Lỗ hổng xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Trong khi hàng trăm căn nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn chưa được xử lý dứt điểm thì trên nhiều tuyến đường Hà Nội, các căn nhà siêu mỏng, siêu méo đang được gấp rút thi công. Có thể thấy, đang tồn tại những bất cập trong quản lý trật tự xây dựng ở các đô thị.
Các quy định mâu thuẫn nhau?
Đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) hiện có rất nhiều ngôi nhà hình thù méo mó, kỳ dị làm cảnh quan đoạn đường trở nên nhếch nhác. Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, lực lượng thanh tra phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát để không phát sinh mới nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhưng ông Quang lại cho rằng, có việc xây nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng đó chỉ là vi phạm… nhỏ, “thí dụ, trong giấy phép cấp ban công 60cm, người dân đổ ra 80cm hoặc 1m và quây kính lên làm phòng".
Nhận định này khiến nhiều người thắc mắc. Liệu có sự thỏa thuận ngầm nào không giữa người vi phạm với lực lượng thanh tra cũng như chính quyền địa phương?
Đường Đào Tấn, Hà Nội "xấu" vì nhà siêu mỏng
Trong năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định 15 về việc xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn, có quy định các trường hợp đất có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m không đủ điều kiện tồn tại, phải thu hồi hoặc hợp thửa, hợp khối.
Mặt khác, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng có các văn bản hướng dẫn nhưng thoáng hơn cho các trường hợp đất nhỏ hẹp. Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Vinh nhận định: “Với quyết định số 15, nếu là đất dưới 15m2 thì phải thu hồi, tuy nhiên, Quyết định 264 ra sau đó lại quy định những mảnh đất bị thu hồi là dưới 4m2, đất từ 5m2 trở lên đến 15m2 thì sẽ được cho phép cải tạo, chỉnh trang với quy mô 1 tầng, với chiều cao dưới 4,5m. Quy định trái nhau nên các công trình 2 bên đường có kiến trúc lộn xộn là vì thế”.
Vì thế nên trong thực tế,những nhà nhỏ dưới 15m2, hay có cạnh dưới 3m bất chấp hình khối gì vẫn có kẽ hở pháp lý để tồn tại. Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lại cho phép nhà nhỏ được xây dựng tạm thời, nhưng tạm thời trong bao lâu không nói rõ.
Chính những mâu thuẫn ngay từ các quy định như vậy đã tạo những kẽ hở dễ bị lợi dụng. Bởi lẽ quy định có thể xây dựng, chỉnh trang với quy mô 1 tầng, nhưng thực tế nhiều hộ dân đã tranh thủ xây lên cao nhiều tầng, còn chính quyền, cơ quan chức năng lại lấy lý do tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định chỗ ở, để cho qua vi phạm này.
Quyết tâm vẫn chỉ là quyết tâm!
18/192 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại từ nhiều năm trước ở Hà Nội đã được giải quyết trong năm 2014. Trong năm 2015, vẫn còn 174 công trình (chưa kể công trình phát sinh mới) cần phải giải quyết xử lý. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, sẽ rất khó khăn để giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo khi đã kiên cố, vì người dân đã ổn định mưu sinh.
Hơn nữa, sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nên hợp thửa, hợp khối cũng phức tạp, thu hồi cũng tốn cả trăm tỷ đồng, chưa kể dễ sinh ra khiếu kiện kéo dài. Bởi vậy, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội hiện nay vẫn chỉ loanh quanh phần ngọn, tức chạy theo xử lý khi nhà siêu mỏng, siêu méo đã hình thành. Trong khi đó, gốc của vấn đề là ở quy hoạch sau giải phóng mặt bằng lại chưa có.
“Chừng nào phát triển đô thị chưa quan tâm đến những thửa đất còn lại sau thu hồi, cũng như chưa có quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố, chừng đó vẫn còn những ô đất méo mó, nhỏ hẹp sau giải phóng mặt bằng. Cộng với việc chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc, người dân mạnh ai nấy làm, cố bám trụ mặt đường, nên các loại nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tiếp tục mọc lên, vừa mất an toàn, vừa làm xấu bộ mặt đô thị” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng cho biết, mặc dù đã có Luật Đất đai, Luật Xây dựng… nhưng vẫn cần có thêm văn bản hướng dẫn như về vấn đề hợp khối, cấp phép xây dựng hoặc thiết kế đô thị. Cần phải có thiết kế đô thị khi mở tuyến đường mới, trong đó có nêu ra giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, những ngôi nhà nào được phép cải tạo, cái nào phải hợp khối.
Hiện nay đã có quy định tương đối rõ về diện tích, nhưng hình dáng thế nào là hợp lý, thế nào chưa hợp lý phải được thể hiện thông qua thiết kế đô thị của từng tuyến đường. Tức các nhà quản lý, địa phương phải tạo ra được thiết kế đô thị. Nhưng thực tế hiện nay thiết kế đô thị làm rất chậm.
Lãnh đạo TP. Hà Nội đã nhiều lần thể hiện quyết tâm dẹp bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo, thậm chí đã không ít lần chốt thời hạn xử lý cho các quận, huyện song lại phải trì hoãn, lùi thời hạn. Quyết tâm sẽ vẫn chỉ là quyết tâm nếu như các quy định vẫn còn mâu thuẫn, còn chính quyền các quận, huyện vẫn tiếp tục cấp phép xây nhà siêu mỏng, siêu méo và xử lý nửa vời tình trạng này.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet