Kiến nghị "phá băng" cho hơn 100 dự án bất động sản tại Tp.HCM
Mới đây, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã gửi UBND Tp.HCM một văn bản bày tỏ những lo ngại về thị trường bất động sản hiện nay. Hiệp hội mong muốn TP sẽ đẩy nhanh việc giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp và thị trường.
Diễn biến thị trường bất động sản trong 3 tháng đầu năm 2019 càng khiến HoREA và các doanh nghiệp địa ốc lo ngại vì nhiều dự án bị ách tắc, hoặc không được xem xét, giải quyết kịp thời.
Theo HoREA, điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm mạnh về nguồn cung dự án và sản phẩm mới. Xét trên quan hệ cung cầu, hệ lụy là giá bất động sản dễ bị đẩy lên cao, khiến số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị khó tiếp cận hơn với cơ hội sở hữu nhà ở. Mặt khác, tình trạng này cũng tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở; làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản. Phía các doanh nghiệp thì bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.
Khách hàng xem mô hình một dự án bất động sản hiện vẫn đang bị vướng vì thủ tục pháp lý.
Một hệ quả khác là môi trường kinh doanh sẽ bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp vì có nhiều dự án phải xem xét xử lý lại (hồi tố).
HoREA cho rằng, nguyên nhân khách quan của tình trạng trì trệ trên là do hệ thống pháp luật chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính liên quan vẫn còn rườm rà, phức tạp, chồng chéo, làm nảy sinh cơ chế "xin - cho", tiêu cực. Nguyên nhân chủ quan là sự hạn chế, kém hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, không chỉ thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết mà còn có biểu hiện nhũng nhiễu, hành doanh nghiệp.
Từ những nhận định trên, HoREA kiến nghị UBND Tp.HCM và Thanh tra Chính phủ cần khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối cho hơn 100 dự án đang trong trạng thái "đóng băng" do phải chờ rà soát, thanh tra. Hiệp hội cũng lưu ý quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng khiến doanh nghiệp bất lợi vì phải chịu chi phí vốn, lãi vay ngân hàng và mất cơ hội kinh doanh.
Người dân tại Tp.HCM có nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư rất lớn nhưng thị trường lại đang
thiếu nguồn cung do nhiều dự án "đóng băng" vì vướng thủ tục pháp lý. Ảnh: Trần Mạnh
Do số lượng dự án mới giảm nên thị trường cũng có rất ít sản phẩm nhà ở được chào bán, gây bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.
HoREA dẫn số liệu cho biết, "nguồn thu ngân sách thành phố đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%. Đáng chú ý, trong hai tháng đầu năm nay, tỷ lệ giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong hai tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố lên đến 10.110 tỉ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỉ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỉ đồng.
Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm mạnh do các chủ đầu tư thiếu nguồn dự án mới."
Hiệp hội kiến nghị, tại các dự án đang "đóng băng" chờ giải quyết, không nên để người mua nhà đã giao kết hợp đồng mua nhà, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án. Đồng thời, người mua nhà cũng cần được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet