Làm sao để thép Việt không bị dính vào các vụ kiện thương mại?
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2018 dự kiến tăng trưởng ngành thép sẽ đạt 20-22%. Trong đó, các mức tăng trưởng với thép xây dựng; thép cuộn cán nguội; thép ống hàn; sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu lần lượt là 10%; 5%; 15% và 12%.
Tuy nhiên, trong năm qua ngành thép Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM), nhiều vụ trong số này kéo dài, “dây dưa” sang năm 2018.
Sức ép từ thép ngoại và các cáo buộc chống bán phá giá
VSA cho biết, ngành thép Việt Nam hiện có năng lực sản xuất ước đạt khoảng 30 triệu tấn/năm. Trong đó, mặt hàng phôi thép đạt 12 triệu tấn/năm, thép cán đạt 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu đạt 5 triệu tấn/năm còn thép ống đạt khoảng 3 triệu tấn/năm.
Với quy mô nói trên, hiện ngành thép Việt Nam đang là nước đứng đầu các nước Đông Nam Á về sản lượng thép. Trong năm qua, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 5,5 triệu tấn, tăng 28,5%; kim ngạch đạt 3,6 tỉ USD, tăng 45,4% so với năm 2016. Mặc dù vậy, thép Việt hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt các sản phẩm thép xuất khẩu phải kháng kiện nhiều vụ kiện từ các nước như: Mỹ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái lan, Ấn Độ…
Tình hình bảo hộ thương mại hiện diễn ra khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới tạo áp lực lớn cho ngành thép. Hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép.
Tính đến cuối năm 2017 vừa qua, có tới 30 vụ kiện PVTM từ các quốc gia mà ngành thép Việt Nam phải đối mặt. Trong đó nhiều nhất là các vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu. Hiện thép Việt cũng đang bị áp thuế CBPG và các biện pháp trợ cấp, tự vệ từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... Điều này gây nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thép của Việt Nam sang một số nước.
Để không dính phải các vụ kiện thương mại, ngành thép cần có sự hỗ trợ
của các cơ quan chức năng liên quan. Ảnh: PV
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó vì phải lo nhiều vụ kiện, thị trường trong nước cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì thép nhập khẩu lại liên tục tràn vào một cách ồ ạt. Đáng chú ý, mặc dù có một số mặt hàng thép Việt Nam đã tự sản xuất được nhưng vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn như tôn mạ và sơn phủ mầu (1.270.000 tấn); thép cây và thép cuộn (877.000 tấn)…
Tỉ lệ nhập khẩu thép từ các nước như sau: nhiều nhất là Trung Quốc với 46,5%, Nhật Bản 15,2%, Hàn Quốc 11,4%, Đài Loan 10,6% và Ấn Độ 10,2%... Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng sản lượng thép của Trung Quốc đến nay đã tăng hơn 12 lần. Cụ thể, từ năm 2015, quốc gia này đã đạt 803,83 triệu tấn trong năm, trong khi đó nước này chỉ có nhu cầu khoảng 672 triệu tấn.
Sự chênh lệch lớn giữa lượng thép sản xuất với lượng thép tiêu thụ nói trên khiến Trung Quốc đặt nhiều nước sản xuất thép vào thế phải cạnh tranh, trong đó có Việt Nam.
Làm sao để tránh các vụ kiện thương mại?
VSA cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng sản xuất từ 20-22% so với năm 2017, giải pháp cho các doanh nghiệp thép nội là đầu tư mạnh vào công nghệ mới hiện đại, nâng cao khả năng quản trị, thể hiện sự nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh. Nhà nước cũng cần định hướng thông tin về thị trường, sản phẩm và các chiến lược phát triển các nhà máy thép, đưa ra những chính sách khuyến khích và chế độ bảo hộ phù hợp, hiệu quả.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA muốn vượt qua khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn trong thời gian tới, tránh các vụ kiện PVTM, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu, bố trí thị trường XK hợp lý, tránh tình trạng dồn sự tập trung vào một vài thị trường gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ để các nước nhập khẩu tiến hành khởi xướng điều tra.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thép cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế, tránh rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước cũng rất cần thiết, nhất là các đơn vị trực tiếp như Bộ Công Thương.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet