Lập giấy cho nhà để đảm bảo nợ vay
Ông bà ngoại tôi mất để lại căn nhà. Vì hai người dì không rành và không biết chữ nên đồng ý cho cậu tôi đứng chủ hộ để tiện việc giấy tờ của căn nhà trên, trong khi đó mẹ tôi (không sống chung) không hề hay biết. Năm 2006, vì kẹt tiền để làm ăn nên cậu tôi đã vay của bà A 100 triệu đồng, tiền lời 4% trả mỗi tháng. Bà A yêu cầu cậu tôi viết giấy tặng nhà để bảo đảm về khoản vay đó.
Sau đó bà A đem căn nhà nói trên bán cho ông B. Chỉ khi ông B đến yêu cầu giao nhà thì gia đình tôi mới biết sự việc trên. Tòa án quận đã xử cho chúng tôi thắng kiện, tuy nhiên khi ông B kháng cáo thì tòa án thành phố lại xử ông B thắng, yêu cầu chúng tôi trong một tháng phải giao nhà cho ông B. Xin chỉ giúp chúng tôi hướng giải quyết để không mất đi ngôi nhà do ông bà để lại.
N.T.T.
- Theo nội dung câu hỏi, tôi hiểu căn nhà hiện tại có giấy tờ hợp lệ và do cậu của chị là chủ sở hữu.
Việc cậu của chị làm giấy tặng nhà cho bà A là một giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch thật là thế chấp nhà để bảo đảm việc trả nợ. Theo điều 129 Bộ luật dân sự (BLDS) thì giao dịch tặng cho nhà giữa cậu của chị và bà A sẽ bị vô hiệu. Do vậy, theo khoản 2, điều 138 BLDS thì quan hệ mua bán giữa bà A và ông B cũng bị vô hiệu theo. Như vậy, căn nhà sẽ trả lại cho cậu của chị. Bà A phải bồi thường thiệt hại (tổng giá trị căn nhà) cho ông B nếu ông B có yêu cầu.
Nếu có chứng cứ cho thấy căn nhà trước đây thuộc sở hữu của ông bà ngoại chị và việc chuyển dịch quyền sở hữu sang cậu của chị là trái pháp luật do có sự gian dối, thì căn nhà sẽ được trả lại cho tất cả các người con của ông bà ngoại chị.
Trong trường hợp nếu cho rằng việc tặng cho và mua bán nhà nêu trên không vi phạm pháp luật thì căn nhà sẽ thuộc quyền sở hữu của ông B.
Về nghĩa vụ trả nợ vay: theo BLDS thì cậu của chị phải trả nợ vay bao gồm nợ gốc và lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất tối đa là 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (điều 476 BLDS). Trường hợp mức lãi suất hằng tháng mà cậu của chị đã trả cao hơn quy định này thì được trừ vào nợ gốc.
Từ các phân tích nêu trên, nếu chị cho rằng bản án đã tuyên không phù hợp với quy định của pháp luật, gia đình chị có thể làm đơn đề nghị chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị để xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm. Thời hạn để kháng nghị là ba năm kể từ ngày bản án của Tòa án nhân dân thành phố có hiệu lực (điều 288, Bộ luật tố tụng dân sự).
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
Theo Tuoi tre Online
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet