Không thực hiện quy hoạch khuôn viên nhà thờ đá Sa Pa
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành quyết định (QĐ) phê duyệt quy hoạch chi tiết khuôn viên nhà thờ giáo xứ Sa Pa. Thế nhưng ít ai biết QĐ này lại dựa trên một tờ trình gian dối, phủ nhận toàn bộ quá trình quản lý đất đai của Nhà nước qua các thời kỳ.
Ngày 4/8/2010 Sở Xây dựng Lào Cai có tờ trình số 178/TTr-SXD “về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khuôn viên nhà thờ giáo xứ Sa Pa” do Phó Giám đốc Hà Hải Thanh ký.
Tại tờ trình này, ông Thanh khẳng định: “Trải qua quá trình phát triển khuôn viên nhà thờ bị lấn chiếm trái phép làm ảnh hưởng đến nét đẹp đậm tính chất lịch sử... Việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khuôn viên nhà thờ giáo xứ Sa Pa là cơ sở để đầu tư xây dựng nhằm trả lại cảnh quan khu vực là cần thiết”.
Quy hoạch khuôn viên nhà thờ đá Sa Pa được phê duyệt trên nền tảng của sự gian dối. |
Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 20.9.2010 UBND tỉnh Lào Cai ban hành QĐ số 2630/QĐ-UBND “về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khuôn viên nhà thờ giáo xứ Sa Pa".
Sau khi quy hoạch được công bố, 6 hộ dân trú tại tổ 7c phố Phạm Xuân Huân, thị trấn Sa Pa đang sử dụng đất bị quy hoạch của tỉnh trùm lên đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Trong đơn gửi đến Văn phòng Tư vấn pháp luật - Báo Lao Động, ông Bùi Xuân Thanh đại diện các hộ dân khẳng định: “Đất ở của chúng tôi sử dụng hợp pháp qua nhiều đời, từ năm 1950. Qua kháng chiến chống Pháp, Mỹ và biên giới phía bắc không thấy nhà thờ đòi đất. Nay tỉnh Lào Cai giúp nhà thờ đòi lại đất của chúng tôi là vi phạm pháp luật về đất đai của Đảng và Nhà nước”.
PV Báo Lao Động vào cuộc tìm hiểu vụ việc và thấy khiếu nại của các hộ dân là có cơ sở. Ngày 19/12.1946 kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ, Sa Pa cũng như nhiều nơi khác được tiêu thổ kháng chiến. Tuy nhiên với chính sách tôn trọng tôn giáo của Nhà nước, nhà thờ đá Sa Pa đã không bị phá hủy. Năm 1950, thấy nhà thờ hoang tàn, gia đình bà Trần Thị Vân đã đến sinh sống trên khu đất bên cạnh và trông coi, bảo vệ ngôi nhà thờ đá này.
Năm 1990, nhiều hộ dân sống trên khu đất cạnh nhà thờ đá được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Hộ bà Trần Thị Vân và chồng là ông Bùi Văn Bồng được cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 360m2 đất ở và đất vườn.
Ngày 1/1/1990 UBND huyện Sa Pa lại tiếp tục cấp giấy CNQSDĐ “được quyền trông coi bảo quản toàn bộ khu vực” 5.000m2 đất trong đó có nhà thờ đá cho bà Trần Thị Vân và ông Bùi Văn Bồng.
Như vậy, có cơ sở để khẳng định việc ông Hà Hải Thanh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai “trình” UBND tỉnh rằng “khuôn viên nhà thờ bị lấn chiếm trái phép” là hoàn toàn không có cơ sở, nếu không muốn nói là gian dối.
Quá bức xúc trước sự “vu khống” của một vị quan chức cấp tỉnh, các hộ dân đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh làm rõ vụ việc. Tại “biên bản đối thoại” với các hộ dân ngày 11.6.2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương chủ trì đã kết luận: “Sở Xây dựng xem xét lại việc báo cáo UBND tỉnh về các hộ dân lấn chiếm đất trái phép; nếu chưa chính xác có trách nhiệm báo cáo đính chính lại cho nhân dân biết”.
Ông Bùi Xuân Thanh khẳng định với PV Báo Lao Động: “Mặc dù tỉnh chỉ đạo vậy nhưng đến nay Sở Xây dựng không hề có văn bản nào đính chính và xin lỗi chúng tôi. Thậm chí ông Hà Hải Thanh còn tuyên bố việc báo cáo tỉnh về việc các hộ dân lấn chiếm trái phép tại tờ trình số 178 là do... tỉnh chỉ đạo”(?!).
Chính từ xuất phát điểm phủ nhận sạch trơn chính sách quản lý đất đai của Nhà nước và thực tế sử dụng đất hợp pháp của người dân, hiện nay quy hoạch khuôn viên nhà thờ đá Sa Pa đang trở thành điểm nóng khiếu nại, tố cáo...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet