Lừa đảo bất động sản nở rộ
Vụ Alibaba vẫn còn nóng hổi và luôn được đưa ra như một điển hình của sự lừa đảo trên thị trường bất động sản nhưng ngay tại thời điểm này, vẫn có hàng loạt vụ tương tự.
Khách hàng tố cáo Công ty HKL và bà Trần Thị Mỹ Hiền lừa đảo. Ảnh: Đình Sơn
Trong khi vụ Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) lừa đảo gần 7.000 người với số tiền hơn 2.500 tỷ còn đang nóng hổi thì lại xuất hiện thêm nhiều vụ lừa đảo phân lô, bán nền dự án "ma" trên đất nông nghiệp tương tự. Sự buông lỏng của chính quyền địa phương là nguyên nhân nở rộ các dự án “ma” thế này.
Nở rộ dự án “ma”
Chỉ trong vòng 3 năm cho đến khi Bộ Công an, Công an TP.HCM khởi tố và bắt hàng loạt lãnh đạo cao cấp của công ty, Alibaba đã triển khai tới khoảng 40 dự án tại nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Việc chậm trễ, đùn đẩy của các cơ quan công an khi liên tục nhận định các kiểu lừa đảo này là giao dịch dân sự để không xử lý; phát hiện những vi phạm hành chính cũng không chuyển cho cơ quan thẩm quyền là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty kinh doanh, môi giới BĐS lộng hành LS Trần Đức Phượng, Đoàn LS TP.HCM |
Tất cả các dự án đều có chung một công thức, là đất nông nghiệp do các cá nhân đứng tên hoặc đã được quy hoạch là đất công viên, giao thông và thậm chí là đất nghĩa trang... nhưng Alibaba tự ý vẽ lên các dự án hoành tráng, tự phân lô để bán nền đất “ma” cho khách hàng. Dù dự án “ma”, nhưng không ít trong số đó đã được Công ty Alibaba xây dựng hệ thống hạ tầng mà chính quyền địa phương vẫn làm ngơ.
Hệ quả, theo Công an TP.HCM, Công ty Alibaba đã bán đất nền, huy động vốn của 6.700 người, với số tiền hơn 2.500 tỷ đồng theo hình thức đa cấp. Sau khi Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty này bị bắt, hàng ngàn khách hàng kéo đến Công ty Alibaba tố cáo nhưng hy vọng lấy lại tiền là rất khó.
Chính quyền cảnh báo dự án của Công ty Đất Xanh Long An chưa đủ điều kiện giao dịch. Ảnh: CTV
Đáng nói, vụ Alibaba vẫn còn nóng hổi và luôn được đưa ra như một điển hình của sự lừa đảo trên thị trường bất động sản (BĐS) nhưng ngay tại thời điểm này, vẫn có hàng loạt vụ tương tự.
Mới đây, hàng trăm khách hàng đã đưa đơn lên Bộ Công an tố cáo Công ty TNHH tư vấn BĐS Hoàng Kim Land (HKL) do bà Trần Thị Mỹ Hiền là Chủ tịch HĐQT, Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina (Công ty Angel Lina) do bà Phạm Thị Tuyết Nhung làm giám đốc, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ông Trần Hoàng Lâm (56 Phan Huy Ôn, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và 5 người bạn đã bỏ tiền mua 6 nền đất tại dự án Hương lộ 11, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM, do Công ty HKL làm chủ đầu tư.
Mỗi nền diện tích khoảng 80m2, với giá hơn 1,1 tỷ đồng/nền. Đến nay nhóm của ông đã đóng 50% giá trị hợp đồng nhưng Công ty HKL vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa hoàn tất pháp lý dù theo hợp đồng đến tháng 12/2018 phải giao nền.
“Hiện khu đất vẫn đứng tên ông Lương Văn Tấn và bà Nguyễn Thị Kim Thoa ngụ số 15/13A ấp 2, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh; phía Công ty HKL mới đặt cọc mua đất với ông Tấn. Dù chưa có đất nhưng Công ty HKL đã vẽ dự án để bán dù chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào phê duyệt”, ông Lâm cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài dự án trên, Công ty HKL cũng vẽ hàng loạt dự án khác ở Hóc Môn, Bình Chánh, Q.8 và tỉnh Long An để bán cho khách hàng. Khi sự việc “nổ” ra, hàng trăm khách hàng đã nhiều lần kéo đến Công ty HKL cũng như đến nhà riêng của bà Trần Thị Mỹ Hiền để yêu cầu trả lại tiền, nhưng lãnh đạo công ty này liên tục lẩn tránh.
Khốn khổ hơn, hàng năm trời qua rất nhiều khách hàng của Công ty Angel Lina đã đâm đơn cầu cứu, tố cáo khắp nơi việc công ty này lừa bán đất ở khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, Q.9), khu dân cư Tây Lân (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM). Theo thông tin chính quyền địa phương cung cấp, trên địa bàn P.Phước Long B không có dự án “khu dân cư Đỗ Xuân Hợp” do Công ty Angel Lina làm chủ đầu tư. Thửa đất mà công ty này lập dự án bán cho dân hiện thuộc quyền quản lý của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn.
Dù chưa bồi thường, nhưng Công ty Đất Xanh Long An bị tố cáo tự ý chiếm dụng đất
của người dân để phân lô bán nền. Ảnh: CTV
Trong khi đó, theo UBND Q.Bình Tân, tại thửa đất mà Công ty Angel Lina giới thiệu là khu dân cư Tây Lân không hề tồn tại bất cứ dự án nào. Đến tháng 4/2019, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, đã ký thông báo về việc mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại tổ 5, KP.6, P.Linh Trung do Công ty Angel Lina làm chủ đầu tư. Bởi vị trí lô đất mà công ty này phân lô bán nền được quy hoạch là đất giáo dục, đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa.
Mới đây nhất, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Tỉnh ủy Long An và gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng BĐS Hưng Thịnh tại Long An (không phải Công ty CP đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corporation) tại TP.HCM); bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường và Hưng Thịnh Cát Tường 2 (H.Đức Hòa, Long An).
Những khách hàng ở đây cho biết hai dự án này đến nay chủ đầu tư đã bán cho họ nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường 2, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An còn bị người dân tố cáo chưa bồi thường đã tự ý chiếm dụng đất của người dân để phân lô bán nền. Hiện đơn tố cáo của người dân đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiếp nhận xử lý.
Do luật pháp không nghiêm
Theo chuyên gia BĐS Phan Công Chánh, đất nền phân lô giá rẻ vùng ven thời gian qua nở rộ bởi giá rẻ, phù hợp với số đông, nhất là những người ít tiền. Dòng sản phẩm này đánh đúng tâm lý ưa thích đất nền đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người.
Ngoài ra, thủ thuật dùng cam kết lợi nhuận khủng của các chủ đầu tư là miếng mồi ngon dễ "dụ" người khác bỏ tiền mà không tìm hiểu kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, chế tài và quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng và không nghiêm khiến dự án phân lô bán nền lừa đảo nở rộ.
"Trong khi đó việc quản lý, giám sát và theo dõi thực trạng về công tác quản lý đất đai tại nhiều địa phương quá lỏng lẻo, thậm chí là tiêu cực. Do đó, cần hoàn thiện hơn nữa về luật, cụ thể là chế tài đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm theo hướng tăng nặng hình phạt để chấn chỉnh tình trạng này", ông Chánh nói.
Theo LS Trần Đức Phượng (Đoàn LS TP.HCM), pháp luật hiện nay đã có các quy định xử phạt khá đầy đủ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có tổng kết, nhận diện tình hình và hình thức vi phạm mới này để có biện pháp hữu hiệu hơn. Trong đó phải quy trách nhiệm và xử lý đối với UBND cấp xã, huyện và cơ quan quản lý chuyên ngành (xây dựng, đất đai).
“Việc chậm trễ, đùn đẩy của các cơ quan công an khi liên tục nhận định các kiểu lừa đảo này là giao dịch dân sự để không xử lý; phát hiện những vi phạm hành chính cũng không chuyển cho cơ quan thẩm quyền là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty kinh doanh, môi giới BĐS lộng hành. Trong khi đó, UBND các cấp lại ngại đụng đến doanh nghiệp (thường hay chỉ xử lý cá nhân); cấp chuyên ngành thì không đủ nhân lực và cũng ít xử lý đơn thư, thông tin về vi phạm từ công dân và cơ quan báo chí. Rồi cơ quan này chờ cơ quan kia, dấu hiệu bao che, làm ngơ... là rất rõ. Chẳng hạn như trường hợp Công ty Alibaba đã diễn ra nhiều năm, nhiều thông tin, nhiều tố cáo nhưng đến nay mới bắt đầu xử lý. Do đó, ngoài việc xử lý hình sự các doanh nghiệp vi phạm, cũng cần xử nghiêm các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương”, LS Phượng phân tích.
Theo LS Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM), các cơ quan chức năng cần rà soát và điều chỉnh ngay các quy định có liên quan để tránh kẽ hở nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư không có năng lực “lách luật” để kinh doanh BĐS. Bên cạnh đó, cần thanh tra, làm rõ các cơ quan nhà nước tại địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cho chủ đầu tư tự do tung hoành, xây dựng hạ tầng kỹ thuật không phép, rao bán công khai các sản phẩm BĐS chưa đủ điều kiện kinh doanh. |
Đình Sơn
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet