Nhẹ nỗi lo tắc đường

Dường như ngày nào đi làm qua cầu Sài Gòn hiện hữu, chị Nguyễn Thị Kim Loan, một người dân của quận Thủ Đức cũng “liếc mắt” nhìn sang công trường thi công cầu Sài Gòn 2 nằm kế bên. Chị Loan tâm sự: “Tôi cũng như nhiều người dân ở đây đã quá mệt mỏi với cảnh ùn ứ giao thông thường xảy ra tại cầu Sài Gòn mỗi khi vào giờ cao điểm nên từ khi thành phố khởi động xây dựng cầu Sài Gòn 2, tôi luôn nhìn qua không khí thi công khẩn trương của công trường để nhủ mình rằng, nỗi khó chịu này sẽ không còn lâu nữa...”.

Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý công trình giao thông 2, đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM quản lý toàn bộ hoạt động giao thông ở khu vực phía Đông của Tp.HCM cũng cùng tâm sự như chị Loan. Theo ông, cầu Sài Gòn hiện hữu sau nhiều lần được duy tu, bảo dưỡng đã tốt hơn rất nhiều. Xe tải qua cầu Sài Gòn hiện hữu không còn bị giới hạn bởi tải trọng nhưng với hai làn ô tô và một làn xe 2 bánh mỗi chiều, cầu Sài Gòn hiện hữu đang quá tải so với lượng xe ước lên tới hàng chục ngàn chiếc qua đây mỗi ngày. Chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra trên cầu là gần như ngay lập tức giao thông bị ùn ứ. Chính vì vậy, mong mỏi có một cây cầu Sài Gòn mới, chia tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu luôn hiện diện trong mỗi người thường đi qua khu vực này.

Cầu Sài Gòn 2 nhìn từ phía quận Bình Thạnh.

Tất nhiên, không phải bây giờ, khi có tiếng nói của người dân, mà từ nhiều năm trước lãnh đạo Tp.HCM đã nóng lòng trước tình trạng quá tải ở cầu Sài Gòn hiện hữu. Cửa ngõ phía Đông không những giúp thành phố thông thương bằng đường bộ với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc mà còn là cửa ngõ chính giúp hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và trong tương lai là trên sông Soài Rạp của Tp.HCM thông thương hàng hóa với nhiều tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hoạt động cảng biển và các dịch vụ đi kèm, trung bình mỗi năm đóng góp đến gần 40% nguồn thu cho Tp.HCM. Chính vì thế, việc kêu gọi đầu tư xây dựng thêm một cầu Sài Gòn mới chia tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu vì thế đã được Tp.HCM nhanh chóng lên kế hoạch.

Để chia tải một cách hữu hiệu với cầu cũ và tận dụng trục đường Điện Biên Phủ - xa lộ Hà Nội đã được mở rộng, UBND Tp.HCM đã quyết định cầu Sài Gòn 2 (cầu mới) phải song song và đặt kế bên cầu cũ. Chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu nhưng tiến độ hoàn thành, giá thành hợp lý cũng quan trọng không kém khi thành phố xác định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Có ba nhà đầu tư tên tuổi đã nộp hồ sơ xin dự tuyển chọn. Thế nhưng, vượt lên trước, với năng lực tài chính mạnh, giải pháp thi công tốt, thời gian thiết kế - thi công nhanh (21 tháng) và chi phí xây dựng hợp lý, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) đã được thành phố chọn làm nhà đầu tư theo hình thức BT.

Vượt tiến độ hơn 3 tháng

Chỉ sau 1 tháng kể từ khi ký hợp đồng BT, cầu Sài Gòn 2 đã chính thức khởi công theo hình thức EC (thiết kế - xây dựng) vào ngày 14/4/2012 và khoan cây cọc đầu tiên vào ngày 22/6/2012. Như vậy, đến thời điểm này, CII đã hoàn thành công trình sớm hơn 3 tháng so với tiến độ dự thầu. Trong bối cảnh tiến độ thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm của Tp.HCM luôn chậm trễ, việc hoàn thành sớm của công trình cầu Sài Gòn 2 thực sự là một điểm sáng, đáng biểu dương.

Ông Nguyễn Thanh Khiết, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 thuộc CII, phân tích: Có 3 yếu tố chính làm nên thành quả này, thứ nhất là tài chính tốt, chủ đầu tư luôn đảm bảo giải ngân đủ và kịp thời theo tiến độ thi công, giúp các đơn vị yên tâm tập trung vào chuyên môn. Thứ hai là tuyển chọn được các đối tác mạnh, có đủ kinh nghiệm. Chủ đầu tư đã chọn nhà thầu chính là liên danh nhà thầu gồm 4 đơn vị: Công ty Tư vấn BR, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần 565. Đây là những nhà thầu đã tham gia xây dựng nhiều công trình cầu lớn như Rạch Miễu (Bến Tre) Cầu Rồng (Đà Nẵng), Cần Thơ (Cần Thơ), cầu Phú Long, cầu Rạch Chiếc (Tp.HCM). Yếu tố thứ ba là sự kỹ lưỡng, chăm chút trong từng khâu thiết kế và thi công. CII cùng với tư vấn BR đã tìm bằng được hồ sơ hoàn công cầu cũ do tập đoàn Capitol Engineering Corporation và Johnson, Dark and Pipe of Vietnam lập tháng 9/1961 để tính toán, đưa ra giải pháp thiết kế an toàn cho cầu cũ và phù hợp cho cây cầu mới.

Cầu Sài Gòn 2 nhìn từ phía quận 2

Quá trình thi công cầu mới không ảnh hưởng đến chất lượng của cây cầu cũ… là một thách thức đối với những người xây cầu. Trước khi thi công, các đơn vị đã phải dựng mô hình chi tiết, chính xác vị trí các cọc cầu cũ nằm sâu dưới đất và phải thiết lập cố định các ống vách thép sâu hơn 50m để công tác khoan không ảnh hưởng đến cầu cũ… Cầu mới chỉ cách cầu cũ 3m nhưng lại ra đời cách nhau hơn nửa thế kỷ nên việc thiết kế sao cho hai cây cầu hài hòa, tạo điểm nhấn về kiến trúc cũng là điều không đơn giản. CII, tư vấn thiết kế và các đơn vị thi công đã phải cân nhắc, thận trọng từng chi tiết để chiều cao, chiều rộng, hình dáng trụ cho tới các lan can, chiếu sáng… của hai cầu được đồng bộ với nhau và đồng bộ với cả tuyến đường một cách hoàn hảo.

Nhằm quản lý chất lượng và tiến độ, CII đã thiết lập Ban điều hành gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu “trực chiến” 24/24 giờ tại công trường để xử lý ngay các công tác hiện trường và sự cố có thể xảy ra. 100% các vật liệu, cấu kiện đều được thí nghiệm, thử tải và đều cho kết quả cao hơn so với yêu cầu thiết kế.

Cầu Sài Gòn 2 dài 987,32m, rộng 23,5m có bốn làn xe cơ giới và một làn xe 2 bánh. Tổng vốn đầu tư 1.495 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, cầu Sài Gòn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp mở nút thắt lớn nhất tại cửa ngõ phía Đông của thành phố. Tuy nhiên, để giao thông toàn khu vực thông suốt, vẫn cần tháo thêm một số nút thắt khác như: khu vực giao lộ rẽ vào các cảng cạn nằm dọc xa lộ Hà Nội, Ngã tư Bình Thái, xa lộ Hà Nội đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Về lâu dài, nếu mở thêm được nút thắt ở khu vực Ngã ba Vũng Tàu thì giao thông bằng đường bộ của toàn khu vực sẽ thông suốt hoàn toàn. Để thực hiện nhiệm vụ quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM đã lập tổ giám sát dự án, thường xuyên có mặt ở công trường để kịp thời kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME