Với những tín đồ sùng mộ Hindu giáo, Bali còn có một nét đẹp thần bí hơn, nơi linh thiêng ấy đang lưu giữ một loại hình kiến trúc độc đáo của những ngôi đền, đẹp một vẻ đẹp vượt thời gian, xuyên thế kỷ.
Rộng 5.632 cây số vuông, nhưng Bali có đến hơn 20.000 ngôi đền lớn nhỏ thờ các vị thần trong Hindu giáo. Với hơn 90% dân số theo đạo Hindu đã khiến cho hòn đảo thần tiên này của Indonesia nhuốm đậm hơi thở của sử thi Mahabharata, Ramayana trên các chi tiết trang trí trong kiến trúc nhà ở, đền đài. Mỗi địa danh, mỗi ngôi làng, mỗi kiến trúc đền ở Bali là một trang sử, bất kể cũ mới, tất cả hoà quyện, tôn nhau lên, để hành trình khám phá nét đẹp Bali qua chuyện kể những ngôi đền càng thêm phần thú vị.
Thánh địa những ngôi đền
Nguồn gốc Hindu giáo, nhưng những kiến trúc đền ở Bali khác hẳn với phong cách kiến trúc đồng tôn giáo ở cái nôi xuất xứ là Ấn Độ, ngay cả với các đền Hindu giáo trong khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của thời kỳ Ấn Độ hoá như Wat Phou (Lào), Angkor (Campuchia)… đền đài Hindu giáo ở Bali mang một lối xây dựng riêng, rất khác biệt, đó là một niềm tự hào của người Bali từ hàng ngàn năm qua.
|
Ngôi đền gia đình ở khu Kuta, Bali vừa được xây dựng. |
Câu chuyện vẻ đẹp từ kiến trúc những ngôi đền ở Bali bao giờ cũng là một đề tài bất tận, Sulung – người dẫn đường cho tôi không giấu vẻ kiêu kỳ và khá chảnh của người Bali chính gốc khi trả lời câu hỏi ở Bali có bao nhiêu ngôi đền? Câu hỏi của bạn thật thú vị, bạn muốn biết con số cụ thể ư? Bali có nhiều đền lắm, nhiều đến nỗi không đếm được, mỗi cộng đồng có nhiều hơn một ngôi đền, mỗi gia đình là một ngôi đền, và ngay bản thân người Bali chúng tôi mỗi người chính là một ngôi đền. Câu trả lời thật dễ tạo khoảng cách khó tiếp xúc so với những người bạn Indonesia đầy thân thiện khác mà tôi được biết. Thế nhưng khi diện kiến các ngôi đền mà Sulung dẫn đến, tôi hiểu cái lý chảnh của người Bali cũng phải, bởi những ngôi đền đều được xây dựng ở vị trí thật đẹp, được bảo tồn kỹ lưỡng theo thời gian. Đó là một Tanah Lot phủ trọn một hòn đảo nhỏ giữa bốn bề biển xanh của Ấn Độ Dương, trong khung cảnh đầy thơ mộng chỉ cách bờ vài bước chân khi thuỷ triều xuống. Đó là một Tama Ayun – ngôi đền của những khu vườn mỹ lệ do vua Gusti Agung Anom xây dựng 1634…
Hơi thở ngàn năm
Từng ngôi đền ở Bali mang một câu chuyện riêng về yếu tố lịch sử, kiến trúc xây dựng, và điểm đặc biệt là các ngôi đền càng cổ xưa càng được người dân lưu giữ, bảo tồn đem lại cho đền một vẻ đẹp vĩnh cửu vượt cả không gian và thời gian. Câu chuyện ngôi đền Gunung Kawi ở làng Sebatu là một ví dụ.
|
Các chi tiết đậm nét Hinđu giáo ở các ngôi đền Bali. |
|
Lối vào chính ở đền Gunung Kawi. |
Làng Sebatu gắn liền với lịch sử phát triển của hòn đảo, nó được đặt tên dựa theo câu chuyện của vị vua tàn bạo Mayadenawa xưa kia cai quản hòn đảo này. Sulung cho biết nghĩa của Sebatu bắt nguồn từ chữ “batu” có nghĩa là đá, Sebatu có nghĩa là trượt trên đá. Lịch sử kể lại rằng, vua Mayadenawa là một người vô thần, ông rất ngạo mạn và có nhiều phép thần thông biến hoá, thay hình đổi dạng. Ông không cho người Bali lập đền thờ các vị thần, đồng thời ông tiến hành phá huỷ các ngôi đền trên đảo Bali. Người Bali rơi vào tuyệt vọng. Một vị đạo sĩ đau lòng khi thấy sự tình, ông thiền định tìm lối thoát cho người dân Bali, và được các vị thần nhận lời, cử thần Indra dẫn đạo quân thiên đình giao đấu với Mayadenawa. Cuộc chiến diễn ra dữ dội, đạo quân Mayadenawa thua cuộc và bỏ chạy, khi đi qua ngôi làng Sebatu ngày nay, người làng hoảng loạn chạy và trượt ngã trên đá, thần Vishnu ban nguồn nước thánh cho dân làng chữa thương để bảo tồn mạng sống. Người làng biết ơn, lập nên đền thờ Gunung Kawi để tạ ơn thần Vishnu, và xây nên công trình giữ lại nguồn nước thánh để thờ phượng và sử dụng thường ngày.
|
Mái đền lợp từ lá cọ, một vật liệu xây đền truyền thống của người Bali. |
Đã hơn mười thế kỷ tồn tại, đền Gunung Kawi được mệnh danh là ngôi đền cổ xưa và thanh bình nhất ở Bali. Để vào đền, tôi được trao mặc chiếc sarong truyền thống cho nam giới như một cách bày tỏ sự tôn trọng khi thăm viếng ngôi đền. Chỉ bước qua mấy nấc thang xuống phần sân chính, cả một thế giới thanh tịnh mở ra, hồ nước trong veo, với các vòi nước dành cho dân làng đến tắm rửa, được phân chia thành hai khu nam nữ riêng biệt. Phần đền chính với các tháp hình chóp thờ ba vị thần cao cả trong Hindu giáo là Vishnu, Brahma, và Shiva, các chóp đền được đan từ lá cọ, đen tuyền, một hình ảnh đặc trưng của đền thiêng ở Bali. Khắp ngôi đền, rong rêu phủ kín trên đá, trên gạch, trên lối đi, trên các tượng thờ, các đạo sĩ trong Hindu giáo… Kiến trúc cổ xưa theo rong rêu, trầm mặc, đem lại một sự thanh tịnh và cảm xúc khác biệt hẳn với những đền đài Hindu giáo khác mà tôi từng được diện kiến. Đi trong không gian kiến trúc của Gunung Kawi, tôi như được hoà mình với thiên nhiên trong lành của cỏ hoa, của nguồn nước mà từ ngàn năm qua người Bali luôn tin đó là nguồn nước thánh.
Nét hoà quyện cũ – mới
Kiến trúc đền thờ ở Bali không nặng về tính phô trương và sự đồ sộ, không khiến cho người ta choáng ngợp như những hình thái kiến trúc đền đài Hindu giáo ở Ấn Độ hay Campuchia mà tôi có dịp trải nghiệm. Các ngôi đền ở Bali đơn giản, thanh thoát với tổng thể, và tập trung nhấn vào các chi tiết nhỏ trong trang trí là chủ yếu. Trở lại Denpasar, thủ phủ của Bali, tôi lại có dịp tìm hiểu hình thái kiến trúc của một đền thờ đang được xây dựng ngay khu dân cư bên bãi biển sầm uất Kuta.
Ngôi đền tôi tiếp cận là đền của gia đình, do vậy quy mô và diện tích nhỏ hơn so với các ngôi đền công cộng như Gunung Kawi. Dù xây dựng ở thời hiện đại, nhưng những lối kiến trúc cơ bản như cổng đền, các chi tiết đục chạm đều giữ nguyên tính truyền thống, với cổng hình tháp đối xứng, các nét trang trí thể hiện tích truyện từ sử thi Ramayana và Mahabharata, đi cùng là các vị thần và linh vật của Hindu giáo như khỉ Hanuman, ngỗng thần Hamsa, bò thần Nandin, chim thần Garuda, phù điêu Kala, thần gió Rehu… thể hiện trên nền gạch nung tinh xảo đến bất ngờ. Các toà tháp với chóp mái bale đan từ lá cọ đen vẫn không hề thay đổi.
Sự hưng vượng của từng gia đình, dòng họ tạo nên những ngôi đền lộng lẫy tương xứng và sẽ được bảo tồn, gìn giữ trường tồn theo thời gian. Nhiều đời sau nữa, chắc hẳn người Bali sẽ còn tiếp tục tự hào với lối kiến trúc xây đền, giữ đền, trong niềm tin vào đấng tối cao mà họ sùng bái. Và chính niềm tin ấy giữ lại một vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn và thú vị từ những câu chuyện của các ngôi đền trên thiên đường du lịch Bali.
|
Nguồn nước dồi dào bên các khối kiến trúc rêu phong ngàn năm tuổi ở đền Gunung Kawi. |
(Theo SGTT)
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet