Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) vừa được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức ngày 16/7, ông Hoàng Thọ Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thực tế triển khai, Luật Xây dựng đang có hiệu lực thi hành đã bộc lộ một số bất cập dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, chẳng hạn như làm chậm tiến độ, hiệu quả của các dự án chưa đạt yêu cầu… Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng là hết sức cần thiết để quy định thống nhất, đồng bộ các vấn đề về đầu tư xây dựng với các văn bản luật khác.
Văn bản luật chưa “phủ” đến tính đặc thù của đấu thầu
Bình luận về những điểm mới trong Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều đại biểu về cơ bản đều tán thành. Tuy nhiên, theo một số ý kiến thì nhiều nội dung trong Dự thảo vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn như các quy định về quy hoạch xây dựng, điều kiện cấp giấy phép xây dựng, vốn nhà nước tại dự án… Đáng chú ý, một số vấn đề được cho là có sự chồng chéo với Luật Đấu thầu như tại các quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng…
Ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, thực ra, việc lựa chọn nhà thầu thuộc quyền tự chủ của chủ đầu tư dự án. Vì vậy, Nhà nước chỉ quy định đối với chủ dự án đầu tư công.
Ông Liêm cũng lưu ý thêm, hiện nay đã có Luật Đấu thầu và trong tương lai có thể có Luật Đầu tư công. Vì vậy, Dự thảo chỉ nên quy định dạng giao dịch đặc thù trong thị trường xây dựng là “giao thầu và nhận thầu”. Tức là “sản xuất theo đặt hàng” một loại hàng hóa có giá trị rất lớn, mẫu mã và giá cả (thiết kế, dự toán) có thể có biến động, có rất nhiều rủi ro mà hai bên phải thống nhất cách xử lý nếu xảy ra…
Chính vì vậy, tuy đã có Luật Hợp đồng, nhưng Luật Xây dựng vẫn phải đưa ra các yêu cầu đặc thù đối với hợp đồng xây dựng. Cũng bởi các tranh chấp, khiếu nại trong quản lý rủi ro xảy ra thường xuyên, vì vậy Luật cần quy định phương thức xử lý rõ ràng, kịp thời, có hiệu quả. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, với vấn đề này có thể xây dựng một chương riêng…
Theo bà Đặng Hoàng Mai, Bộ môn Quản lý dự án và pháp Luật (Đại học Xây dựng Hà Nội), việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng có tính đặc thù riêng, so với việc lựa chọn nhà thầu trong các hoạt động khác. Hơn nữa, Luật Đấu thầu sửa đổi cũng đang trong quá trình soạn thảo, nên việc hai luật này có thể đối chiếu, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quy định là hoàn toàn khả thi.
Theo đó, Luật Đấu thầu đưa ra những quy định chung đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu, còn Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ quy định trực tiếp về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây không phải là bỏ phần quy định về lựa chọn nhà thầu trong Luật Xây dựng (sửa đổi) mà cần nghiên cứu để đưa ra những quy định vừa điều chỉnh trực tiếp, hiệu quả hoạt động lựa chọn nhà thầu xây dựng phù hợp với đặc thù của hoạt động này, vừa không chồng chéo với quy định trong Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo ông Lê Anh Ba (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), tính chất công việc trong quá trình đầu tư xây dựng là đa dạng. Tức là quan hệ giữa người mua chủ đầu tư với rất nhiều người bán - các nhà thầu. Giao dịch thị trường trong hoạt động đầu tư xây dựng là cạnh tranh mua bán năng lực thực hiện dự án, gắn với tiêu chí chất lượng, giá cả phù hợp...
Cho nên, phải có tổ chức đấu thầu cho từng công việc khác nhau. Giao nhận thầu trong đầu tư xây dựng thông qua đấu thầu là tuân thủ chung về nguyên tắc theo Luật Đấu thầu hiện tại. Nhưng, do chi tiết khác nhau, yêu cầu khác nhau, phương pháp vận hành khác nhau, nên Luật Đấu thầu chung không thể bao trùm hết. Do đó, hoạt động đấu thầu xây dựng phải được quy định riêng.
Tính chất đa dạng trong đầu tư xây dựng còn được thể hiện trong hợp đồng kinh tế với mức độ chi tiết không những về chất lượng, mà còn bao gồm cả việc xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình đầu tư như thiên tai, thay đổi chính sách, biến động giá cả… Vì vậy, luật pháp phải điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng trong đầu tư xây dựng mang tính đặc thù, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm này.
Họ cho rằng, hồ sơ mời thầu của từng dự án cụ thể do bên mời thầu soạn thảo là tốt nhất và sát nhất, chứ không nên đặt ra sự cần thiết phải có hướng dẫn của Bộ quản lý ngành ở đây. Vì Bộ quản lý ngành không thể bao quát hết tính đặc thù của các loại nhà thầu trong các dự án được, dù chỉ trong một ngành.
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet