KTS nổi tiếng thế giới Ando Tadao: “Kiến trúc phải để lại dấu ấn ở trong lòng”
Với mong muốn hướng tới một thế giới hợp tác, chia sẻ về trí tuệ và kiến thức, Ando Tadao - KTS nổi tiếng thế giới người Nhật Bản đã có một buổi giao lưu với các kiến trúc sư (KTS) và sinh viên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối 25/11.
Cách nói chuyện thẳng thắn, thông minh và hóm hỉnh, Ando Tadao đã tạo ra một bầu không khí nóng báng nhiệt huyết cho hàng nghìn người tham gia buổi giao lưu. Thông qua những câu chuyện của bản thân, ông để người nghe tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho mình về kiến trúc, sự phát triển của đô thị và cả trong cuộc sống. Theo ông, có ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của đô thị là: Chính quyền (mong muốn phát triển đô thị như thế nào), doanh nghiệp (mong muốn đóng góp gì cho đô thị) và người dân (bản thân từng cá nhân muốn mình sống trong một đô thị như thế nào). Ông cũng đề cập nhiều đến sự liên kết giữa yếu tố cũ và mới trong kiến trúc. Trong các công trình do ông thực hiện cũng thể hiện rõ quan điểm này. Đơn cö công trình Tòa nhà thuế quan nằm ngay cửa sông được xây dựng từ thế kỷ XV. Yêu cầu đặt ra đối với công trình là không được sửa chữa nhiều ở bên ngoài để giữ nguyên giá trị của khu phố cổ nhưng bên trong vẫn lồng được không gian hiện đại. Để giữ được vẻ cổ kính của tòa nhà, ông đã mạnh dạn tạo ra một “cái lồng” bằng bê tông phía bên trong tòa nhà và tạo dựng nên một không gian sử dụng hiện đại. Thế giới đã rất ấn tượng trong phong cách kiến trúc của Ando Tadao bởi cách ông sử dụng vật liệu, những mảng tường lớn để tạo nên những giới hạn rõ rệt cho ngôi nhà. Bởi tính hiện hữu của các công trình, những khối tường nặng thô ráp của ông gây cảm giác luôn có thể chạm tới, căng mình để đón gió và ánh sáng. Bởi sự thông thoáng trong các công trình với ánh sáng bao bọc người sử dụng. Với Ando Tadao, “kiến trúc phải là cái để lại dấu ấn ở trong lòng”. Chính vì thế mà trong mỗi công trình của mình, Ando luôn sử dụng những vật liệu và những hình thức kiến trúc để kết hợp chủ nghĩa duy vật vào trong phong cách kiến trúc của mình. Như tiểu khu phố Rokko Housing I ở Kobe - một trong những công trình đầu tiên mang lại sự chú ý của quốc tế đối với Ando. Cả dự án là một khối nhà bê tông và kính trắng tương phản hoàn toàn với vách núi đầy cây xanh phía sau với những ngôi nhà có ban công nhìn thẳng ra cảng. Những tòa nhà bằng bê tông và kính của ông phản ánh những tiến bộ đang được thực hiện ở cả Nhật Bản lẫn trên thế giới.
Theo ông, thiết kế là sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa và thiên nhiên. Cho nên trong những công trình của mình, Ando luôn cố gắng tạo ra những khoảng không gian xanh. Như ở Tokyo, khi được giao nhiệm vụ thiết kế nhà ở một khu dân cư đông đúc, ông đã xây dựng những tòa nhà chung cư mà mái của nó không vượt quá những hàng cây, trên mái là những khoảng xanh. Nhưng những tầng hầm của tòa nhà lại sâu hơn 30. Ando còn phát triển hình thái kiến trúc mới đặc trưng bằng việc sử dụng kết cấu bê tông cốt thép chưa hoàn thiện. Sử dụng những hình khối hình học đơn giản nhằm toát lên nét tinh tế và sự phong phú trong việc khớp nối giữa các không gian, Ando đã sản sinh ra một phong cách kiến trúc tương đồng với kiến trúc Nhật bản truyền thống ở sự thanh bình và trong sáng. Như trong công trình Nhà thờ nước, ông đã thiết kế sao cho từ trong nhà thờ nhìn ra là một hồ nước rộng mênh mông, ở giữa là một cây thánh giá. Công trình này đã thể hiện thành công quan điểm mỹ học của người Nhật: Làm thế nào cũng phải hài hòa với thiên nhiên. Đi nhiều nơi để tự học hỏi từ khi còn rất trẻ, Ando sớm nhận thấy thế giới là một. Và vì vậy mà ông mong muốn chia sẻ kiến thức với mọi người, và mọi người cùng đưa tâm huyết, kiến thức ra giới thiệu với thể giới để cùng nhau phát triển. Ông nói: Trước đây, đồng đô la điều khiển kinh tế thế giới, nhưng giờ đây sự hợp tác, trí tuệ và kiến thức sẽ điều khiển thế giới.
| |
Theo Báo Xây dựng |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet