Luật Đất đai sửa đổi thêm quyền cho nhà đầu tư hạ tầng KCN
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-C dù quy định chặt chẽ hơn về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuấtđể tránh tình trạng cấp phép tràn lan, nhưng cũng có những điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư.
Theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, khu chế xuất, khu kinh tế, là bổ sung các quy định về nghĩa vụ, quyền hạn của các nhà đầu tư hạ tầng KCN. “Họ được định giá cho thuê đất, giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhưng phải đăng ký với Ban quản lý KCN về mức giá này”, ông Thắng nói và cho rằng, quy định này nhằm tránh tình trạng các nhà đầu tư hạ tầng KCN tùy tiện tăng giá cho thuê đất trong KCN.
Đề xuất trên đã nhận được sự đồng tình của ông Bùi Hồng Mai, Phó trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh. Ông Mai từng gặp phải tình huống rất khó xử, khi giới thiệu nhà đầu tư vào một KCN trong tỉnh, với mức giá thuê được đưa ra là 70 USD/m2/50 năm, nhưng rất nhanh sau đó, đã được nâng lên 100 USD/m2. “Nhà đầu tư bỏ đi, tỉnh không thu hút đầu tư được”, ông Mai chia sẻ về kết cục của câu chuyện và đề xuất, các công ty đầu tư hạ tầng KCN phải đăng ký giá cho thuê không phải theo năm, mà là theo quý, tránh tình trạng tự ý nâng giá, không ai kiểm soát được.
Giá thuê đất trong các KCN thời gian gần đây đã tăng quá cao, đó là thực tế bị rất nhiều nhà đầu tư than phiền. Nếu như 5 năm trước đây, mức giá 50-60 USD/m2 đã bị coi là khiến nhà đầu tư “bỏng tay”, thì nay, rất nhiều nhà đầu tư phát hoảng khi tại Hà Nội, có KCN “phát” mức giá thuê đất tới 200 USD/m2/50 năm, thậm chí là 280 USD/m2.
Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý KCN, khu chế xuất Hà Nội cho rằng, việc yêu cầu đăng ký giá sẽ khiến các ban quản lý KCN kiểm soát, thậm chí góp phần điều phối mức giá cho thuê lại đất của các KCN, tránh tình trạng giá cho thuê quá cao, khiến nhà đầu tư từ bỏ ý định đầu tư.
Thực tế cho thấy, kể từ sau khi Nghị định 24/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành, đầu tư ở trong các KCN không được hưởng bất cứ ưu đãi nào về thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như thuế xuất nhập khẩu. Không được hưởng ưu đãi, lại chịu nhiều ràng buộc hơn về các vấn đề như bảo đảm môi trường, phòng chống cháy nổ…, mà giá thuê đất lại quá cao, nên sức hút của các KCN đã dần trở nên kém hấp dẫn hơn.
Thậm chí, theo ông Bùi Văn Quý, Phó trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc, việc một năm phải đón cả chục đoàn thanh tra chuyên ngành cũng khiến nhà đầu tư nản lòng và mệt mỏi. “Dù mấy năm qua, Vĩnh Phúc thu hút đầu tư vẫn tốt, nhưng hầu hết các nhà đầu tư lại lựa chọn địa điểm nằm ngoài KCN, hoặc ở các cụm công nghiệp”, ông Quý cho biết.
Sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP, một trong những điều mà Ban soạn thảo trăn trở, ấy là làm sao giải quyết được vấn đề ưu đãi đầu tư cho các KCN. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đại Thắng, dù đây là vấn đề rất bức xúc, song lại rất khó để xử lý. Bởi vậy, nhiều khả năng, trong lần sửa đổi này, sẽ chưa bàn đến vấn đề ưu đãi đầu tư. “Chúng tôi đã được Chính phủ giao xây dựng Danh mục ưu đãi đầu tư chung, lúc ấy sẽ đưa vấn đề này vào giải quyết”, ông Thắng “khất” trước nhiều đề xuất từ các địa phương về việc phải “lấy lại” ưu đãi đầu tư cho các KCN.
Một điểm mới khác rất quan trọng trong Dự thảo Nghị định, ông Thắng cho biết, là Ban soạn thảo đề xuất việc làm thủ tục thành lập các KCN theo hai bước. Trước tiên là cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, sau đó mới là quyết định thành lập KCN. Điều kiện để được cấp chứng nhận đầu tư, tất nhiên trước tiên phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các KCN đã được phê duyệt và với điều kiện tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn phải lấp đầy 60%.
“Cũng có quan điểm cho rằng, tỷ lệ này chỉ nên là 40% hoặc thấp hơn, nhưng theo chúng tôi, đây là con số hợp lý. Việc này nhằm tránh tình trạng một số địa phương cấp phép thành lập tràn lan các KCN trong thời gian qua”, ông Thắng cho biết.
Liên quan tới các quy định nhằm quản lý chặt hơn việc thành lập và phát triển của các KCN trong thời gian tới, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất, trong trường hợp KCN được đầu tư mở rộng mà không cùng một chủ đầu tư thì phải làm thủ tục thành lập mới một KCN.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định những trường hợp địa phương thành lập, mở rộng các KCN cần phải lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương. Chuyện đảm bảo đất lúa cũng được đề xuất theo hướng, trong trường hợp cần thiết, có thể lấy đất lúa phát triển KCN, nhưng phải được thực hiện theo phương thức bù trừ. Tức là, nếu lấy 100 ha đất lúa, thì phải tìm mọi biện pháp để khai hoang 100 ha đất lúa ở một vị trí khác.
(Theo Đầu tư)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet