Làm giấy tờ khi chủ đất mất chưa mở thừa kế
Hỏi: Tôi có mua một miếng đất diện tích 1.200m2, trong đó 1.070m2 là đất thổ cư còn 130m2 nằm trong thửa cây lâu năm của chủ đất tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Tôi mua đất năm 2003, nay chủ đất đã chết nhưng chưa mở thừa kế.
Tôi muốn làm thủ tục sang tên phần đất đã mua thì được hướng dẫn mang hồ sơ ra xã và được địa chính xã, huyện xuống đo đất và đã vẽ hồ sơ kỹ thuật, đóng lệ phí bản vẽ. Trong thời gian chờ đóng thuế trước bạ tôi được báo phải mở thừa kế trước mới làm sổ được và phần đất nằm trong thửa đất cây lâu năm không đủ diện tích để tách thửa nên trả hồ sơ về.
Xin hỏi, tôi phải làm các thủ tục nào để được sang tên? Phần đất trong thửa cây lâu năm sẽ giải quyết thế nào? Mong được tư vấn. Cảm ơn.
Đặng Ngọc Hảo ([email protected] )
Trả lời
Theo nội dung thư bạn nêu, chúng tôi hiểu bạn đã nhận chuyển nhượng thửa đất năm 2003 khi chủ đất còn sống nhưng việc chuyển nhượng này chỉ được xác lập bằng giấy tay. Hiện tại người chủ đất đã mất, do vậy quyền sử dụng đất mà bạn đã nhận chuyển nhượng trở thành di sản thừa kế.
Trong trường hợp này, để có thể hợp thức hóa việc chuyển nhượng thửa đất trước đây giữa bạn và người để lại di sản, những người thừa kế sẽ thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng thửa đất cho bạn sau khi họ đã hoàn tất thủ tục xác lập quyền sử dụng đối với thửa đất.
Xác lập quyền của người được thừa kế đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất:
i. Trong trường hợp thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng:
Những người được thừa kế sẽ thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có thửa đất là di sản thừa kế theo quy định sau:
+ Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
+ Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản khai nhân di sản thừa kế là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
ii. Trong trường hợp thửa đất là di sản thừa kế chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng, những người thừa kế phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất. Những người thừa kế sẽ thỏa thuận cử người đại diện ghi tên vào giấy chứng nhận phải bằng văn bản (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật). Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất sẽ được cấp cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế.
Sau khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những người thừa kế mới có thể thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản theo nội dung trình bày trên.
Sau khi những người hưởng di sản đã hoàn tất việc đăng ký chuyển quyền và được cấp giấy chủ quyền sử dụng đất, khi đó bạn và họ sẽ tiến hành thủ tục chuyển quyền sử dụng thửa đất.
Việc chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất được nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên - môi trường hoặc UBND xã nơi có đất.
Việc chuyển nhượng và tách thửa đối với thửa đất trồng cây lâu năm:
Theo quy định của UBND TP Cần Thơ, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với loại đất nông nghiệp là đất vườn, đất trồng cây lâu năm được quy định như sau:
+ Tại các phường, thị trấn của quận, huyện, diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 200m2;
+ Tại các xã của huyện, diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 500m2.
Theo đó, để có thể nhận chuyển nhượng thửa đất trồng cây lâu năm, bạn có thể thỏa thuận với chủ đất để nhận chuyển nhượng đủ diện tích đảm bảo điều kiện tách thửa theo quy định.
Trân trọng.
Luật sư Đoàn Thị Ngọc Linh (Trung tâm tư vấn pháp luật số 1 Tp.HCM)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet