Khó triển khai chương trình nhà ở xã hội tại Tp.HCM
Mặc dù đã có chương trình xây dựng nhà ở xã hội (NXH) cho người có thu nhập thấp, kết hợp với tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), nhưng dường như TP.HCM vẫn khá lúng túng khi giải quyết.
Nhà ở xã hội là nhu cầu rất lớn của một bộ phận không nhỏ những người dân có thu nhập thấp tại Tp.HCM. Hiện thành phố có hơn 80.000 hộ cần nhà ở và hơn 50.000 công nhân cần nhà thuê. Thực hiện nhu cầu cấp bách này, trước mắt, từ nay đến năm 2015, Tp.HCM lên kế hoạch đầu tư cải tạo, xây dựng hơn 21.000 nhà ở xã hội.
Trước tiên chương trình tập trung vào việc xây dựng mới nhà ở xã hội và chuyển đổi công năng nhà cho người có thu nhập cao (nhà thương mại) thành nhà ở xã hội. Nhà thương mại thuộc dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thi công hoặc thi công không phù hợp với nhu cầu thực tế; nhà thương mại thấp tầng hoặc có khả năng chuyển đổi từ căn hộ lớn thành nhiều căn hộ nhỏ; nhà thương mại chưa thu vốn góp của khách hàng… đều được phép chuyển đổi thành nhà ở xã hội.
Chung cư Tô Hiến Thành- dự án NXH tại Quận 10 |
NXH được qui định rộng trên dưới 50m2 và được bán với giá không quá 12 triệu đồng/ m2. Việc xây mới NXH theo tiêu chuẩn này hiện chỉ mới hoàn thành 200 căn hộ thuộc 2 dự án được xây dựng bằng tiền trái phiếu chính phủ (địa bàn quận 12 và quận 10). Còn lại 8 dự án xây mới khác với qui mô 11.200 nhà ở xã hội (bằng tiền ngân sách) chưa thực hiện vì chưa tập trung được vốn.
Sau khi có chủ trương từ Nhà nước, Công ty Đầu tư- xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 đã chuyển gần 2.800 căn hộ NTM thuộc 4 dự án ở các quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh thành nhà ở xã hội. Trong đó, có dự án 1.000 căn hộ trước đó được UBND Tp.HCM cho phép chuyển thành bệnh viện nhưng không thành. Công ty Tân Phát - cổ phần Việt Liên Á điều chỉnh ngay lập tức hơn 2.000 nhà thương mại thành nhà ở xã hội. Công ty Sản xuất- thương mại Lan Phương chuyển 1.000 căn hộ thuộc diện tái định cư ở quận Thủ Đức thành nhà ở xã hội. Không chậm chân hơn các đồng nghiệp, khu thương mại dân cư Hưng Điền (quận 8) cũng kịp “hoá kiếp” cho 1.060 nhà thương mại…
Các doanh nghiệp chuyển đổi thành nhà ở xã hội được hưởng nhiều quyền lợi theo chủ trương, như ưu tiên được vay vốn với lãi suất thấp, giảm thuế các loại (thu nhập, VAT…)… Ông Nguyễn Văn Đực- Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành- cho rằng, việc “xả hàng tồn kho” này của các công ty đã mang đến nhiều thuận lợi cho cả bên mua lẫn bên bán. Vấn đề quan trọng còn lại là, liệu thị trường nhà ở xã hội có phải lúc nào cũng đông vui, tấp nập người mua kẻ bán?
Điều lo lắng này của ông Nguyễn Văn Đực cũng có lý khi điều kiện người được mua nhà ở xã hội được quy định như sau: có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, diện tích ở tối thiểu 8m2/người, hoàn cảnh không nhà ở được chính quyền địa phương xác nhận, cam kết không chuyển đổi, cho thuê, mua bán nhà ở xã hội khi được sở hữu chưa quá 5 năm.
Về những điều kiện này, ông Nguyễn Phụng Thiều - TGĐ Công ty Địa ốc Sài Gòn - Gia định chia sẻ: “Ở Tp.HCM không phải người có thu nhập thấp nào cũng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Phù hợp nhu cầu thị trường nhất bây giờ có lẽ là nhà thương mại gói thấp, diện tích nhỏ. Việc mua bán tự do với giá cả vừa túi tiền mọi người sẽ góp phần cải thiện tình trạng đóng băng BĐS hiện nay”.
Tp.HCM còn tồn 5.400 nhà tái định cư bán không ai mua vì giá cao. Với các doanh nghiệp, liệu họ có hăng hái bỏ vốn xây mới nhà ở xã hội khi “nghe ngóng thời tiết” không “ngon ăn”? Quy định thu lợi nhuận không quá 10% cho gói đầu tư xây mới nhà ở xã hội quả thật eo sèo bên cạnh nguồn thu trả chậm từ khách hàng có thu nhập thấp. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng nhà ở xã hội chất lượng kém.
Chủ trương hỗ trợ người nghèo về nhà ở của Nhà nước là hợp lý hợp tình nhưng còn bao nhiêu điều phát sinh sau khi đưa vấn đề vào thực tiễn. Vận dụng, ứng phó với thực tế như thế nào để người nghèo có nhà ở, để các doanh nghiệp hăng hái đầu tư theo hướng đôi bên cùng có lợi nhằm kích cầu kinh tế là bài toán khó chưa có lời giải ở Tp.HCM .
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet