lê Văn Tải (quê Thái Bình) tạm cư tại thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Có việc làm ổn định, thêm em bé, nhưng thu nhập của cả hai vợ chồng anh chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Dù chắt chiu, dành dụm bao lâu, gia đình nhỏ này vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ sở hữu căn hộ làm chốn an cư.

Anh Tải đã tìm hiểu mấy dự án chung cư mà chủ đầu tư giới thiệu có mức giá trung bình cho người lao động, nhưng một căn hộ chừng 40 -  50 m2 cũng có mức giá trên dưới 500 triệu đồng. Gia đình này đến nay vẫn phải chấp nhận cảnh thuê nhà trọ cấp 4 chật chội, nóng bức trong khu dân cư.

Không riêng gì gia đình anh Tải, hàng trăm, hàng nghìn người lao động, công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở một số tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Những cuộc điều tra mới đây tại Bình Dương cho thấy, phần lớn công nhân, người lao động hiện đang phải thuê trọ tại các khu nhà cấp 4, mái tôn do người dân xây dựng tự phát, với diện tích trung bình 8 - 12 m2/căn, mức giá thuê trung bình 1  - 1,5 triệu đồng/tháng.

Người lao động có thu nhập trung bình rất khó để sở hữu một căn hộ

Cho dù, nhu cầu về nhà ở của những đối tượng này là có thực và rất cao, nhưng để đáp ứng được mong mỏi này vẫn còn là bài toán khó. Lý do là thu nhập của họ khó mà có thể đủ chi trả để mua đứt hay mua trả góp căn hộ theo thời giá hiện nay.

Trên thực tế, giá mua một căn hộ thương mại thông thường diện tích 50 - 60 m2, đơn giá trung bình 12 - 15 triệu đồng/m2, cũng vào khoảng 500 - 700 triệu đồng. Ngay một số dự án nhà ở xã hội do tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng cũng có đơn giá trung bình 200 - 300 triệu đồng/căn. Như vậy, với thu nhập bình quân của công nhân, người lao động chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng, trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại, con cái học hành… thì quả thực, để chắt chiu được vài trăm triệu đồng là rất khó.

Đây cũng chính là lý do vì sao dù nguồn cầu thực tế rất lớn nhưng không có mấy chủ đầu tư đi đầu tư vào dự án chung cư giá rẻ bán hoặc cho đối tượng người lao động, công nhân mua hoặc cho thuê, thuê mua…

Bất cập này đang được chính quyền nhiều địa phương tìm hướng giải quyết. Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp với tổng số 12 chung cư, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 7.200 người. Sở Xây dựng Bình Dương cũng công bố chương trình kêu gọi các chủ đầu tư đăng ký tham gia các dự án này.

Nhưng có thể nói, số dự án cho đối tượng người có thu nhập thấp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, nhu cầu nhà ở của người lao động vẫn khó mà giải quyết được.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc dự án Becamex IDC (Bình Dương), một trong số ít các chủ đầu tư trên địa bàn tham gia chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, hiểu rõ nguyên nhân của vấn đề cung - cầu không cân đối này. Theo ông Hùng, phần lớn chủ đầu tư không mặn mà tham gia triển khai các chương trình nhà ở xã hội bởi để hưởng một số ưu đãi nhất định của chương trình thì họ cũng bị giới hạn mức lợi nhuận tối đa 5-10%, trong khi chi phí về vật liệu, nhân công… lại ngày một tăng nên rất khó xoay xở.

Sở dĩ, năm qua Becamex IDC đưa ra được căn hộ với mức giá chỉ khoảng 200 triệu đồng/căn là dựa vào quỹ đất sẵn có, song số lượng những căn hộ với mức giá này cũng rất giới hạn nên không phải ai có nhu cầu cũng mua được. Trong khi trên thị trường, căn hộ với mức giá dưới 300 triệu đồng thực sự kiếm không ra, ngay cả vào tại thời điểm BĐS ế khách nhất.

Theo ông Hùng, để giải quyết bài toán cầu nhiều - cung thiếu đối với nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, Nhà nước và chính quyền địa phương tại những nơi tập trung nhiều công nhân cần có một chính sách, cơ chế ưu đãi riêng về quỹ đất, thu hút đầu tư cũng như khuyến khích các DN BĐS, ngân hàng vào cuộc thì bài toán này mới có thể dần dần giải quyết được.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME