Không dễ phạt lỗi do "thiết kế quá mức an toàn"
"Xử phạt hành vi thiết kế quá mức an toàn với dự án có vốn nhà nước" là quy định mới được đề xuất trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong trật tự xây dựng.
Quy định trên tiếp nối chủ trương chống lãng phí trong dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại Nghị định 15/2013 về quản lý chất lượng công trình. Nhưng theo các chuyên gia, việc này rất khó thực hiện vì còn quá nhiều vướng mắc.
Nhà nước khó đảm đương nổi
“Mục đích của chủ trương này rất tốt, vì hiện nay không hiếm công trình vốn ngân sách thiết kế còn lãng phí nhằm nâng chi phí đầu tư. Nhưng khi thực hiện liệu có khả thi không?” - kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Tân, bày tỏ.
Ông Đực dẫn chứng, cách nay hai năm ông từng gửi đơn đề nghị Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng vào cuộc thẩm tra bốn dự án vốn ngân sách tại TP có dấu hiệu thiết kế lãng phí rất lớn. Kèm đó là những chứng cứ cụ thể về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa nhận được phản hồi hay kết luận nào về sự việc.
Việc kiểm soát chất lượng công trình, phát hiện có lãng phí hay không chẳng hề đơn giản.Ảnh: HTD |
Theo ông Đực, muốn xử phạt hành vi thiết kế gây lãng phí, những người thực hiện phải giỏi chuyên môn, có tâm và cả dũng khí. Bởi dự án vốn ngân sách thường lớn hoặc nhạy cảm nên việc kiểm soát chất lượng công trình, phát hiện có lãng phí hay không chẳng hề đơn giản.
“Cơ quan quản lý hành chính nhà nước sẽ khó lòng đảm đương công việc này vì năng lực, chuyên môn có giới hạn. Do đó, tốt nhất là giao cho một hội đồng khoa học gồm các chuyên gia giỏi để có kết luận. Ngoài ra, mức phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với trường hợp này là quá nhẹ và đánh đồng công trình lớn với công trình nhỏ. Theo tôi, mức phạt nên tăng lên ít nhất 10% giá trị của phần lãng phí” - ông Đực đề xuất.
Đề xuất giao tư nhân thẩm định
Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng đánh giá: Đề xuất trong dự thảo còn rất chung chung. Chẳng hạn thế nào là “quá mức an toàn”? Vượt bao nhiêu phần trăm so với hệ số an toàn thì bị xử phạt? Ông cũng cho rằng cơ quan quản lý hành chính nhà nước sẽ không đủ sức kiểm tra về mặt chuyên môn khi thiết kế dự án. Nhưng lập ra một hội đồng thì cũng không dễ thực hiện.
“Không lẽ mỗi dự án vốn ngân sách lại lập ra một hội đồng gồm các chuyên gia của rất nhiều lĩnh vực? Rồi các tỉnh, thành không có đủ chuyên gia sẽ làm như thế nào?” - ông đặt vấn đề.
Về việc này, TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng nên giao cho các đơn vị tư nhân có uy tín thẩm định trở lại thiết kế của dự án vốn ngân sách để đảm bảo tính độc lập. Đừng quá lo ngại có sự can thiệp của chủ đầu tư vào kết quả thẩm định. “Chủ đầu tư có thể tác động đến chủ trương đầu tư dự án, còn về mặt chuyên môn kỹ thuật tôi nghĩ họ không dễ can thiệp được” - ông bày tỏ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet