Không nên tăng ngưỡng mức thuế tối thiểu của Luật thuế GTGT
Chiều 28/5, thảo luận cho Dự luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại hội trường, các ĐBQH đã đề cập thẳng một số nội dung được nhiều DN quan tâm: Nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT, mức thuế suất, ngưỡng chịu thuế, chính sách giảm thuế cho người thu nhập thấp mua nhà…
Nhiều ý kiến lo ngại việc miễn, giảm thuế cho nhà ở có giá dưới 15 triệu/m2 và nhỏ hơn 70m2 sẽ không khả thi và làm phá vỡ kiến trúc nhà, hạ tầng xã hội. |
Khấu trừ thuế: Khó áp dụng với DN nhỏ, siêu nhỏ
Về mức thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế, trong báo cáo của Chính phủ đã đề nghị sửa đổi: Từ 200 triệu lên 500 triệu đồng. Lý do được đưa ra là, với mức tối thiểu từ 200 triệu đồng trở lên được hoàn thuế sẽ dẫn đến việc tháng trước lập hồ sơ xin hoàn thuế khi kiểm tra được hoàn thì đã phải kê khai nộp. Mặt khác, mức tiền thuế đầu vào tối thiểu 200 triệu đồng được quy định từ năm 2000, chỉ số giá hiện nay đã tăng nhiều. Do đó, có 500 triệu cũng chỉ tương đương 200 triệu năm 2000.
Mặc dù vậy, phát biểu đầu tiên trên hội trường, ĐB Trần Văn Huynh (Kiên Giang) phản đối ngay: Không nên tăng mức khởi điểm từ 200 triệu lên 500 triệu đồng, vì nếu không sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Ủng hộ quan điểm này, ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Cạn) cho rằng, nếu quy định mức tối thiểu là 500 triệu đồng thì nhiều DN phải có thời gian dài mới được hoàn thuế, vì vậy nên giữ như cũ (mức 200 triệu đồng).
Về hợp đồng bán, cho thuê, cho mua nhà ở được miễn giảm nếu giá mua nhà là 15 triệu/m2 và diện tích tối đa nhà chung cư là 70m2 đã có nhiều ý kiến phản đối. Lý do phản đối được ĐB Trần Văn Huynh đưa ra: “Để được hưởng quyền lợi này, dễ dẫn đến tình trạng người ta chia nhỏ căn hộ, như vậy làm phá hủy kiến trúc”. Phân tích kỹ hơn, ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Cạn) cho rằng, hệ quả không chỉ vậy mà còn phá vỡ cả quy hoạch hạ tầng xã hội.
Về việc khấu trừ thuế GTGT, ĐB Đỗ Văn Vẻ cho rằng: Các DN đều áp dụng khấu trừ thuế nhưng với các DN nhỏ, siêu nhỏ không chỉ khó áp dụng mà còn gây tốn kém và nhiều khi oan sai do họ không đủ trình độ. Do đó, ĐB Vẻ đề nghị cần có những quy định, biện pháp đơn giản hơn. Đồng thời, ông đề nghị: Cần có quy định mở với các DN nhỏ và siêu nhỏ nếu họ có khả năng vẫn áp dụng khấu trừ thuế theo quy định chung.
Không phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế
Về đối tượng không chịu thuế GTGT, theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) thì hiện có tới 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ. Nhưng nay, dự thảo chỉnh sửa 18 nhóm đối tượng, có xu hướng tăng đối tượng không chịu thuế GTGT lên. Như vậy không phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 (theo chiến lược này thì nội dung cải cách thuế GTGT là “sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%;...”- PV). Nhất trí với quan điểm này, ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Cạn) phân tích: Thuế GTGT thực chất là thuế gián thu, mà người mua phải chịu, do đó, càng nhiều đối tượng không chịu thuế GTGT thì càng khó cho DN, nên giảm tối đa đối tượng này.
Trong báo cáo của Chính phủ đánh giá về thời gian thực hiện thuế GTGT thời gian qua đã nhận xét: “Một số ít đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp chỉ nhằm mua bán hoá đơn, lợi dụng hoá đơn khống để khấu trừ, hoàn thuế làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, gây thất thu cho NSNN”. Về nội dung này, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) bổ sung thêm, cần phải cân nhắc kỹ thời hạn nộp thuế GTGT. Vì hiện nay DN lợi dụng kẽ hở thời hạn để chậm nộp thuế, khai báo không đúng để chiếm đoạt tiền Nhà nước qua hoàn thuế GTGT.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet