Loạt "thủ lĩnh" bất động sản vướng vòng lao lý trong năm 2019
Ngoại trừ một vài đợt sốt cục bộ đầu năm, nhìn chung bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản 2019 khá trầm lắng. Mặc dù vậy thị trường lại chứng kiến tình trạng nở rộ của các dự án ma, những chiêu lừa đảo ngoạn mục tại nhiều dự án, ở nhiều khu vực khác nhau. Cùng với đó, hàng loạt thủ lĩnh bất động sản phải vướng vòng lao lý.
Dưới đây, Batdongsan.com.vn tổng hợp 9 trường hợp giám đốc, chủ tịch các công ty bất động sản bị bắt hoặc phải hầu tòa trong năm 2019:
1. TGĐ Công ty Quảng Đà
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - TGĐ Công ty CP đầu tư và phát triển Quảng Đà (Công ty Quảng Đà, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị bắt vào tối 3/4/2019 về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, công ty này quảng bá dự án "khu dân cư Nam Cẩm Lệ", rao bán các lô đất từ 100m2 với giá trên 2 tỷ đồng. Để được mua đất, khách hàng phải đặt cọc từ 500 - 800 triệu đồng/nền, có người đặt cọc đến 6 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác minh khu đất trên thuộc quyền quản lý của Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng, không có tổ chức, cá nhân nào được phép thực hiện đầu tư dự án và bán đất nền.
Ngoài dự án này, công ty Quảng Đà còn rao bán 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân (phường Hoà Xuân).
2. Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc
Trụ sở Công ty TNHH Thiên Phúc. Ảnh: Tuổi trẻ
Ông Nguyễn Việt Trung, giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bị can, bắt tạm giam vào ngày 6/6/2019 về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, cơ quan điều tra cũng khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại dự án khu dân cư Nọc Nạng (phường 1, thị xã Giá Rai) do Công ty TNHH Thiên Phúc làm chủ đầu tư từ năm 2011.
Theo kết quả điều tra, dự án trên được UBND huyện Giá Rai phê duyệt điều chỉnh phân lô quy hoạch chi tiết, cho phép chủ đầu tư tăng từ 294 nền thành 358 nền. Dù Công ty Thiên Phúc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chính quyền địa phương vẫn kiến nghị cho doanh nghiệp được hoãn thực hiện nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ vậy, công ty này đã rao bán nền khi dự án chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thậm chí bán cùng một nền đất cho nhiều khách hàng.
3. Chủ tịch HĐQT Mường Thanh
Ông Lê Thanh Thản, CTHĐQT Tập đoàn Mường Thanh
Theo nguồn tin của báo Tuổi trẻ, ngày 8/7/2019, quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản đã được Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội phê chuẩn. Việc khám xét nơi ở của bị can tại tỉnh Điện Biên cũng đã được các cơ quan tố tụng thực hiện vào sáng 10/7 để phục vụ điều tra về các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh liên quan đến xây dựng dự án và quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.
Ông Lê Thanh Thản được biết đến là ông trùm nhà giá rẻ với hàng loạt dự án khu dân cư tại Hà Nội. Những dự án của ông Thản có giá khá mềm so với mặt bằng chung thị trường, từng một thời được người mua nhà ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều dự án của đại gia điếu cày cũng bị dư luận phản ứng khi xây dựng với mật độ cao, làm quá tải hạ tầng khu vực, đặc biệt là việc xây sai phép, vượt tầng... khiến cư dân chậm được cấp sổ đỏ.
4. Chủ tịch địa ốc Alibaba
Cuối tháng 9/2019, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch địa ốc Alibaba bị bắt tạm giam, khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu, Luyện đã tự vẽ 40 dự án “ma” với 6.700 người giao dịch số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.
Luyện tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM, sau khi ra trường Luyện làm nhân viên môi giới đất nền ở khu vực vùng ven TP.HCM. Đến tháng 5/2016, Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba. Chỉ sau 2 năm, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng với 2.500 nhân viên.
Thủ đoạn của Luyện là đào tạo nhân viên Alibaba chiêu dụ khách hàng và biến các nhân viên thành khách hàng với chế độ hoa hồng theo mô hình đa cấp Ponzi. Để có sản phẩm chào mời khách, Luyện giao những người thân tín, trong đó có hai em ruột của mình đi thu gom đất nông nghiệp, đứng tên dưới danh nghĩa cá nhân rồi tự “vẽ” thành các dự án.
Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo một số nhân viên kỳ cựu đứng tên các công ty bất động sản làm vỏ bọc và hoạt động như các vệ tinh của địa ốc Alibaba.
5. Giám đốc Angel Lina
Phạm Thị Tuyết Nhung, giám đốc Công ty Angel Lina |
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, giám đốc Công ty Angel Lina bị Công an TP.HCM bắt tạm giam vào ngày 1/11/2019 để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Nhung tự dựng một loạt dự án “ma” tại các khu đất công cộng, khu quy hoạch trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, Bình Tân... Khách hàng đã nộp cho công ty của bà Nhung hàng chục tỷ đồng.
Trong hợp đồng ký với khách, công ty Angel Lina cam kết bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng 1 năm sau khi thu tiền. Sau đó, công ty này tìm cách kéo dài thời gian, lần lữa việc ra sổ cho khách. Bà Nhung lánh mặt, không tiếp xúc với khách hàng, sau đó bỏ trốn.
6. Giám đốc công ty Hoàng Kim Land
Bà Trần Thị Hồng Hạnh |
Giám đốc công ty Hoàng Kim Land là Trần Thị Hồng Hạnh bị Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an TP.HCM bắt giam vào ngày 20/11/2019, để điều tra về hành vi Lừa đào chiếm đoạt tài sản.
Công ty của bà Hạnh tự nhận là chủ đầu tư 7 dự án rồi rao bán sản phẩm rầm rộ. Những dự án này nằm tại các quận huyện vùng ven TP.HCM và đều không có thật, là đất nông nghiệp hoặc quy hoạch chưa được chính quyền cấp phép.
Bà Hạnh dùng pháp nhân công ty, ký hợp đồng chuyển nhượng các nền đất cho nhiều khách hàng để thu hàng chục tỷ đồng nhưng sau đó không giao nền, khiến nhiều người khiếu kiện khắp nơi.
7. TGĐ Công ty CP BĐS Cao Thắng
Võ Thanh Long (TGĐ Khu du lịch sinh thái Phú Hữu) bị Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 30/11/2019 về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông này cũng chính là TGĐ Công ty CP Quốc tế Ước mơ Việt và Công ty CP BĐS Cao Thắng.
Theo kết quả điều tra bước đầu, ông Long kêu gọi nhiều người bỏ vốn đầu tư vào Khu du lịch Phú Hữu theo hình thức đa cấp với tổng số tiền 600 tỷ đồng. Khu du lịch này khai trương vào cuối năm 2018 nhưng không chi trả tiền cho nhà đầu tư. Nhiều người sau đó kéo đến khu du lịch đòi tiền không được nên gửi đơn tố cáo.
8. Giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát
Trụ sở Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát
Nguyễn Hữu Kha, GĐ Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát bị khởi tố và bắt tạm giam vào 19/12/2019 để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hưng Thịnh Phát rao bán hàng chục dự án “ma” từ Phan Thiết đến Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam như City 1, City 2, City 3; Phong Nẫm; Hàm Liêm 1 - Hàm Liêm 5… Những dự án này thực chất là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đã có khoảng 200 người nộp tiền mua nền với số tiền từ 400 triệu đến 5 tỷ đồng. Hơn một năm qua, khách không được giao nền, cũng không đòi được tiền.
Sở Xây dựng Bình Thuận xác nhận, những dự án của công ty Hưng Thịnh Pháty đều chưa được sở cấp phép. Tài khoản của ông Nguyễn Hữu Kha sau đó cũng đã bị ngân hàng tạm thời phong tỏa để điều tra.
9. Giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang
Dự án khu dân cư Cồn Tân Lập, Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc
Ông Nguyễn Chí Uy, nguyên Giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang bị Công an Khánh Hòa khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 24/12/2019.
Công ty CP Sông Đà Nha Trang được UBND Khánh Hòa cấp phép gần 8 hecta vào năm 2007 để làm dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập gần đường Trần Phú. Công ty này sau đó liên doanh với Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư dự án với mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.
Đến hạn bàn giao dự án vào năm 2013, công ty được giãn tiến độ đến năm 2020 nhưng đến nay, xung quanh dự án vẫn là bãi đất trống, chưa giải phóng mặt bằng xong. Do đó, khách hàng mua đất ở đây đã làm đơn tố cáo chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo và chuyển nhượng bất động sản trái pháp luật.
Hải Âu (TH)
Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/12/31/loat-thu-linh-bat-dong-san-vuong-vong-lao-ly-trong-nam-2019
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet