Kiến trúc sư Nhật Bản Si-ghê-ru Ban: Vững vàng trước tai ương
Kiến trúc sư Nhật Bản Si-ghê-ru Ban đặc biệt nổi tiếng trước cả khi nhận giải "Nô-ben Kiến trúc". Đổi mới về kết cấu, tận dụng nhiều vật liệu độc đáo như tre, vải, giấy tái chế, vật liệu tổng hợp, nhựa... để mau lẹ dựng nhà cho nạn nhân những vùng gặp thiên tai là điều ông luôn đau đáu.
Si-ghê-ru Ban sinh ngày 5/8/1957, hồi nhỏ đã thích làm những mô hình nhà và học lớp 9 đã quyết chí đi vào ngành kiến trúc. Sang Mỹ du học, nhận bằng tốt nghiệp của hai trường kiến trúc Nam Ca-li-phoóc-ni-a (1980) và Cu-pơ Uni-ôn (1984), Ban về nước lập văn phòng riêng ở Tô-ky-ô (1985), sau đó mở rộng đến Niu Y-oóc và Pa-ri. Có thái độ và trách nhiệm nghề nghiệp hết sức nghiêm túc, Ban tập trung đi sâu vào từng đề tài sáng tác. Trong lĩnh vực nhà ở, ông vừa phát huy truyền thống dân tộc, vừa tiếp thụ kinh nghiệm quý giá của kiến trúc thế kỷ 20 để tìm ra giải pháp công nghệ hợp lý.
Tận dụng và mau lẹ
Si-ghê-ru Ban được gọi là "kiến trúc sư của giấy" vì trong tất cả các phương án làm nhà ở tạm cho vùng gặp thiên tai, ông đều tận dụng những ống, cuộn, hộp cáctông có sẵn - được phun thêm chất chống ẩm và chịu lửa - làm trụ, tường cho những ngôi nhà mọc lên mau lẹ. Nhà giấy đầu tiên được Ban làm năm 1994 cho những người tị nạn Ru-an-đa, và năm sau - cho nạn nhân trận động đất ở Kô-bô, Nhật Bản.
|
Những hộp, những thùng đựng bia chai được đổ đầy cát và xếp làm móng, nền; những ống các-tông được ghép thành tường thành vách... Cũng bằng chất liệu các-tông, Ban huy động người tình nguyện từ cộng đồng địa phương xây dựng khẩn cấp - trong năm ngày đã xong - một ngôi nhà thờ gồm 58 cây các-tông đường kính 33 cm để giáo dân có ngay chỗ cầu nguyện. Sau mười năm tồn tại, nhà thờ này phải nhường chỗ cho một công trình kiên cố, nhưng được chuyển lên tàu biển về tọa lạc nguyên vẹn tại huyện Nam Đầu, Đài Loan (Trung Quốc) làm nơi nguyện cầu cho những nạn nhân của động đất. Những công trình ấy đã giúp Ban được Liên hợp quốc tín nhiệm chọn làm cố vấn chính thức về tình huống khẩn cấp, nhiều dự án của ông được sử dụng cho những vùng gặp thiên tai ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ha-i-ti.
Sau mỗi trận động đất lớn, ông đều đến hiện trường khảo sát và làm công trình ứng cứu. Năm 2008 ở Trung Quốc - một trường học bằng giấy tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2009 ở I-ta-li-a thiết kế miễn phí một phòng hòa nhạc trên mặt bằng 700 m 2 có 44 cột các-tông đỡ mái, bên trong thính phòng bầu dục chứa được 230 chỗ ngồi; công trình được khánh thành tháng 5/2011 bằng một nhạc hội tưng bừng. Năm 2011 ở Niu Di-lân - một nhà thờ cao 24 m bằng ống các-tông đường kính 60 cm, chứa được cùng lúc 700 con chiên, nhà thờ đã mở cửa tháng 8/2013 và có khả năng phục vụ cộng đồng này 50 năm nữa.
Cũng năm 2011, ở Nhật Bản, Ban tạo nên những tấm vách ngăn trong những khu nhà tạm để những gia đình sống trong đó có được không gian riêng tư nhất định. Những ngôi nhà cho người tị nạn của Ban không chỉ đơn thuần là sản phẩm của kỹ sư, mà còn là kết quả sáng tạo của kiến trúc sư.
Năm 2002, Ban dự hội nghị của Hội Kiến trúc sư quốc tế tại Béc-lin với bài tham luận Xây dựng đối phó thiên tai. Độ bền vững khả thi.
Những công trình độc đáo
Si-ghê-ru Ban còn làm những công trình kiến trúc nguy nga độc nhất vô nhị. Đó là Khu trưng bày của Nhật Bản tại Hội chợ - triển lãm toàn cầu Expo 2000 (Han-nô-vơ, Đức): Dùng toàn những vật liệu hạng hai như ống các-tông, thừng chão giàng buộc với nhau tạo thành mặt bao một tòa nhà trùm lên một sân bóng đá, có ba mái vòm lợp bằng giấy chống ẩm thấu suốt ánh sáng ban ngày, và sau khi bế mạc Expo 2000, toàn bộ công trình được tái chế thành vở viết cho học sinh.
Đó là Bảo tàng lưu động: Được ghép từ ống các-tông và 148 công-tenơ phục vụ triển lãm Tro tàn và tuyết giá của nghệ sĩ tạo hình Grê-go-ri Côn-bớc (Ca-na-đa) trên mặt bằng 12.600 m2 tổ chức lần lượt tại Vơ-ni-dơ (2002), Niu Y-oóc (2005), Ca-li-phoóc-ni-a (2006), Tô-ky-ô (2007) và Mê-hi-cô (2008).
Đó là Trung tâm Pom-pi-đu tại Mét-dơ (Pháp, 2010) - một bảo tàng nghệ thuật hiện đại mỗi năm đón khoảng 550.000 khách thăm...
Năm 2007, theo thiết kế của Ban, một cây cầu dành cho người đi bộ qua sông Ga-đôn (miền nam nước Pháp): gồm 281 ống các-tông đường kính 11,5 cm, dày 11,9 mm, trụ cầu bằng thùng gỗ nhồi cát. Toàn bộ cây cầu giấy này nặng 7,5 tấn, đủ sức tải 20 người cùng lúc qua cầu, đã hoàn thành sứ mệnh trong sáu tuần rồi mới được dỡ đi.
Ngoài ra, Ban còn tham gia sáng tác những mẫu đồ gỗ nội thất - không chỉ bàn ghế, mà cả những bộ nhà lắp ghép bán thành phẩm khá phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
Kiến trúc sư Si-ghê-ru Ban |
Phương pháp tiếp cận sáng tạo của ông luôn luôn có sự đổi mới về vật liệu và cấu trúc. Thông qua thiết kế tuyệt vời, đáp ứng với mọi thách thức, Ban đã mở rộng vai trò của nghề, đã tạo ra nơi cho kiến trúc sư tham gia đối thoại với các chính phủ, các cơ quan công vụ, các nhà hảo tâm và các cộng đồng dân cư.
Giải "Nô-ben Kiến trúc"
Từ 2006 đến 2009, Si-ghê-ru Ban ở trong thành phần Ban Giám khảo giải Prích-cơ, và đúng 5 năm sau khi mãn nhiệm, ngày 24/3/2014 ông trở thành người thứ ba mươi tám trên thế giới và người Nhật Bản thứ bảy nhận được giải thưởng uy tín này. Ông Pi-tơ Pa-lum-bô chủ khảo giải Prích-cơ nhận xét: "Nói Ban cũng như là thiên nhiên thì không ngoa chút nào, nếu xét theo những công trình thiện nguyện của ông dành cho những người vô gia cư ở những vùng gặp thiên tai".
Nối gót I-tô Tô-y-ô với những công trình "vượt lên chính mình", Ban là người giúp Nhật Bản có vinh dự hai năm liên tiếp rinh giải Nô-ben Kiến trúc, mang về xứ sở Mặt trời mọc giải Prích-cơ thứ ba trong vòng 5 năm gần đây.
Giải thưởng Prích-cơ (Pritzker Prize) được đánh giá như giải Nô-ben trong Kiến trúc. Kết quả Prích-cơ 2014 công bố ngày 24/3/2014 đã vinh danh kiến trúc sư Nhật Bản Si-ghê-ru Ban, người sẽ đến Amxtéc-đam (Hà Lan) nhận kỷ niệm chương và tấm séc 100.000 USD vào tháng sáu tới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet