Không thu hồi đất tốt trồng lúa cho mục đích khác
Bộ NN&PTNT chủ trương không thu hồi đất tốt trồng lúa cho mục đích khác.
Cánh đồng nhân lúa giống màu mỡ ở ấp 2, xã Mỹ Phú dự kiến được quy
hoạch thành nghĩa trang sinh thái. Ảnh: M.Minh.
Chủ trương giữ đất trồng lúa tốt
Tiến sĩ Trần Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, cũng rất bất ngờ khi hay tin cánh đồng lúa giống Mỹ Phú dự kiến được lấy làm nghĩa trang sinh thái. Ông hỏi: “Đất nghĩa trang dành cho người chết cũng cần nhưng tại sao không chọn nơi nào vắng vẻ, ít ô nhiễm môi trường mà cứ phải chọn vùng đất màu mỡ này?”.
Theo ông Khải, xây một nghĩa trang giữa vùng lúa sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho nông dân: Diện tích đồng lúa xung quanh nghĩa trang sẽ bị nhiễm phèn, nạn chuột đồng phá hoại hoa màu gia tăng sẽ khó tránh khỏi.
Ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Sử dụng đất (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT), cho biết luật đã phân cấp rõ việc thu hồi đất làm dự án thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết, nên nếu ở cấp dưới xử lý không xong thì mới trình lên cấp trên.
Ông Tác khẳng định quan điểm của Bộ NN&PTNT là tuyệt đối không được thu hồi những diện tích đất tốt trồng lúa để sử dụng vào mục đích khác, trừ trường hợp diện tích đó “dính” vào các dự án cấp quốc gia. Ngay từ cuối năm 2007, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chính phủ cảnh báo nếu không ngăn chặn tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách tràn lan có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT, chủ trương hạn chế chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được Bộ NN&PTNT đặt ra từ lâu nhưng chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Bộ đã kiến nghị để sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định về đất đai theo hướng khi thu hồi đất trồng lúa phải xin ý kiến của ngành nông nghiệp hoặc phải được sự đồng ý của Thủ tướng.
Tìm đất nhân giống lúa không dễ
Trong khi đó, tại xã Mỹ Phú, giá mua đất được phía chủ đầu tư nâng lên từng ngày, ban đầu chỉ 60 triệu, 65 triệu đồng/công đất (1.000 m2 - PV), đến đầu tháng 6 nâng lên 90 triệu đồng/công đất.
Thế nhưng nhiều hộ dân vẫn không đồng ý giao đất làm nghĩa trang. “Giao đất nhân lúa giống để làm chỗ chôn người chết trong khi đất xấu trong vùng còn ê hề lại không thu hồi thì người dân xót lắm!” - lão nông Đỗ Văn Hai nói. Anh Trần Văn Trạng ngậm ngùi: “Ngày xưa cha tôi đi ở đợ 15 năm mới mua được mảnh ruộng này. Cha tôi, tôi và các con tôi đã bỏ biết bao mồ hôi để cải tạo đất chua phèn thành màu mỡ như ngày nay. Nghĩ đến bao công sức của cả ba thế hệ có thể bị xóa sổ vì một cái nghĩa trang thì không cầm lòng được!”.
Giáo sư-tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã có một thời gian dài làm việc cùng nông dân trên cánh đồng xã Mỹ Phú khẳng định đất ở xã này rất tươi tốt, là nơi nhân giống lúa cho quốc gia. Nếu thu hồi cánh đồng này để làm nghĩa trang sẽ lãng phí tài nguyên quốc gia. “Những năm gần đây, sâu bệnh thường xuyên phát triển và việc nhân giống mới ngày càng được chú trọng. Tìm được vùng đất có khả năng nhân giống lúa như cánh đồng Mỹ Phú không phải dễ dàng” - ông nói.
Mặt khác, cánh đồng xã Mỹ Phú không chỉ là nơi nhân lúa giống mà còn là nơi đại diện cho mô hình tiêu biểu của nông nghiệp Việt Nam một thời. Với ý nghĩa kinh tế và văn hóa như thế, ông Xuân kiến nghị không nên chuyển mục đích sử dụng đất đối với cánh đồng lúa giống Mỹ Phú.
Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, cả nước bình quân mất tới 50.000 ha đất trồng lúa/năm. Một trong những nguyên nhân chính là do thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án. Năng suất lúa liên tục tăng, song từ năm 2003 đến năm 2007 tổng sản lượng lương thực vẫn chỉ dao động ở mức 36 triệu tấn. Bình quân đất canh tác trên đầu người ở Việt Nam rất thấp, tại khu vực Bắc bộ chỉ có 400 m2/người.
Bộ đang đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2015-2020” và thành lập ủy ban an ninh lương thực quốc gia do một phó thủ tướng đứng đầu để chỉ đạo thực hiện dự án này.
Theo Pháp Luật TP
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet