Long An: Phân vùng không gian phát triển kinh tế
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bản đồ tỉnh Long An
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có phương hướng tổ chức không gian phát triển các vùng đô thị như sau:Phát triển khu đô thị gắn kết Tân An - Bến Lức nhằm hỗ trợ giao thông vận tải hiệu quả và phát triển đô thị dọc hành lang.
Phát triển đô thị Đức Hòa với vai trò là trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Bắc; đô thị cần Giuộc dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ cho các cảng (Hiệp Phước và Long An) cũng như khu vực nội địa; hình thành đô thị Mộc Hóa được xác định là trung tâm phát triển của vùng Đồng Tháp Mười, phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm đảm bảo cung cấp cơ sở hiệu quả cho thương mại và các hoạt động qua biên giới.
Củng cố, nâng cấp các đô thị như: Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Hậu Nghĩa, Đông Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và Vĩnh Hưng.
Phát triển các trung tâm đô thị nông thôn theo hướng gắn kết như: Cụm đô thị Thạnh Hóa - Tân Thạnh; Cụm đô thị Đông Thành - Hậu Nghĩa; Cụm đô thị Mộc Hóa - Bình Hiệp, đảm bảo phát triển các dịch vụ đô thị chất lượng cao để cải thiện cuộc sống của người dân nông thôn.
Phát triển hành lang sinh thái Vàm cỏ Đông và Vàm cỏ Tây, đảm bảo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và phục vụ giao thông trong tỉnh và còn tạo cơ hội phát triển các hoạt động sinh thái khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị, nông thôn và khách du lịch.
Về phương hướng tổ chức không gian phát triển vùng kinh tế như sau:
Vùng 1 (Vùng an ninh lương thực, du lịch và kinh tế cửa khẩu): bao gồm các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành và một phần huyện Thủ Thừa, là vùng có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp và thu hút khách du lịch. Định hướng phát triển mạnh về nông, lâm, ngư nghiệp và đảm bảo phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái; phát triển đô thị Mộc Hóa nhằm đảm bảo giao lưu thương mại, địch vụ với vùng Đông Tháp Mười và thành phố Tân An.
Vùng 2 (Vùng đệm sinh thái): nằm giữa hai con sông Vàm cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, Trung tâm Vùng là thị trấn Thủ Thừa. Mục tiêu chính của Vùng 2 được xác định là bảo vệ Vùng 1 khỏi tác động từ hoạt động phát triển đô thị và công nghiệp quá mức của Vùng 3; tạo cảnh quan đặc biệt về sử dụng đất bằng việc kết hợp giữa các đặc điếm đô thị và nông thôn; giảm thiểu ô nhiễm cho sông Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây và bảo tồn không gian cho định hướng phát triển sau năm 2020.
Vùng 3 (Vùng phát triển đô thị và công nghiệp) bao gồm sông Vàm cỏ Đông và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ ở vùng Hạ, thành phố Tân An và một phần huyện Thủ Thừa. Định hướng tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp đặc thù ở Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước.
(Theo CafeLand)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet