Kiến nghị thành lập doanh nghiệp mới được kinh doanh BĐS
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị tất cả các trường hợp hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đều phải thành lập doanh nghiệp.
Các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật này.
Sau đây là báo cáo, tiếp thu, giải trình của Cơ quan chủ trì soạn thảo về điều kiện đối với các loại BĐS được đưa vào kinh doanh (Điều 9) và điều kiện của cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh BĐS (Điều 10).
Đối với đề nghị làm rõ nhà ở, công trình xây dựng đã qua sử dụng thì việc kiểu soát chất lượng sẽ được thực hiện ra sao, ai là chủ thể kiểm soát, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo, việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng do các bên tự thỏa thuận căn cứ vào chất lượng thực tế, nếu các bên có nhu cầu kiểm soát, đánh giá chất lượng của nhà ở, công trình xây dựng trong các giao dịch thì tiến hành theo pháp luật về xây dựng tại thời điểm đó.
Nhiều đại biểu kiến nghị phải thành lập doanh nghiệp mới được kinh doanh BĐS (Ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Đối với đề nghị tại thời điểm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng, Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá như sau: Dự án Luật quy định các chủ đầu tư chỉ được bán, cho thuê mua, cho thuê nhà, công trình xây dựng khi đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án để đảm bảo quyền, lợi ích của khách hàng khi mua, thuê mua, thuê nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Đặc biệt, đối với nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở thì phải có thêm điều kiện đã hoàn thành xong phần móng của công trình đó.
Về đề nghị không nhất thiết chủ đầu tư kinh doanh nhà trong dự án phải có đăng ký quyền sở hữu nhà trong Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu và quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 9 của dự án Luật Kinh doanh BĐS.
Đối với điều kiện của cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh BĐS, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự án Luật về mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị mức vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng và một số ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng thời kỳ cụ thể.
Về vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có kết luận như sau: So với mặt bằng vốn chung của các doanh nghiệp đang hoạt động, việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng là cao quá. Vì vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin đề nghị giữ quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng thời kỳ và loại hình kinh doanh BĐS.
Đặc biệt, có ý kiến kiến nghị tất cả các trường hợp hoạt động kinh doanh BĐS đều phải thành lập doanh nghiệp. Về đề nghị này, Cơ quan soạn thảo cho biết, thực tế có rất nhiều trường hợp là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức chuyển nhượng, mua bán, cho thuê BĐS với mục đích sinh lợi nhưng không thường xuyên, quy mô nhỏ, các trường hợp này khi có giao dịch BĐS đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Vì thế, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin giữ như quy định của dự án Luật Kinh doanh BĐS.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet