Khu vực Bắc sông Hồng: Quy hoạch một đằng, xây dựng một nẻo
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng nhận định, giữa quy hoạch và thực tế có sự chênh lệch có thể là do sự thao túng của các nhóm lợi ích.
Theo định hướng quy hoạch chung đến năm 2030, khu vực Bắc sông Hồng gồm 4 khu đô thị: Long Biên - Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh - Đông Anh và Đông Anh - Yên Viên. Khu vực này có dân số khoảng 1,7 triệu người. Tại hội thảo "Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc - quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng" tổ chức ngày 27/12, nhiều chuyên gia đã đề cập đến việc quy hoạch này.
Khu vực Bắc sông Hồng bước đầu đã được kiểm soát bằng quy hoạch với một số dự án đang triển khai, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm đánh giá. Ông Liêm đưa ra dẫn chứng về những dự án lớn được đầu tư bởi các tập đoàn lớn tại khu vực này, trong đó có không ít dự án dựa vào vốn FDI.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc quyết định sẽ phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, đồng thời lưu ý vấn đề quy hoạch một đằng nhưng xây dựng một nẻo.
"Sự chênh lệch giữa quy hoạch và thực tế phát triển bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như quy hoạch không sát với nhu cầu hoặc các biến động bất ngờ của thị trường, khủng hoảng tài chính cũng như với biến đổi khí hậu", ông dẫn chứng và cho biết thêm công tác quản lý nhà nước còn yếu kém và sự thao túng của các nhóm lợi ích cũng gây ra tình trạng này.
Chuyên gia đánh giá việc phát triển đô thị hai bên sông Hồng hiện nay còn lộn xộn |
Khu vực hai bên sông Hồng hiện nay phát triển đô thị thiếu kiểm soát, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định. Ông cũng cho rằng, các đô thị mọc lên rất lộn xộn, không đáp ứng vai trò trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, dân cư nằm trong hành lang thoát lũ không an toàn.
Vì vậy, theo ông, không thể để một tuyến dân cư đô thị phát triển như tự phát tồn tại trong thủ đô. Không gian, sử dụng đất,... trong dự án quy hoạch hai bên sông Hồng phải được điều chỉnh. Khu vực Tứ Liên nối khu vực Cổ Loa với không gian Hồ Tây phải giảm thiểu mật độ và tầng cao xây dựng để hạn chế dân số, hình thành các công viên đô thị, tăng cường công trình văn hóa, không gian xanh... Các khu vực khác sẽ ưu tiên quỹ đất tái định cư tại chỗ, xây tổ hợp nhà ở đô thị và công trình công cộng.
Theo quy hoạch, Đông Anh được định hướng phát triển thành đô thị hiện đại kiểu mẫu ở khu vực phía Bắc sông Hồng. Riêng huyện Đông Anh hiện đã có hơn 90 đồ án, dự án được chấp thuận chủ trương, đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Kiến trúc sư Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, tại khu vực này, việc phát triển đô thị vẫn diễn ra tương đối chậm. Bên cạnh việc đã hoàn thành một số tuyến giao thông chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, giao thông theo định hướng quy hoạch chung chưa được xây dựng. Đa phần các dự án lớn đều chưa được triển khai mà vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Ngoài việc đề xuất phát triển các công trình theo đúng quy hoạch, ông Tùng còn gợi ý khai thác sân bay quốc tế Nội Bài và hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh, các tuyến giao thông đối ngoại…
Trong khi đó, theo ông Phạm Sỹ Liêm, vì là nơi giao thoa giữa nông thôn và đô thị nên việc kiểm soát đô thị hóa ngoại vi có rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, để tránh những hậu quả gây ra bởi tình trạng đô thị hóa tự phát, đây là một việc cần làm.
Ông Liêm nói: "Khu đô thị mới cửa ngõ Bắc sông Hồng sẽ góp phần tạo nên bộ mặt hiện đại của Thủ đô Hà Nội trong thế kỷ 21, vì vậy quá trình đô thị hóa phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu, và hàng năm cần được tổng kết đánh giá. Đây là trách nhiệm không dễ dàng của chính quyền thủ đô".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet