1.Những hình ảnh Sài Gòn thập niên 1860

kiến trúc nhà gỗ
Nhà gỗ “Thủy sư Đề đốc” nhập về từ Singapore năm 1863

Trước thập niên 1860, khi thực dân Pháp chưa đặt chân lên đất Nam kỳ, Sài Gòn chỉ là một ngôi làng trù mật, như tác giả Pháp Léopold Pallu de la Barrière đã miêu tả trong tác phẩm Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861 (Lịch sử cuộc viễn chinh tại Nam kỳ năm 1861):

”Du khách đến Sài Gòn thoáng thấy trên hữu ngạn của con sông một loại đường sá mà hai bên đứt đoạn từng quãng một bởi những khoảng không gian trống trải. Nhà cửa phần lớn bằng gỗ lợp lá dừa, một số khác ít hơn làm bằng đá… Hàng ngàn chiếc thuyền chen chúc nhau trên bờ sông, hình thành một ngôi làng nổi…” (Paris – 1888).

kiến trúc nhà việt cổ
Dinh Thống đốc Nam kỳ thời Pháp thuộc

Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa – Gia Định – Định Tường), một trong những kế hoạch mà các đô đốc hải quân tính đến là chỉnh trang Sài Gòn thành một thành phố có quy củ.

Người được giao trọng trách này là viên trung tá công binh Coffyn. Ngày 30.4.1862, Coffyn cho ra đời Đề án mở rộng thành phố Sài Gòn, chia thành hai khu vực rõ rệt, lấy con đường Impériale (sau là đường Paul Blanchy, nay là Hai Bà Trưng) làm ranh giới.

Khu vực phía Đông đường Impériale trải dài đến rạch Thị Nghè, rộng khoảng 200 ha, là khu hành chánh và quân sự, tập trung bộ máy đầu não; khu phía Tây từ đường Impériale chạy về hướng Chợ Lớn ngày nay, rộng khoảng 2.300 ha, là khu thương mại và dân cư.

Tuy đề án Coffyn chưa từng được thực hiện tại Sài Gòn, song sự phân định hai khu vực hành chánh-quân sự với khu dân cư vẫn được chính quyền thực dân Pháp mặc nhiên thực hiện.

Vào nửa đầu thập niên 1860, như Léopold Pallu de la Barrière đã mô tả ở trên, nhà cửa cư dân Sài Gòn phần lớn làm bằng gỗ, lợp lá dừa và tập trung nhiều ở hai bên bờ sông Sài Gòn.

Theo một số tài liệu, tư nhân đầu tiên cất nhà bằng gạch là nhà doanh nghiệp Wang Tai (có nơi dịch là Hoàng Thái). Còn công sở cũng chỉ là những kiến trúc chủ yếu làm bằng vật liệu nhẹ của địa phương.

Để có nơi làm việc khang trang, bề thế, xứng đáng với danh vị và quyền hạn của các Đề đốc, phó Đô đốc Pháp, những người lãnh đạo về cả hai mặt hành chánh và quân sự, năm 1863, thực dân Pháp đã nhập từ Singapore về một phức hợp những ngôi nhà bằng gỗ, đặt trên một khu đất rộng được giới hạn bởi các con đường Nguyễn Du-Đồng Khởi-Lý Tự Trọng-Hai Bà Trưng ngày nay.

Người Sài Gòn thời đó gọi nơi đây là tư dinh của Thủy sư Đề đốc. Điều dễ thấy là ngôi nhà gỗ dễ lắp ráp này cũng chỉ là một biện pháp “chữa cháy” của các Thống đốc Pháp trong thời kỳ đầu tiên đặt chân lên thuộc địa Nam kỳ. Và ngay từ những ngày đầu năm 1865, thực dân Pháp đã nghĩ đến việc xây dựng một kiến trúc hoành tráng, xứng đáng với vị thế của một đất nước “văn minh”  tại vùng Viễn Đông.

2. Sự hình thành Dinh Thống đốc Nam Kỳ (Palais du Gouvernement)


Le Myre de Vilers, Thống đốc dân sự đầu tiên tại Nam kỳ 

Một trong những động thái đầu tiên của việc xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ mới là chọn một vị trí đắc địa nhất. Đó là một vùng đất cao nhất Sài Gòn, rộng 15 ha, có nơi làm công viên, vườn cây và những bãi cỏ xanh mướt, nhìn ra một không gian rộng thoáng.

Ngày 5.2.1865, tờ Courrier de Saigon (Thư tín Sài Gòn) đăng một thông báo của chính quyền thuộc địa dành một khoản tiền thưởng trị giá 4.000 franc cho các kiến trúc sư hay nghệ sĩ nào giới thiệu một đề án tốt nhất được chọn làm cơ sở xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ.

Khoản tiền thưởng không phải là nhỏ, song đến ngày 20.4.1865, vượt quá thời hạn chót 25.3.1865, chỉ mới có một đề án được gửi tới ban tổ chức. Sau đó không lâu, một đề án do một nhóm kiến trúc sư ở Singapore soạn thảo được chuyển đến Sài Gòn, song sau khi xem xét kỹ cả hai đề án, ban tổ chức không chấp thuận một cái nào.

Cuối cùng, cơ hội bắt tay xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ đã xuất phát từ một sự tình cờ. Trong một dịp ghé Hong Kong, hai đô đốc Pháp Ohier và Roze (cũng từng làm Thống đốc Nam kỳ) được giới thiệu với một kiến trúc sư người Pháp trẻ tên Hermitte, nguyên là học viên trường Mỹ thuật Paris.

Tại Hong Kong, Hermitte đã đoạt giải thưởng trong việc thiết kế đồ án Tòa Thị chính, vượt qua nhiều kiến trúc sư khác. Nắm bắt được những thông tin này, Roze và Ohier trở về Sài Gòn, thuyết phục đương kim Thống đốc Nam kỳ De La Grandière chính thức nhờ Hermitte thiết kế và xây dựng dinh Thống đốc.

Một trong những biện pháp được sử dụng để lôi kéo nhân tài trẻ này là khoản thu nhập 36.000 franc/năm, cao hơn rất nhiều so với các viên chức Pháp đứng đầu các cơ quan tọa lạc tại Sài Gòn. Và những gì De La Grandière làm đã có một hiệu ứng tốt: chỉ mấy ngày sau khi đến Sài Gòn, Hermitte trình một đồ án được viên Thống đốc chấp thuận ngay.

kiến trúc nhà việt
Dinh Phó Soái Nam kỳ trên đường Lý Tự Trọng ngày nay

Ngày chủ nhật  23 tháng 2 năm 1868, trước đông đảo người tham dự, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ đã diễn ra dưới sự chủ trì của Đề đốc De La Grandière, với sự tháp tùng của nhiều sĩ quan và viên chức cao cấp của Pháp.

Người làm phép cho công trình là Giám mục Miche với một diễn từ gây xúc động cho cử tọa. Với sự phụ giúp của kiến trúc sư Hermitte, Thống đốc De La Grandière làm lễ đặt viên đá đầu tiên được chôn sâu 2,6m bên dưới mặt đất, trên một tầng đất rất cứng chắc.

Đó là một viên đá hoa cương vuông vắn, mỗi cạnh 50cm, được mang từ Biên Hòa về. Trong thời gian xây dựng, Hermitte đã cho đào một hố móng sâu 3,5 mét, lấy đi 2.436 m3 đất đá và sử dụng khoảng 2 triệu viên gạch.

Năm 1870, công trình đang thực hiện theo tiến độ đã định thì cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, hoàng đế Pháp Napoléon III bị bắt làm tù binh, nước Pháp thất trận. Sự kiện này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ, do nhiều vật liệu phải được chuyển từ chính quốc sang.

Cũng vì thế mà mãi đến năm 1875, kiến trúc đồ sộ này mới hoàn chỉnh phần trang trí. Sốt ruột về sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng và hoàn thành cơ sở, ngay từ năm 1873,  Thống đốc Nam kỳ Dupré đã dọn về đây để ở và làm việc trong lúc việc trang trí còn tiếp diễn. Dinh gỗ “Thủy sư Đề đốc” còn được lưu giữ, mãi đến năm 1877 mới bị phá hủy hoàn toàn.  

kiến trúc Sài Gòn
Dinh Độc Lập sau khi được tái thiết vào thập niên 1960

Năm 1879, thời kỳ của các đô đốc Pháp kiêm nhiệm trách vụ Thống đốc Nam kỳ mà các tài liệu Pháp gọi là “Contre (Vice) Amiral, Gouverneur, Commanant en chef” và sách báo thời đó dịch ra bằng một cụm từ khá lạ lẫm là Tổng thống Nam kỳ thủy lục binh dân, đã thực sự kết thúc.

Ngày 13/5/1879, Thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers, đến ở dinh Thống đốc Nam kỳ, khởi đầu một thời kỳ mới trong sách lược  chiếm đóng và thuộc địa hóa toàn bộ vùng đất phía Nam của lãnh thổ Việt Nam.

Cũng từ đó, trong ngôn ngữ của người Việt đương thời, dinh Thống đốc, bộ máy đầu não tại Sài Gòn, còn có một cái tên phổ biến hơn là “Soái phủ Nam kỳ”.  Tuy nhiên, thời kỳ Nam kỳ là một thuộc địa riêng rẽ cũng kết thúc vào ngày 16/11/1887, khi Toàn quyền Đông Dương đầu tiên là Jean Antoine Ernest Constans được cử sang Việt Nam đảm nhiệm trọng trách điều hành công việc của ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam và xứ bảo hộ Cambodge (Campuchia).

Dinh Toàn quyền Đông Dương được xây dựng tại Hà Nội là nơi ở và làm việc chính thức của Constans, song viên chức này cũng thường xuyên thực hiện những chuyến đi trên hành trình Hà Nội-Sài Gòn, nghỉ lâu ở thành phố này, nên chính quyền thực dân đã chuyển công năng của dinh Thống đốc Nam kỳ thành dinh Toàn quyền Đông dương thứ hai. Thực dân Pháp cho xây tại đường De La Grandière  (sau là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng) một dinh thự mới làm nơi ở và làm việc cho viên Thống đốc Nam kỳ, và từ ấy người dân gọi đó là “dinh Phó Soái” (dịch từ chức vụ của  Thống đốc Nam kỳ lúc bấy giờ là “Lieutenant-Gouverneur de la Cochinchine”, phân biệt với chức danh Toàn quyền Đông Dương  là “Gouverneur général de l’Indochine”).

kiến trúc Dinh Thống Nhất
Dinh Thống Nhất ngày nay

Suốt những năm 1954-1975, dưới các chính phủ VNCH, dinh Toàn quyền Đông Dương của Pháp trở thành Dinh Độc lập, là nơi ở và làm việc của tổng thống Ngô Đình Diệm và những tổng thống tiếp sau. Ngày 27/2/1962, dinh này bị hai phi công là trung úy Phạm Phú Quốc và thiếu úy Nguyễn Văn Cử dội bom cánh trái bằng máy bay chiến đấu Skyraider, bị hư hại một phần cánh trái. Đây cũng là dịp mà kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, khôi nguyên giải La Mã, được giao trọng trách sửa chữa toàn bộ dinh theo những quan điểm mới về mỹ thuật. Dinh Thống Nhất ngày nay vẫn còn giữ gần nguyên cốt cách của kiến trúc được người kiến trúc sư tài năng họ Ngô thực hiện từ cách nay hơn 50 năm.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME