Indonesia: Thắt chặt tiền tệ không ngăn nổi giá nhà lên cao
Kể từ năm 2005, chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất của Indonesia vốn làm chậm tăng trưởng kinh tế mà không ảnh hưởng đến nhu cầu BĐS tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã được triển khai.
Với lực lượng dân số trẻ, lạm phát cao và lợi tức BĐS tăng nhanh hơn lãi suất đang thúc đẩy doanh số bán nhà từ thủ đô Jakarta đến Manado xa xôi. Theo khảo sát của Ngân hàng trung ương Indonesia, giá nhà trong quý 3 ước tính đã tăng 14,6% so với 1 năm trước trong khi Hiệp hội BĐS Indonesia dự đoán doanh số bán nhà năm nay sẽ tăng gần 50%, lên đến 400.000 căn so với mức 260.000 căn trong năm 2012.
Ông Setyo Maharso, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Indonesia cho biết: “Indonesia là một nước đông dân, đối với chúng tôi đó là thị trường tiềm năng. Còn đối với người mua, miễn là họ có khả năng trả góp hàng tháng, doanh số bán hàng sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm.”
Tại Indonesia, người nước ngoài chỉ được thuê chứ không được mua nhà. Quốc gia này đang đối mặt với nhu cầu địa phương chứ không phải dòng vốn đẩy giá nhà lên cao như ở Singapore và Hồng Kông. Theo Ngân hàng Danamon Indonesia, giá nhà tăng liên tục, thậm chí sau khi ngân hàng trung ương áp dụng tỷ lệ vay thế chấp nghiêm ngặt hơn, có thể khiến chính phủ sẽ tăng thuế BĐS.
Ảnh minh họa. |
Ông Anton Gunawan, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Danamon cho rằng: “Luật thuế nhà cao cấp, đặc biệt đối với BĐS siêu sang, sẽ giúp kìm hãm giá nhà. Lợi nhuận từ BĐS vẫn cao do người ta vẫn kỳ vọng giá nhà còn tăng nữa.”
Ngân hàng trung ương ước tính giá nhà trong Q3 tăng nhanh nhất tại Manado, một điểm du lịch nhiều rặng san hô trên đảo Sulawesi, với mức tăng 34%. Tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai tại Indonesia, giá nhà tăng khoảng 25%, thủ đô Jakarta và các thành phố vệ tinh như Tangerang, Bekasi tăng 15%.
Nhu cầu BĐS đang được thúc đẩy chủ yếu bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng về số lượng cũng như của cải. Nhóm tiêu dùng trung lưu mới nổi và nằm trong khoảng từ trung lưu đến giàu có đến năm 2020 có thể đạt 184,5 triệu người so với mức 115,8 triệu người năm 2012, theo báo cáo tháng 3 của Tập đoàn Tư vấn Boston.
Ngân hàng Indonesia đã cố gắng ngăn chặn nguy cơ bong bóng BĐS. Từ 30/9, ngân hàng trung ương đã cắt giảm tỷ lệ tối đa cho vay theo giá trị đối với nhà mua lần hai là 60%, nhà thứ ba và tiếp theo chỉ còn 50%, con số trước đây đều là 70% giá trị. Cơ quan này bắt buộc bên cho vay yêu cầu các khoản trả góp tối thiểu cho nợ mua nhà và xe ôtô từ tháng 6/2012.
Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), nhu cầu tăng cao đối với việc mua nhà thành phố trong môi trường lãi suất tương đối thấp có nghĩa là thị trường căn hộ sẽ có tăng trưởng tích cực. JLL cho biết doanh số sẽ còn tăng cao, gắn liền với các dự án khách sạn quốc tế hạng sang do ngày càng nhiều người nhận ra rằng BĐS dân cư là kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao khi cho thuê.
Theo kịp xu hướng, Keppel Land đã triển khai dự án chung cư tại Bắc Jakarta với bể bơi và sân tennis mà 99% các căn hộ đã được bán hết trong tháng trước.
NT (Lược dịch)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet