Làm sao định đoạt di sản thừa kế chưa chia?
Hỏi: Năm 1980, ông ngoại tôi mất và để lại căn nhà cho năm người con. Do nhu cầu cần người đại diện ra đứng tên nên bốn người con thứ đã đồng ý ký giấy cho người con trai lớn đại diện.
Đến năm 2005, cậu cả của tôi đã đem tất cả giấy tờ đi làm sổ đỏ mang tên mình và không cho bốn người em biết. Nay cậu cả đã mất, con trai cậu cả lấy hết tất cả giấy tờ đem gửi qua bên Đài Loan cho chị gái giữ. Chúng tôi phải làm sao để con trai của cậu cả phải đem tất cả giấy tờ về lại Việt Nam? ([email protected])
Trả lời
Theo thư, tôi hiểu rằng ông ngoại của bạn mất để lại di sản là một căn nhà và không có di chúc. Nếu tại thời điểm ông mất, vợ và cha mẹ của ông cũng không còn hoặc từ chối nhận di sản thì năm người con được hưởng thừa kế toàn bộ căn nhà này.
Do các anh em chưa phân chia di sản và bốn người em đã ủy quyền cho người anh lớn (tức cậu cả của bạn) đại diện đứng tên, nên căn nhà của ông ngoại bạn hiện vẫn được xem là di sản thừa kế chưa chia, và việc người anh lớn đứng tên trên sổ đỏ căn nhà chỉ là đại diện khai trình chứ không phải là chủ sở hữu duy nhất. Theo đó, việc định đoạt căn nhà như bán, tặng cho... vẫn phải có sự đồng ý của tất cả những người thừa kế.
Nay cậu cả của bạn đã mất nên việc các con của ông ấy cầm giữ giấy tờ về quyền sở hữu nhà là không trái quy định của pháp luật. Bốn người em còn lại có thể đề nghị các con của người anh xuất trình sổ đỏ để làm thủ tục thay đổi người đại diện đứng tên căn nhà (do người đứng tên đã mất).
Còn trường hợp những người em muốn ghi nhận quyền sở hữu của mình trong sổ đỏ để hạn chế tranh chấp về sau thì có thể làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng theo điều 50 Luật công chứng và phải có sự đồng ý của các anh chị em còn lại, cũng như những người thừa kế của người anh cả (vợ, con).
Căn cứ nội dung văn bản khai nhận di sản, cơ quan nhà nước sẽ cấp sổ đỏ mới cho từng chủ sở hữu và ghi rõ trong sổ đỏ phần được sở hữu của người đó, hoặc cấp chung một sổ cho người đại diện nếu các bên có thỏa thuận (khoản 3 điều 4 thông tư 17/2009/TT-BTNMT).
Trường hợp giữa các bên không thỏa thuận được và phát sinh tranh chấp, một trong các bên có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Theo khoản 4 điều 36 pháp lệnh thừa kế, khoản 2 điều 17 nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH và điểm a.3 mục 2.4 phần I của nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản là căn nhà do ông ngoại của bạn để lại đến nay đã hết, nên căn nhà sẽ được xem là tài sản chung của năm người con và được chia đều cho mỗi người.
Riêng 1/5 căn nhà phần của người anh lớn sẽ được chia đều cho vợ, con của người này, còn nếu người anh lớn có lập di chúc hợp pháp thì phần tài sản này sẽ được chia theo di chúc.
Luật sư Huỳnh Văn Nông
(Theo TTO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet