Khi đô thị vệ tinh trở thành "ốc đảo"
Hàng loạt đô thị vệ tinh được xây dựng trên địa bàn Tp.HCM với mục đích giãn dân ra ngoại thành đang biến thành “ốc đảo”. Chính sự đầu tư thiếu đồng bộ được cho là nguyên nhân khiến Tp.HCM trở nên bức bí.
Hàng loạt đô thị vệ tinh được xây trên địa bàn Tp.HCM đang biến thành "ốc đảo" |
Chỉ trong vòng hơn chục năm phát triển, khu Nam TPHCM gồm quận 4, 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và một phần Q.8, huyện Bình Chánh đã hình thành hàng loạt khu đô thị sầm uất. Chỉ cần qua cầu Kênh Tẻ (nối Q.4 với Q.7), không dưới 20 block chung cư mọc dày đặc hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ. Bên cạnh các tòa nhà chung cư là hàng chục dự án nhà phố, biệt thự đã hoặc đang được hoàn thiện.
Những "ốc đảo" đô thị
Phía bên cầu Rạch Đĩa 1 (nối Q.7 với huyện Nhà Bè) mật độ dân cư vô cùng đông đúc. Loạt cao ốc với gần 20.000 căn hộ xen lẫn các trường đại học RMIT, Cảnh sát nhân dân, Tôn Đức Thắng với hàng chục nghìn sinh viên bên cạnh hai trung tâm thương mại Vivo City và Lotte.
Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) và Phú Mỹ Hưng với quy mô dân số hơn 100.000 người ở cách đó khoảng 1km. Khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước với hàng triệu công nhân làm việc cũng ngay ở gần đó... Dù mật đô dân cư cao nhưng nhiều năm qua, đường Lê Văn Lương (nối Q.7 với huyện Nhà Bè) theo quy hoạch được mở rộng 40m vẫn "bất động". Ngoài ra, hàng loạt cầu cũ, yếu lắp ghép bằng sắt chỉ rộng 3m vẫn chưa được thay mới.
Năm năm trước, dự án xây hầm chui và cầu vượt ở đây đã được lên kế hoạch nhằm giải quyết kẹt xe tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ nhưng đến nay dự án vẫn không có gì biến chuyển. Cầu Kênh Tẻ 2 nối với quận 4 vào trung tâm dù đã lên kế hoạch từ trước đó nhiều năm nhưng đến nay vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. Quốc lộ 13 nối Q.Thủ Đức với Q.Bình Thạnh có dự án mở rộng gần 20 chục năm qua, cầu Giồng Ông Tố (Q.2) lên kế hoạch xây mới, mở rộng từ năm 2008... đều chưa thực hiện xong.
Thực tế trên cho thấy cục diện giữa giao thông và đô thị đang vênh nhau. Bởi hạ tầng đô thị phát triển rầm rộ nhưng hạ tầng giao thông chỉ phát triển trên giấy. Cư dân ở các đô thị vệ tinh như đang sống trên "ốc đảo". Hàng loạt tuyến đường cửa ngõ nối đô thị vệ tinh với trung tâm TP trở thành điểm “thắt cổ chai”.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh ở huyện Nhà Bè, để đi hết đoạn đường chỉ dài khoảng 1km từ Kênh Tẻ qua quận 4, ngày nào cũng mất hơn 30 phút. Đường Nguyễn Hữu Thọ, từ cầu Rạch Đĩa 1 đến cầu Kênh Tẻ, ngày nào cũng rơi vào tình trạng tắc đường với hàng nghìn xe gắn máy, ô tô, xe tải, container xếp hàng dài.
Hạ tầng giao thông đi sau phát triển đô thị
Theo chuyên gia giao thông, tiến sĩ Phạm Sanh, một thực tế ngược đời ở nước ta là cấp phép đầu tư nhà ở xong mới lo làm cầu, đường. Trong khi đúng ra hạ tầng giao thông phải đi trước phát triển đô thị. Hạ tầng giao thông, trong quá trình phát triển, cũng bộc lộ nhiều vấn đề. “Cầu, đường làm quá chậm và có dấu hiệu phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý. Nhiều dự án cần đầu tư cấp bách không làm, tập trung làm dự án chưa quá cần thiết. Chẳng hạn, cầu Thủ Thiêm 1 còn vắng phương tiện, chúng ta đã vội làm cầu Thủ Thiêm 2 có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ, trong khi rất nhiều cầu, đường khu Nam đang quá tải", tiến sĩ Phạm Sanh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cũng được tiến sĩ lưu ý là đầu tư phát triển kinh tế là cần thiết nhưng phải ưu tiên phục vụ nhu cầu xã hội. Đầu tư phát triển giao thông và kết nối quy hoạch hiện nay còn bộc lộ nhiều vấn đề yếu kém. Phát triển đô thị nhưng dự báo ước lượng quy mô dân số lại không tính toán các dịch vụ phát triển đi kèm. Trong khi các dịch vụ này kéo theo lượng lao động, khách hàng rất đông. Từ đó, kẹt xe ở đâu giải quyết chắp vá ở đó.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, một chuyên gia kinh tế bất động sản cho rằng một trong những nguyên nhân khiến đô thị vệ tinh quá tải là nhiều dự án chỉ lo làm nhà ở, “quên” trường học, bệnh viện, dịch vụ ngành nghề đi kèm. “Có dự án được phê duyệt đầu tư nhưng chủ đầu tư không làm, cơ quan quản lý lại không có chế tài mạnh. Cư dân ở đô thị vệ tinh nhưng công ăn việc làm, giải trí vẫn “rút” vào nội thành”, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet