Không tính toán kỹ, chúng tôi bỏ phí hệ tủ tường trị giá cả trăm triệu
Vì có nhiều đồ đạc nên khi đóng đồ nội thất cho căn chung cư ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), anh Lê Nam quyết định làm những hệ tủ lớn, kín nhiều mảng tường. Chỉ sau một năm, anh đã thấy quyết định của mình là sai lầm.
Trước đây, hai vợ chồng tôi cùng ông bà nội và hai con nhỏ sống trong một ngôi nhà ống ở quận Hai Bà Trưng. Năm 2016, để hai vợ chồng tiện đi làm, cả gia đình chuyển về một chung cư ở quận Nam Từ Liêm.
Khi sửa căn hộ rộng 135m2, chúng tôi quyết định sẽ làm nội thất mới và để lại bàn ghế, giường tủ ở nhà cũ. Chúng tôi vẫn phải thuê một chuyến ô tô tải để chuyển những đồ dùng thiết yếu của ông bà và tranh ảnh, 4 chiếc tivi, tủ lạnh, thiết bị nhà bếp...
Sau gần 20 năm sống ở nhà cũ (tổng diện tích sàn gần 200m2), lượng đồ dùng ngày càng tăng lên nhanh chóng. Lượng quần áo, giày dép, túi xách... của vợ và hai cô con gái đã chiếm hơn một chiếc tủ lớn.
Vợ tôi còn thích thay đổi đồ dùng nên mỗi phòng ngủ đều có vài bộ chăn ga gối. Còn tôi lại có hàng trăm cuốn sách.
Gia chủ cần cân nhắc kỹ trước khi đóng hệ tủ kệ lớn. Ảnh: Domus Design
Vì mọi người đều có rất nhiều đồ nên tôi đề nghị kiến trúc sư thiết kế nhiều tủ kệ. Tôi đầu tư nội thất gỗ sồi thật chắc chắn vì xác định sẽ ở chung cư này ít nhất chục năm.
Vì vậy, ở phòng khách, các phòng ngủ đều có hệ tủ sát tường cao từ sàn đến trần, chi phí hơn 100 triệu. Chuyển về căn nhà này, đồ đạc của mỗi người nhiều là thế bỗng chốc biến mất sau các cánh cửa tủ. Ngôi nhà vì thế gọn gàng hơn rất nhiều nhà cũ.
Nhưng niềm vui ấy đã nhanh chóng biến mất. Ban đầu, mọi người tự sắp xếp đồ đạc theo ý mình. Các hệ tủ có rất nhiều khoang với nhiều cánh cửa nên đồ đạc bị lẫn lộn. Bố mẹ tôi nhiều khi phải mở 5-6 cánh cửa tủ mới tìm được đồ nên ông bà dồn vào khoang lớn nhất để dễ tìm.
Còn hai bé con nhà tôi cũng thường để lẫn mọi thứ. Chúng tôi rèn cho cháu tự gấp, xếp quần áo và đồ chơi vào đúng vị trí nhưng nhiều khi tiện tay hay mải chơi, các cháu lại để lung tung.
Vài tháng sau, vợ tôi phải dành cả buổi chiều để dán nhãn tất cả các ngăn để mọi người dễ tìm đồ. Giấy dán lổn nhổn khiến tôi thấy chán ngán vô cùng. Mặc dù vậy, mọi người vẫn thường dồn đồ tại một số khu vực vì ngại mở nhiều cửa.
Thêm vào đó, việc chia ngăn không phù hợp với đồ đạc khiến tủ to nhưng vẫn bất tiện. Vợ tôi cần treo nhiều váy áo nhưng khoang lớn lại ít nên cô ấy phải xếp đồ sát nhau, rất khó khăn khi lấy đồ.
Tôi thấy tiếc vì bỏ ra số tiền lớn làm tủ nhưng lại bỏ trống nhiều ngăn, khiến căn hộ cũng mất đi một phần diện tích sử dụng. Dù có đôi lúc tôi thầm trách kiến trúc sư không tư vấn kỹ cho mình nhưng suy cho cùng, lỗi lớn nhất vẫn là ở tôi. Tôi nên tính toán kỹ hơn dựa trên nhu cầu và thói quen của mỗi thành viên trong nhà.
KTS Xuân Hoàng cho biết, ngày càng có nhiều gia đình chọn làm hệ tủ lớn kín tường vì ưu điểm chứa được nhiều đồ. Nhưng trước khi quyết định, bạn nên bàn bạc kỹ với kiến trúc sư, nói rõ thói quen, nhu cầu của từng thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc diện tích tủ với số lượng ngăn vừa đủ cho gia đình. Với tủ ở mỗi khu vực, bạn nên bàn bạc với mọi người và người thiết kế để có bản vẽ bố trí ngăn nào để đồ đạc gì. Bạn cũng nên loại bỏ những thứ không cần thiết, chỉ mua những món đồ thiết yếu. Hệ tủ tường tràn lan sẽ khiến không gian sống có cảm giác nặng nề. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet