Lãnh đạo Tp.HCM cảnh báo tình trạng tăng giá đất ảo
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý người dân không được tiếp tay cho "cò", đầu nậu để tăng giá đất ảo, giống như hình thức đa cấp.
Sáng ngày 10/4, tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện Quyết định 60 về diện tích đất tối thiểu được tách thửa, song Phó Chủ tịch Tuyến lại lưu ý về vấn đề này. Ông Tuyến nói: "Bằng nhiều hình thức tác động, họ đưa ra những thông tin sai lệch làm giá đất thành phố tăng. Cuối cùng giá hiện thực như thế nào không ai biết". Đồng thời, ông cũng yêu cầu các quận, huyện quản lý chặt chẽ, đặc biệt là bộ máy của mình và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo ông Tuyến, khi muốn bán đất, người dân đều thông qua nhiều hình thức để liên hệ với chính quyền. Có thể qua con đường chính thức hoặc qua quen biết để xem khu vực đó có dự án hay sắp mở đường không. Nếu cán bộ mang lợi ích cá nhân trong chuyện này sẽ tạo ra thông tin sai lệch, khiến giá đất tăng ảo do người dân đổ xô đi mua đất.
Thời gian qua, giá đất tại Tp.HCM tăng "chóng mặt" |
"Chính quyền tôn trọng thị trường nhưng phải đúng thực tế, không để cho những cá nhân lợi dụng thông tin ảo để trục lợi. Bởi đối tượng đầu cơ, cò mồi không bao giờ bị thua thiệt. Chỉ người dân có nhu cầu thật sự là nạn nhân", ông Tuyến nói.
Cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhà nước đã thu hồi đất nhưng người dân vẫn tiến hành giao dịch bằng giấy tờ phô tô, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị của Tp.HCM cho rằng, đây là mua bán bất hợp pháp, dễ dẫn đến biểu tình, khiếu nại.
Ông Tuyến yêu cầu: "Chính quyền phải giải quyết nên tốt nhất là từ bây giờ phải kiểm soát tình hình để bảo vệ quyền lợi cho người dân chính đáng. Công an thành phố, các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp này".
Do tác động của cơn "sốt đất" trong thời gian qua, giá căn hộ, bất động sản liền thổ tại Tp.HCM đã bị đội lên 67-170%. Tại các huyện vùng ven như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và quận 12, Tân Phú (phía Tây thành phố), giá đất vọt lên gấp 1,5-2 lần. Tại huyện Cần Giờ, giá đất nông nghiệp cũng tăng không ngừng. Nguyên nhân được cho là do "cò đất" lợi dụng thông tin quy hoạch để "thổi giá".
Chủ tịch quận huyện phải chịu trách nhiệm về "tách thửa"
Trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hiện chỉ có quận 1, 6, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh và huyện Cần Giờ lên kế hoạch thực hiện Quyết định 60. Quận 2 và Bình Tân là hai quận đã ban hành tổ liên ngành để giải quyết.
Một số vướng mắc mà các quận, huyện gặp phải khi thực hiện như: chưa có hướng dẫn duyệt hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu công trình đối với trường hợp tách thửa; chưa có hướng dẫn cụ thể tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất hỗn hợp...
Ông Thắng nói: "Những nội dung này sở đang tập hợp hướng dẫn nhưng có chậm. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và cố gắng trong tuần này thực hiện xong".
Yêu cầu các quận huyện cùng các sở, ngành thực hiện công khai, minh bạch vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: "Chủ tịch quận huyện là người quyết định việc tách thửa và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quyết định của mình".
Theo Quyết định 60/2017 của UBND Tp.HCM có hiệu lực từ đầu năm nay, diện tích đất tối thiểu được tách thửa tại thành phố chia thành 3 khu vực: Khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và Tân Phú): diện tích tối thiểu của thửa đất hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách là 36m2; mặt tiền có chiều rộng không nhỏ hơn 3m. Khu vực 2 (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân): tối thiểu là 50m2, chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m. Khu vực 3 (huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ): tối thiểu là 80m2, chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet