Những đánh giá này là của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) gửi lên các cơ quan trung ương vào cuối tháng 10/2015 về việc đảm bảo tính khả thi khi triển khai quy định bảo lãnh trong bán và cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để bảo vệ người mua nhà.

HoREA cho rằng, những quy định hiện hành về vấn đề này đang “đá” nhau, làm cho doanh nghiệp BĐS không biết làm hướng nào cho đúng.

Chẳng hạn, theo khoản 2 điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 thì chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua hoặc bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua hoặc thuê mua.

Nhưng theo khoản 1b điều 12 Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng thì sau khi chủ đầu tư đã ký hợp đồng với khách hàng, ngân hàng thương mại mới thực hiện thủ tục bảo lãnh ngân hàng.

Vì vậy, Hiệp hội này đề nghị cần làm rõ nội dung trên tại Thông tư 07/2015/TT-NHNN để đảm bảo sự phù hợp với khoản 1 và khoản 2 điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Cụ thể, cần quy định rõ việc thực hiện bảo lãnh ngân hàng phải được chủ đầu tư hoàn thành trước khi ký hợp đồng bán hoặc cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai với khách hàng thay vì sau khi hợp đồng đã được ký.

bảo lãnh bất động sản

 Quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai
vẫn chưa phát huy hiệu lực - Ảnh minh họa: Mạnh Tùng

Theo HoREA, hiện nay, đa số các ngân hàng thương mại khi thực hiện bảo lãnh đều yêu cầu bên được bảo lãnh (chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai) phải ký quỹ bằng tiền mặt tương đương với giá trị bảo lãnh hoặc phải có tài sản bảo đảm có giá trị tương đương 1,3-1,4 lần giá trị được bảo lãnh.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định này không khả thi vì các dự án BĐS hầu hết đều có giá trị rất lớn, song nguồn vốn tự có của một số ngân hàng thương mại không lớn và không đủ để bảo lãnh cho nhiều dự án BĐS.

Ngoài ra, có nhiều chủ đầu tư dự án BĐS không sẵn có nguồn tiền mặt để thực hiện ký quỹ, trong khi phần lớn các tài sản của chủ đầu tư cũng đã được thế chấp, vì vậy cũng không còn đủ tài sản bảo đảm để thực hiện bảo lãnh ngân hàng.

Do đó, Hiệp hội đề nghị cần có cơ chế phù hợp để triển khai thực hiện bảo lãnh ngân hàng khi bán hoặc cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai có tính đến đặc thù vận hành của thị trường BĐS để thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chính vì những bất cập trên nên hiện số dự án BĐS hình thành trong tương lai được bảo lãnh rất ít.

Trong thời gian qua, cũng có nhiều chủ đầu tư và ngân hàng công bố ký kết bảo lãnh cho các dự án. Nhưng qua tìm hiểu được biết, thực chất là các ngân hàng này cấp tín dụng cho chủ đầu tư làm dự án nên đồng thời ký kết thêm bản "ghi nhớ" bảo lãnh dự án mang tính hình thức.

Thực tế, việc ký kết hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai hiện nay giữa chủ đầu tư và khách hàng diễn ra tại các dự án chưa có chứng thư bảo lãnh.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME