Trước thách thức của thiên tai, bão lũ, người dân vùng trũng lại không thể rời bỏ làng mạc, ruộng đồng bao đời cư trú, nên việc tạo lập một không gian sống thích nghi, an toàn và phù hợp khả năng tài chính của người dân là một đề tài khó nhưng hết sức cần thiết với nhiều địa phương còn nhiều khó khăn. Thông qua một số dự án đã thực hiện tại vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị), chúng tôi xin chia sẻ một số giải pháp được cho là hiệu quả như sau:

Quy hoạch vùng ảnh hưởng

Vùng ảnh hưởng thiên tai (bão và lũ) ở miền Trung Việt Nam thường có vị trí thung lũng đồi núi, vùng trũng có nhiều sông suối. Việc khoanh vùng dựa vào điều kiện địa lý và thổ nhưỡng, thủy văn để đo được mực lũ hằng năm, vùng chịu tác động của việc điều tiết nước của hệ thống thủy điện, thủy lợi. Đây là cơ sở để có kế hoạch phân kỳ đầu tư toàn diện trong vùng được quy hoạch tránh lũ, từng bước kiên cố hệ thống: giao thông (khống chế cao độ những tuyến chính), thủy lợi (hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu; kiên cố hóa hệ thống đê, kè sông, cửa biển).

Một mẫu nhà thích nghi vùng bão lũ theo thiết kế của Câu lạc bộ KTS trẻ Quảng Trị - Ảnh do tác giả cung cấp

Các công trình công cộng phải nằm ở khu vực trung tâm dân cư, có kết cấu kiên cố và cao tầng, có kiến trúc mở với các cấu kiện như cầu thang, hành lang, bancông để ứng cứu người dân. Mỗi vùng trũng phải có một trung tâm xử lý khẩn cấp thiên tai có kiến trúc mở và có số tầng cao tùy theo đỉnh lũ; có hệ thống thông tin liên lạc thông suốt và ổn định trong điều kiện xấu; có kho lương thực, nước sạch, thuốc men dự trữ.

Chọn mẫu nhà phù hợp

Căn cứ vào thực tế địa bàn, chúng tôi nhận thấy mẫu thiết kế phổ biến cần phù hợp với các tiêu chí sau:

- Căn nhà phụ với diện tích sàn khoảng 25m2 bên cạnh ngôi nhà truyền thống sẵn có, với kiến trúc từ hai tầng trở lên. Tầng trệt tận dụng làm bếp và công trình phụ, cầu thang bên ngoài phía trước hiên nhà. Tầng hai có sàn bêtông cốt thép, mái lợp tôn có giằng chống bão, là không gian chứa thực phẩm, bồn nước sinh hoạt; có thể kết hợp làm sàn thông với chuồng trại sau nhà bằng vật liệu tận dụng để di chuyển đàn gia súc lên cao.

- Là nhà có kết cấu móng cột sàn bêtông cốt thép chịu lực, có hai tầng trở lên, tầng hai cao hơn mức lũ hằng năm tối thiểu là 1m.

Vật liệu chính: sắt, thép, ximăng, cát, sạn, gạch hoặc block đúc sẵn, xà gồ lợp mái bằng tre hoặc gỗ, thép, tôn. Kết cấu chuồng trại: cột bêtông hoặc gỗ, dầm bêtông hoặc gỗ, xà gồ tre dày, lợp tôn hoặc ván. Mẫu nhà này đáp ứng các yếu tố chống bão và tránh lũ, có giá thành khoảng 74,5 triệu đồng/căn. Trong đó, chi phí cụ thể là:

Tầng trệt: 25m2 x 2 triệu đồng = 50 triệu đồng

Tầng 2: 25m2 x 0,8 triệu đồng = 20 triệu đồng

Chuồng trại: 9m2 x 0,5 triệu đồng = 4,5 triệu đồng

Nếu có điều kiện, các hộ gia đình có thể mở rộng diện tích tầng hai làm không gian sinh hoạt và dự trữ thực phẩm, giống cây trồng.

KTS Bùi Đức Huy (Câu lạc bộ KTS trẻ Quảng Trị)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME