Lối sống xanh với mẹo hạn chế rác thải nơi nhà bếp
Bảo vệ môi trường hay duy trì một lối sống xanh, lành mạnh không hề khó khăn và tốn kém như bạn nghĩ. Những mẹo bỏ túi sau đây sẽ giúp bạn thực hiện phong cách sống xanh bắt đầu từ căn bếp nhà mình.
Ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn về môi trường và lối sống xanh, đặc biệt là trong sinh hoạt hàng ngày. Việc đơn giản nhất bạn có thể làm là kiểm soát lượng rác thải sinh hoạt cùng lượng điện, nước tiêu thụ hàng ngày ngay trong căn bếp của mình. Chỉ bằng những cách đơn giản dưới đây, việc duy trì lối sống xanh không những bảo vệ môi trường còn tạo nên thói quen lành mạnh, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho cả gia đình bạn.
Đầu tư vào đồ gia dụng
Đồ gia dụng tiết kiệm điện điện năng cũng là giải pháp tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Ảnh: Mirelle |
Nếu bạn quan tâm đến lượng điện năng tiêu thụ trong bếp nhà mình, có lẽ đã đến lúc để những đồ gia dụng cũ kĩ “nghỉ hưu”. Tủ lạnh, bếp điện, đèn, nồi cơm điện, đồ gia dụng kiểu cũ ít khi chú trọng tiết kiệm điện năng, dẫn đến lãng phí mà bạn không hề hay biết. Thay thế những đồ gia dụng thuộc hàng “lão thành” này bằng những mẫu mã mới với tính năng tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường là giải pháp tuyệt vời tránh lãng phí lại giảm bớt chi phí sinh hoạt.
Hạn chế lượng rác thải sinh hoạt
Một trong những vấn đề đô thị hiện nay là lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ. Hãy góp phần bảo vệ môi trường với cách đơn giản là hạn chế rác thải sinh hoạt, bắt đầu từ căn bếp của bạn.
Ủ phân bón từ rác hữu cơ là giải pháp cắt giảm lượng rác thải sinh hoạt, thân thiện với môi trường. Ảnh: Gary Perkin |
Nếu bạn có một khu vườn rộng với nhiều cây và hoa, tại sao không thử ủ phân bón tại nhà nhỉ? Rất nhiều nhãn hàng cung cấp loại thùng rác đặc biệt giúp bạn biến rác hữu cơ thành phân bón màu mỡ cho khu vườn của mình.
Một cách khác là thực hiện bộ nguyên tắc “Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế”. Hãy hạn chế sử dụng thức ăn đóng hộp nhựa, loại bỏ các vật dụng như đĩa nhựa, dĩa nhựa, thay vào đó là dùng các vật dụng có thể tái sử dụng như cốc thủy tinh, túi giấy.
Đừng lãng phí đồ ăn. Hãy lên kế hoạch mua sắm và tính toán lượng thức ăn cần thiết cho gia đình. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá nếu không “no bụng, đói con mắt” mỗi khi bước vào siêu thị.
Bảo quản thức ăn một cách khoa học
Máy quay rửa rau giúp rau khô ráo, không dập nát, giữ rau tươi ngon trong thời gian lâu hơn. Ảnh: Devrim Pinar |
Những phần cơm dư, rau thừa là điều khó tránh khỏi trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc lãng phí thức ăn cho đến khi bạn để chúng mốc meo trong tủ lạnh hay chạn bát. Cách đơn giản nhất để bạn không bỏ quên những món ăn này là đánh dấu “ngày sản xuất”và “hạn sử dụng” của chúng. Hãy dùng túi zip và hộp kín khí để lưu trữ đồ ăn, giúp tăng thời gian bảo quản cho những món ăn thừa trong tủ lạnh. Với các loại thức ăn như rau và salad, bạn nên dùng máy rửa rau để rau khô ráo trước khi cho vào tủ lạnh, giúp rau tươi lâu hơn.
Có vô vàn vật phẩm và cách thức giúp bạn bảo quản được đồ ăn lâu hơn. Ngoài những cách trên, đừng ngần ngại tìm hiểu thêm trên mạng. Bạn sẽ ngạc nhiên với số tiền mình tiết kiệm được từ việc không lãng phí đấy.
Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường
Những vật liệu thân thiện với môi trường cũng có thể tạo nên phong cách độc đáo cho căn bếp của bạn. Ảnh: Artazum |
Nếu bạn đang có kế hoạch tu sửa căn bếp của mình, đừng ngần ngại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Gỗ thô, tre, đá hay các vật liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, vừa giúp bạn thực hiện lối sống xanh lành mạnh.
Kiểm soát lượng nước sinh hoạt
Bên cạnh điện và rác thải, lượng nước sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần được kiểm soát nếu bạn muốn duy trì lối sống xanh. Theo thống kê, một người sử dụng khoảng 30-90 lít nước chỉ để rửa bát mỗi ngày. Thay vì để nước chảy từ vòi, sử dụng chậu chứa nước để rửa bát sẽ giúp giảm lượng nước tiêu thụ.
Vòi nước không khóa chặt gây lãng phí gần 8000 lít nước mỗi năm. Ảnh: Lipskiy |
Ngoài ra, nếu vòi rửa bị rò rỉ, nhỏ giọt, hãy sửa chữa hoặc thay thế ngay. Một vòi nước nhỏ giọt một lần mỗi giây làm lãng phí hơn 19 lít nước mỗi ngày, gần 8000 lít mỗi năm.
Lối sống xanh không chỉ giúp bạn tiết kiệm một khoản lớn chi phí sinh hoạt mà còn góp phần bảo vệ môi trường thân yêu của chúng ta.
Hoài Thơm
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet