Bên cạnh một loạt những ý kiến phân tích về sự vội vàng, có phần “vẽ” cho đủ của quy hoạch thì nhiều đại biểu tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của quy hoạch.

Sơn Tây, Hà Đông lại thêm một lần đổi tên?

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) cho rằng Ban soạn thảo đã bám sát Quy hoạch Thủ đô, đồng thời đã nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản liên quan trong quá trình xây dựng Đồ án, nhưng đề nghị cần xem xét kỹ quy hoạch trong tương lai.

Tất nhiên trong Đồ án cũng đã đề cập, cũng đã phân kỳ, nhưng cần làm rõ, trong tương lai, chỗ này phải thế này, chỗ kia phải thế kia, phải xem xét chỗ nào có thể giữ nguyên, chỗ nào cần cải tạo, chỗ nào phá dỡ.

“Có như thế, vấn đề đảm bảo kinh phí, chống thất thoát, lãng phí cả tiền của và thời gian mới được đảm bảo”, đại biểu Kính nhấn mạnh.

Bên lề Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, đồ án này là khả thi. Trước lo ngại thu ngân sách của Hà Nội chỉ có 72 nghìn tỷ (tương đương với 4 tỷ USD), nhưng đồ án đòi hỏi 90 tỷ USD, ông Thảo lạc quan: Với sự phát triển kinh tế của đất nước ta, và với cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, kể cả ở trong nước và ngoài nước, thì chúng ta có thể làm được.

Theo đại biểu Kính, việc phát triển các khu đô thị mới, bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, các trục phát triển, trung tâm hành chính Quốc gia, Trung tâm hành chính sẽ chuyển về Ba Vì... trước đây, có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong Đồ án này đã thống nhất trước mắt cứ để Trung tâm hành chính Quốc gia ở Ba Đình như hiện nay và thành phố Hà Nội thì ở quanh Hồ Gươm, nhưng phải sắp xếp thế nào cho phù hợp.

Chưa kể, Ban soạn thảo còn quá thiếu sót khi mà trong Đồ án thuyết trình bằng lời thì như thế, nhưng trong sa bàn thì lại chưa điều chỉnh, vẫn để khu trung tâm hành chính Quốc gia ở Ba Vì.

Về 5 đô thị vệ tinh được đề ra trong quy hoạch, đại biểu Nguyễn Đăng Kính thắc mắc: “Các nơi khác, tỉnh thì có thành phố trong tỉnh, thế thì có thành phố trong thành phố không? Theo Đồ án, 5 đô thị vệ tinh có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng rồi, thế nhưng sau này gọi thế nào?

Khi thực hiện nghị quyết 15 của Quốc hội, chúng ta đã sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, hai thành phố Hà Đông và Sơn Tây đã được Chính phủ công nhận nay đã buộc phải chuyển thành quận, và thị xã cho phù hợp, vậy theo Đồ án, Sơn Tây sẽ lại chuyển thành đô thị vệ tinh, thì có gọi là thành phố không, có hoán đổi tên một lần nữa không?”.

Chưa kể việc quy hoạch đô thị trung tâm được nhiều đại biểu tán thành nhưng có đại biểu cũng nêu câu hỏi rằng Hà Nội hiện giờ có bằng đó quận, còn các huyện ven đô, gần với các quận nói trên thì sau này xử lý thế nào?

Có thể trong thời gian tới, các huyện này sẽ phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ hết, thế thì có chuyển các huyện này thành quận không? Trong quy hoạch có ý định có bao nhiêu quận nữa thì cần phải làm rõ.

“Đồ án chưa làm rõ vấn đề đầu tư cho nông thôn mới với những tiêu chí rõ ràng và toàn diện, trong khi đó các vấn đề như đầu tư hạ tầng cơ sở đã được chi tiết hóa”, đại biểu Nguyễn Đăng Kính nhận xét.

Đại biểu Phạm Viết Đào (Hà Nội) nhất trí với việc thông qua quy hoạch bởi nếu không có quy hoạch này thì chúng ta không biết sẽ phát triển Hà Nội đến đâu.

“Thế nhưng khái niệm “Văn hiến” trong Đồ án là không phù hợp, sẽ chẳng có ai quy hoạch được một thành phố, một thủ đô văn hiến cả”, đại biểu Đào nhấn mạnh.

Đại biểu Đào cho rằng quy hoạch không chỉ tính sát thực tế mà cần phải đánh giá cả những hệ lụy lâu dài, tính khả thi: “Chúng ta đã tính toán đến hệ lụy rối ren trong vấn đề đất đai hay không, nhân dân sẽ băn khoăn. Chưa kể, quy hoạch không thể không tính đến khả năng thực hiện.

Trong 20 – 30 năm nữa, dù kinh tế phát triển nhanh, thì liệu chúng ta đã đủ sức để xây dựng thành phố với quy mô một trung tâm và 5 thành phố vệ tình hay không”.

Quy hoạch kiểu “vẽ” ra để phủ kín diện tích...

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cũng đồng tình với việc xây dựng đô thị thì qui hoạch là điều cần thiết.

“Nhưng quy hoạch lần này của chúng ta vĩ đại quá. Vì trong vòng 1 năm mà chúng ta đã lập quy hoạch bước 1 của đô thị rộng tới 3.300 cây số vuông. Quy hoạch đến năm 2050 tức là tầm nhìn 40 năm (mặc dù có phân kỳ). Nếu tính qui hoạch từ năm 2010 chúng ta đang có 445 km2 đô thị thì đến 2030 có đến 1.300 cây số vuông… Như vậy là chỉ trong 20 năm, chúng ta đã đô thị hóa gấp 3 lần. Vậy động lực đô thị hóa là gì mà chỉ trong vòng 20 năm có đô thị lớn như vây? Đô thị không thể tự vẽ ra được. Muốn có “đô” thì phải có “thị””.
 

Các đại biểu bên mô hình quy hoạch Hà Nội.

Đại biểu Trần Du Lịch chỉ dẫn ra thực trạng vài năm gần đây, các tỉnh, thành phố xây dựng nhiều khu đô thị mới nhưng trên thực tế là một số khu đô thị xây dựng xong mà không có dân.

“Năng lực kinh tế rất quan trọng trong việc hình thành đô thị, nếu xây dựng đô thị mà không thấy được động lực phát triển thì sẽ trở thành quy hoạch treo. Đề án 5 đô thị vệ tinh bằng 5 thành phố Đà Nẵng… đây là ý kiến vẽ ra để phủ kín diện tích 3.300 km2. Có thể nói là không khả thi”, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Chưa kể, đại biểu còn phân tích, theo quy hoạch, nếu xét đô thị hóa với 40% đô thị và 60% nông thôn thì Hà Nội mang dáng dấp “tỉnh” nhiều hơn thành phố trung tâm, thủ đô. Hà Nội trong quy hoạch chưa thể hiện rõ là “vùng thủ đô” hay thành phố. Ngoài ra, trong quy hoạch 40 năm nhưng chưa thấy rõ phân kỳ 10 năm làm được gì, thấy được gì.

Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, đồ án quy hoạch lần này chưa đạt mục tiêu, bởi chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra, đơn cử như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập… Giải pháp cho các vấn đề này như thế nào, thời gian giải quyết ra sao, theo bà Loan chưa rõ. Đặc biệt, quy hoạch mới động chạm tới 30% diện tích đất, trong khi 70% còn lại vẫn giữ nguyên là làng mạc, hành lang xanh…
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, đồ án chưa đầy đủ thông tin, nhất là vấn đề hệ quả phân bố dân cư sẽ như thế nào. “Chẳng nhẽ giới trí thức, các đại gia lên Ba Vì sống, còn bà con từ Ba Vì sẽ về đây sống vì hiện nay đã có nhiều đại gia lên mua đất trên Ba Vì”, ông Đào nói.

Trục Thăng Long không thuyết phục

Về trục Thăng Long, đại biểu nhấn mạnh đến thực tế số ít thành phố trên thế giới có “trục”. Phải có yếu tố lịch sử, trục nối giữa cái gì với cái gì. Phải thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế. “Không nên thấy người ta làm thì mình cũng làm trục. Cần có triết lý phát triển. Với kỹ thuật vi tính, đồ họa như hiện nay thì muốn vẽ mấy trục cũng được…”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ngoài ra, qui hoạch không đánh giá được hiện trạng. Cùng với giá đất, giá đền bù hiện nay thì với quy hoạch đó không tiền nào làm được.

Theo quy hoạch 25% đất dành cho giao thông nhưng tiền đền bù thế nào… cũng không đánh giá rõ hiện trạng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho biết, ông không hiểu trục này là trục gì, tâm linh hay kinh tế hay “do thừa đất mà làm trục này cho khác với trục khác”.
 
Trục Thăng Long cũng là băn khoăn của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, bởi trục này rất gần trục Láng - Hòa Lạc, chỉ cách nhau có 4km. “Ý kiến cá nhân, tôi không đồng ý đặt trục Thăng Long như thế, quá tốn kém”, ông Khiêm nói.

Với trung tâm hành chính quốc gia, Phó thủ tướng phân vân vì “trụ sở Bộ Tài chính đã xây to tướng trong nội thành rồi. Các bộ khác cũng đã nhắm không gian quy hoạch riêng. Công trình Bộ Ngoại giao đang xây dựng là công trình thế kỷ có phải một chốc một lát mà dời đi được đâu”.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan lại cho rằng, có sự không bình thường ở trục Thăng Long. Theo bà Loan, trục này là sự hợp thức hóa những dự án sắp cấp phép. “Sóc Sơn, Đông Anh còn rất trống, nhưng chúng ta không đả động gì đến, còn trục Thăng Long vẽ quá đẹp, người dân đổ về đây là đúng”, nữ đại biểu này nói.
 
Theo bà Loan, khi các đại biểu đang thảo luận về quy hoạch, bên ngoài thị trường bất động sản đang rất sôi động, nhất là xung quanh trục Thăng Long. Trong khi đó, ở một thái cực khác, các khu vực như Đông Anh, Sóc Sơn lại rất… êm dịu.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn, tại sao lại có trục Thăng Long quy mô như vậy với điểm đầu là Hồ Tây, điểm cuối là Ba Vì. “Nếu chỉ làm đến núi để chơi thì không ai làm như thế. Chắc chắn nó liên quan đến ý tưởng điểm cuối là trung tâm hành chính quốc gia. Có ý gì đó mà người làm quy hoạch chưa nói ra.”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng “ở Việt Nam không có trung tâm hành chính phi chính trị”.

Còn theo phản ánh của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, dư luận bức xúc vì cả nước đang chuẩn bị 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sao lại bàn thay đổi trung tâm hành chính quốc gia. “Cá nhân tôi thì không đồng tình vì mất nhiều kinh phí, đi lại cũng không phù hợp”, đại biểu Tiếp nói.

Chỉ ra hai điểm khác của đồ án này so với quy hoạch Thủ đô trước đây chính là trục Thăng Long và trung tâm hành chính, song đại biểu Nguyễn Văn Thuận “không tán thành vì lãng phí”.

Ngay tại đoàn “chủ nhà” Hà Nội, một số ý kiến cũng tỏ ra hoài nghi về lý do làm trục Thăng Long và tính khả thi của việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì.

Có những ý kiến còn cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi đưa ra quy hoạch. Và từ nay đến năm 2010 chỉ nên tập trung cho quy hoạch chỉnh trang Hà Nội cũ – sao cho lưu giữ và phát triển rõ nét Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến việc quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa từ nhân dân, các nhà chuyên môn. Cần nhìn vào tiềm lực kinh tế.

“Nhiều vùng của đất nuốc, miền núi còn nghèo… vì vậy cần xây dựng thu đô tương ứng với mặt bằng của đất nước, dân tộc..”, đại biểu Thám nhấn mạnh.
 

Tổng hợp

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME