Khổ với Thông tư 16
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Thông tư 16/2010 hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư của Bộ Xây dựng trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện luật này cũng như Bộ Luật Dân sự.
Phiên giải trình của Bộ Xây dựng do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25/2 hết sức nóng bỏng. Hàng loạt chất vấn của các chuyên gia và người dân đang sinh sống ở Hà Nội về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành Thông tư 16, có hay không lợi ích nhóm trong việc ban hành văn bản mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đẩy thiệt thòi về cho người dân đã được nêu ra.
Tự “sáng tác” cách tính diện tích căn hộ
Trong suốt buổi giải trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam luôn khẳng định bộ này không sai khi ban hành Thông tư 16. “Chúng tôi đưa ra cách tính diện tích theo tim tường bởi có nhiều người dân kiến nghị như thế, vì nó có lợi cho họ (?!)” - ông Nam nói.
TS Lê Hồng Sơn: “Bộ Xây dựng đã tự “sáng tác” thêm cách tính diện tích căn hộ chung cư” |
Theo ông Nam, về nguyên tắc, toàn bộ chi phí xây dựng công trình nhà chung cư, cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung, đều tính vào giá bán. Nếu tính diện tích sàn theo tim tường thì đơn giá bán căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại, nếu tính theo thông thủy thì đơn giá sẽ tăng lên. “Tuy nhiên, tổng giá bán căn hộ của 2 cách tính này là không đổi. Như vậy, dù tính theo cách nào, người mua cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi” - ông Nam khẳng định.
Ngay sau đó, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, phản bác: Cách tính diện tích theo tim tường được quy định trong Thông tư 16 trái với Luật Nhà ở, Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện luật này và Bộ Luật Dân sự.
“Dù hướng dẫn 2 cách tính nhưng chủ đầu tư chỉ tính theo tim tường để có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người mua chung cư. Với căn hộ tầng thấp, chỉ riêng cột đã chiếm tới cả chục mét vuông, trong khi cùng diện tích nhưng người ở tầng cao hơn lại có diện tích sử dụng thực tế lớn hơn. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng xã hội và thiệt thòi về lâu dài cho những người mua phải căn hộ có cột, hộp kỹ thuật trong nhà” - ông Sơn nhận xét. Theo ông, việc “sáng tác” thêm cách tính diện tích căn hộ như vậy không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
Chủ đầu tư “ẵm” tiền tỉ
Ông Nguyễn Văn Chiến, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16, hàng loạt Sở Tài nguyên và Môi trường đã thắc mắc phải cấp sổ đỏ như thế nào, bởi 2 cách tính này không đồng nhất về số liệu. Bộ này đã cử Tổng cục Quản lý đất đai làm việc với Bộ Xây dựng nhưng cũng không đi tới đâu. Theo ông Chiến, nếu chỉ tính diện tích theo thông thủy thì hàng chục ngàn hộ đã được cấp sổ đỏ theo cách tính tim tường trước đây có thể đổ xô làm thủ tục điều chỉnh sổ đỏ. Việc này vừa rắc rối vừa rất tốn kém.
Đại diện các hộ dân ở khu chung cư cao cấp Keangnam (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), bà Trịnh Thúy Mai, cho biết nhiều người khi nhận nhà đã sốc vì căn hộ “ẵm” phải cột, hộp kỹ thuật. “Hợp đồng không hề ghi thông tin chủ sở hữu phải mua căn hộ có hộp kỹ thuật, cột nhà. Chúng tôi khổ sở khi mua nhà lúc Thông tư 16 ban hành. Chúng tôi đã kiện và không hiểu tòa sẽ xử thế nào” - bà bức xúc.
Bà Mai dẫn chứng trường hợp người trong khu chung cư mua phải căn hộ thiếu tới gần 35 m2, trong khi giá mua lên tới trên 3.000 USD/m2. Ngoài ra, vì hợp đồng mua bán không rõ ràng nên sau này, chủ đầu tư đã tự ý sử dụng các khoảng sân vườn để kinh doanh, cư dân giữa 2 tòa nhà chỉ được đi lại bằng một lối nhỏ.
Bà Lê Xuân Hoa, cư dân khu chung cư Keangnam, cho rằng nếu tính trung bình mỗi căn hộ bị “ăn gian” diện tích thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng thì tại khu vực Keangnam, chủ đầu tư đã dễ dàng “ẵm” 900 tỉ đồng “nhờ” Thông tư 16.
Lợi ích thuộc về ai?
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, truy vấn: “Không thể bán nhà mà lại bắt người mua phải “ôm” cột, hộp kỹ thuật suốt đời như thế. Lợi ích thuộc về ai, khi có cả triệu người đã mua phải căn hộ thiếu diện tích? Đây là vấn đề hệ trọng và tôi không hiểu trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc này thế nào?” - ông gay gắt.
Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, khẳng định Thông tư 16 không hợp pháp và bất hợp lý. “Nếu Bộ Xây dựng khẳng định mình đúng thì xin hỏi tường ngăn, tường chịu lực, cột, hộp kỹ thuật nằm trong nhà và được tính là sở hữu riêng thì người mua có quyền khoan, đục thoải mái không? Tại sao Bộ Xây dựng khẳng định Thông tư 16 không sai nhưng lại sửa, bỏ cách tính từ tim tường ?” - ông Minh đặt vấn đề.
Đưa ra một hợp đồng mua bán căn hộ nhưng không đề cập cách tính diện tích, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, hỏi: “Như vậy có vi phạm pháp luật không?”. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ngắt lời và thừa nhận: “Thế là sai rồi. Hợp đồng mua bán nào sai thì xử lý hợp đồng đó”.
Ông Nguyễn Trần Nam cho biết nhiều người nghi ngờ về lợi ích nhóm trong việc này. Tuy nhiên, từ năm 2011, Bộ Xây dựng đã phát hiện bất cập trong cách tính diện tích theo tim tường. Vì nhiều lý do và để sửa tổng thể các quy định liên quan đến nhà ở, xây dựng nên đến bây giờ, bộ mới đặt vấn đề phải hủy bỏ.
Ông Nam cũng cho biết Bộ Xây dựng sẽ sửa Thông tư 08 liên quan đến cách tính tiền quản lý chung cư theo hướng thông thủy, chứ không theo tim tường để tránh trường hợp người dân phải “ôm” cột suốt đời.
Đề nghị xử lý triệt để Thông tư 16 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định Thông tư 16 đã hướng dẫn sai thẩm quyền, ban hành thêm quy định không có trong nghị định của Chính phủ và Luật Nhà ở do Quốc hội ban hành. “Doanh nghiệp chỉ tính diện tích căn hộ theo tim tường, người dân thì mua phải căn hộ có diện tích nhỏ hơn hợp đồng. Điều này làm bùng phát các tranh chấp, kiện tụng thời gian qua và làm méo mó thị trường bất động sản. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi để bảo đảm quyền lợi của người mua nhà. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp phải có hướng xử lý và rà soát triệt để các nội dung khác của Thông tư 16. Ngoài ra, phải có biện pháp xử lý hậu quả phát sinh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân” - ông Lý nhấn mạnh. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet