Loạt công văn khẩn chấn chỉnh thị trường BĐS tính từ đầu năm
Tính từ đầu năm, không chỉ những thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM mà hàng loạt tỉnh thành đã phải ra công văn khẩn để chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong hoạt động phân lô, bán nền và kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép
Khánh Hòa: Ngày 13/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm soát tình trạng một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh tự đặt tên dự án, tự phân lô bán nền, đưa thông tin sai lệch về dự án… dẫn đến việc hình thành những khu dân cư tự phát, không có hạ tầng… Các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định về hợp thửa, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết tình trạng thu gom đất, chuyển mục đích sử dụng đất và tự phân lô mà không thực hiện theo hình thức đầu tư xây dựng nhà ở; kiểm tra, xác minh, làm rõ thân nhân, hành vi của các đối tượng thu gom đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất để phân lô bán đất nền trái quy định…
Đà Lạt: Ngày 1/8, UBND TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết vừa gửi văn bản hoả tốc đến công an thành phố và các đơn vị liên quan về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng, phân lô bán nền đất nông nghiệp trái quy định trên địa bàn phường 10, TP. Đà Lạt. Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết, thời gian qua, Đà Lạt xuất hiện nhiều cò đất đẩy giá đất lên cao, cùng với đó là tình trạng san ủi đất, phân lô, bán nền trái phép diễn ra tràn lan. Trước diễn biến trên, TP. Đà Lạt được giao nhiệm vụ quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng trên địa bàn. UBND TP yêu cầu địa phương phải tuân thủ theo Quyết định 33 của tỉnh, chỉ cho phép tách thửa đất ở có diện tích tối thiểu 200m2, đất nông nghiệp là 500m2...
Tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan
tại nhiều tỉnh thành. Ảnh: Dân trí
Bình Dương: Tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Long An, Bình Phước, Đồng Nai… tình trạng phân lô bán nền trái phép đã diễn ra trong nhiều năm qua. Cuối tháng 7, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan siết chặt tình trạng phân lô, tách thửa, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính. Theo đó, Sở Xây dựng có nhiệm vụ phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân khiến thị trường biến động; thanh kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kiểm tra, rà soát, thu hồi, đình chỉ hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền cũng diễn ra tràn lan tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo thông tin từ Phòng TN&MT thị xã Phú Mỹ, đến cuối tháng 5/2019, trên địa bàn thị xã có 113 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xây dựng công trình khi chưa được phép. Trước đó, ngày 16/11/2018, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi công văn khẩn đến UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, đề nghị khẩn trương kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các hoạt động phân lô, bán đất nền trên địa bàn tỉnh, bao gồm các công ty địa ốc với danh nghĩa đại diện người dân phân phối và các công ty tiến hành xây dựng trái phép phân lô, bán nền không đúng quy định.
Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản
Bên cạnh việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền trái phép tràn lan, nhiều địa phương trong thời gian qua cũng đã có văn bản để kịp thời chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Đà Nẵng: Tháng 3/2019, trước diễn biến phức tạp của cơn sốt đất Đà Nẵng cùng những thông tin giả mạo về quy hoạch, dự án nhằm đẩy giá thị trường, Sở Xây dựng TP đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Ngày 19/4, UBND TP. Đà Nẵng ra văn bản giao Sở Xây dựng rà soát, hoàn thiện kế hoạch chấn chỉnh tình trạng một số môi giới, cò đất dùng chiêu trò, bịa đặt thông tin giả mạo để tạo sốt giá đất nhằm trục lợi.
Quảng Nam: Tương tự Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng xuất hiện tình trạng cò đất làm giả văn bản của lãnh đạo thành phố để thổi giá đất, gây sốt ảo. Cụ thể, một văn bản ghi rõ UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn 5 sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại phường Cẩm Nam, phố cổ Hội An được lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định đây là văn bản giả mạo, chữ ký trong văn bản cũng không phải là của ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Không những thế, cò đất khắp nơi tràn về làm giá đã khiến đất tại Đà Nẵng, Quảng Nam lên cơn sốt không tưởng. Một mảnh vườn ở nông thôn diện tích 100m2 được cò đất hỏi mua với giá hơn 800 triệu đồng.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đưa ra biện pháp ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân, tránh nguy cơ sốt ảo, "vỡ trận".
Quảng Ngãi: Ngày 13/6, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký công văn yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, cần kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan; cập nhật thông tin các dự án bất động sản được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, các dự án bất động sản đã được thu hồi giao đất, phê duyệt giá đất tính thu tiền sử dụng đất…
Trước đó, một nữ nhân viên kinh doanh bất động sản tung tin giả về siêu dự án ven biển và cơn sốt đất nền tại đây đã được công an tỉnh Quảng Ngãi xác minh và xử lý.
Bình Thuận: Ngày 29/5, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo khẩn các sở ban ngành tại địa phương tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản sau khi xuất hiện những diễn biến khó lường kể từ tháng 7/2018 và tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là đối với các khu vực nằm ở 2 bên đường Võ Nguyên Giáp, khu vực quy hoạch sân bay Phan Thiết như: phường Mũi Né, phường Phú Hài, xã Thiện Nghiệp, xã Tiến Thành và TP. Phan Thiết. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra và xử lý việc mua bán bất động sản trái pháp luật, để chống nạn đầu cơ thổi giá đất, ngăn chặn hoạt động môi giới, kinh doanh địa ốc phi pháp.
Trước đó, tháng 8/2018, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản hoả tốc gửi nhiều đơn vị, sở ngành đề nghị ngừng tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên toàn tỉnh.
Phùng Dung (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet