Hòa giải: "Vật cản" trong xử lý tranh chấp đất đai | ảnh 1
Trong nhiều trường hợp kết quả hòa giải mà đương sự chờ đợi lại chính là một biên bản hòa giải không thành.

Hòa giải trở thành... chướng ngại vật

Một vụ kiện dân sự về tranh chấp đất đai vốn đã “ngốn” rất nhiều thời gian của người dân, thời gian gần đây lại càng phải kéo dài do có thêm nhiều thủ tục. Có những vụ kiện mà từ lúc khởi kiện cho đến khi có bản án sau cùng, thế hệ sau phải “thừa kế” thế hệ trước để đi kiện. Một trong những thủ tục khiến cho các vụ tranh chấp đất đai bị kéo dài chính là thủ tục hòa giải tại xã, phường.

Tất cả các tranh chấp có chữ “đất” hay liên quan đến đất đều bị các Tòa án yêu cầu phải về phường, xã nơi có thửa đất để thực hiện việc hòa giải trước, bất luận đó là tranh chấp về quản lý, sử dụng đất hay là tranh chấp hợp đồng liên quan đến đất.
Luật sư Lê Văn Đài, VPLS Khánh Hưng:

Quy định hiện nay còn tiền hậu bất nhất về hòa giải

Điều 135 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Nhà nước khuyến khích việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải. Nếu không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã. Quy định như vậy là hợp lý nhưng tại khoản 1 Điều 136 lại quy định, nếu tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được chuyển sang tòa hoặc UBND cấp huyện. Quy định này được thực hiện theo hướng, phải có hòa giải tại cấp xã rồi mới được “chuyển” hồ sơ đi cơ quan khác, khiến cho việc hòa giải trở thành bắt buộc. Quy định tại Điều 135 và 136 trở nên mâu thuẫn khiến người dân phải chạy theo việc làm mang tính hình thức suốt 8 năm qua.

Như Pháp luật Việt Nam phản ánh trong bài báo “Hòa giải tranh chấp đất đai: Vừa hình thức, vừa hành dân” đăng ngày 13/10/2010 thì thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai đang là “nỗi ám ảnh” của hầu hết những người đi kiện, là một “chướng ngại vật” phải vượt qua trên con đường đến với cổng Tòa án.

Nói như vậy vì đây là thủ tục mà Tòa bắt buộc đương sự phải tuân theo và việc hòa giải tranh chấp chỉ là việc làm cho đủ thủ tục chứ không bao giờ mang lại kết quả là “hòa giải thành”.

Có thể viện dẫn một trong số hàng nghìn vụ việc mà người khởi kiện phải khốn khổ vì thủ tục hòa giải là vụ việc tranh chấp giữa chị  Nguyễn Thị Hồng Linh và bà Võ Thị Thu Hà có phát sinh tranh chấp căn nhà và đất tại lô số 12, khu tái định cư cảng cá Ba Hòn, huyện Kiên Lương, Kiên Giang.

Vụ kiện yêu cầu hủy hợp đồng vô hiệu liên quan đến quyền sử dụng đất, Tòa án không thấy có biên bản hòa giải nên đã trả lại đơn và hướng dẫn chị Linh yêu cầu UBND thị trấn Kiên Lương hòa giải. Vụ việc trở nên rắc rối và mất thời gian của đương sự khiến đương sự phải đi khiếu nại hành vi hành chính của cấp xã liên quan đến việc… hòa giải.

Vụ kiện yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội giữa ông Nguyễn Văn Hiếu (người mua) và vợ chồng ông Ngô Văn Xuân và bà Trần Thị Tơ cũng không nằm ngoài những rắc rối này khi ông Nguyễn Văn Hiếu phải năm lần bảy lượt đi lại và mất hơn 2 tháng trời thì UBND xã Phù Lỗ mới làm xong thủ tục hòa giải. Kết cục cũng chỉ là một biên bản hòa giải không thành để đương sự đủ điều kiện được tòa án thụ lý đơn kiện.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc hòa giải tranh chấp đất đai rất ít đem lại hiệu quả vì trước khi đương sự có ý định khởi kiện, việc hòa giải giữa hai bên đã được thực hiện rất nhiều lần.

Không có sự khác biệt nào giữa việc đương sự tự hòa giải với hòa giải tại xã phường ngoài biên bản có chữ ký của đại diện UBND xã và các thành viên của Mặt trận tổ quốc cấp xã. Kết quả chung vẫn là không giải quyết được tranh chấp. Thậm chí, ngay cả khi hòa giải thành thì kết quả hòa giải cũng không có giá trị để điều chỉnh hồ sơ địa chính. Vì thế, có trường hợp đương sự hòa giải thành rồi vẫn phải đưa nhau ra tòa.

Với việc quy định bắt buộc phải qua hòa giải tại xã, địa phương xong mới được khởi kiện nhưng kết quả hòa giải mà đương sự chờ đợi lại chính là một biên bản hòa giải không thành để làm thủ tục khởi kiện, việc hòa giải tranh chấp đất đai đã thực sự trở thành “chướng ngại vật” phải vượt qua đối với các đương sự có tranh chấp liên quan đến đất.   

Sửa luật để chữa “bệnh hình thức”

Hầu hết các luật sư được hỏi về vấn đề hòa giải tranh chấp đất đai đều có cùng một cảm xúc là.. bất bình. Trước khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003, việc khởi kiện tranh chấp đất đai đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều, luật sư và đương sự không phải khổ cực trong việc đưa được “bị đơn” đến xã để hòa giải. Ngày nay, nếu những tranh chấp đất đai mà bị đơn phản đối, bất hợp tác trong hòa giải thì chỉ khâu hòa giải cũng có thể làm nản lòng những người muốn kiện.

Không chỉ các luật sư, một cán bộ ngành tòa án cũng khẳng định, hiện nay pháp luật về tố tụng dân sự không có quy định nào bắt buộc phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện. Quy định về việc hòa giải chỉ nằm trong Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003.

Thế nhưng, nhiều tòa án đã thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai mà không qua hòa giải cũng đã bị hủy án vì vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, Tòa án đã buộc đương sự phải trình biên bản hòa giải trong hồ sơ khởi kiện cho chắc chắn. Hậu quả là người dân phải đi thêm một cửa nữa để giải quyết thủ tục “tiền tố tụng” trước khi gõ cửa Tòa và điều chắc chắn xảy ra là người dân mất thêm nhiều thời gian, chi phí giải quyết việc chỉ mang tính thủ tục.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, một trong những nội dung của Luật Đất đai năm 2003 cần phải sửa đổi chính là quy định về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai. Cũng giống như bất cứ tranh chấp nào, hòa giải là việc khuyến khích công dân làm chứ không nên là việc bắt buộc công dân làm. Hòa giải vốn dĩ là sự tự nguyện và mong muốn của người dân.

Nếu bắt người dân phải hòa giải thì việc hòa giải đó trở thành hình thức. Nếu quy định của pháp luật chỉ mang tính hình thức thì quy định đó cần phải sửa đổi vì không những không mang lại lợi ích cho người dân mà trở thành nỗi khổ đối với người trong cuộc.

"Hòa giải vốn dĩ là tự nguyện"

Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt trao đổi rõ hơn các quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến việc hòa giải tranh chấp đất đai:
Hòa giải: "Vật cản" trong xử lý tranh chấp đất đai | ảnh 2
Luật sư Trần Việt Hùng

Thưa Luật sư, có nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết các vụ kiện tranh chấp đất đai hiện nay bị kéo dài vì thủ tục hòa giải, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Thực tế người khởi kiện tranh chấp đất đai đang phải bỏ ra từ 1 đến 3 tháng cho thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã. Tức là sau khi tranh chấp phát sinh mà các bên đã thương lượng, hòa giải nhưng không được, quyết định đưa ra tòa án giải quyết thì đương sự buộc phải làm đơn đề nghị UBND cấp xã thực hiện việc hòa giải. Từ lúc UBND cấp xã nhận được đơn cho đến khi thực hiện việc hòa giải xong thì nhanh cũng mất một tháng không thì sẽ lâu hơn, phụ thuộc vào nhận thức của cán bộ xã cũng như việc họ có “bận” hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai quy định việc hòa giải tại UBND cấp là bắt buộc nếu không sẽ không được tòa án thụ lý đơn kiện, xin ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?

- Tại điều 135 và khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai có quy định về việc hòa giải tranh chấp đất đai. Theo đó, nếu UBND cấp xã mà hòa giải không thành thì mới chuyển hồ sơ lên tòa án hoặc UBND cấp huyện. Do có quy định như vậy nên việc hòa giải tại UBND cấp xã trở thành thủ tục bắt buộc. Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết vụ việc nếu như không có “bằng chứng” cho thấy cấp xã đã tiến hành hòa giải. Đây chính là lý do của việc tòa án từ chối đơn kiện khi không có văn bản hòa giải của cấp xã.

Hiện nay, nhiều luật sư cho rằng cần phải sửa đổi quy định này của Luật Đất đai vì không hiệu quả mà trái lại còn trở thành quy định gây khó khăn cho dân, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, hòa giải vốn dĩ là sự tự nguyện của đương sự, không thể ép buộc đương sự hòa giải. Vì, việc hòa giải do ép buộc đều dẫn đến một kết quả là hòa giải không thành. Do đó, nếu như đương sự thực sự không muốn hoặc không thể hòa giải thì mà cứ bắt buộc hòa giải thì đây là việc làm cực chẳng đã của cả đương sự lẫn UBND cấp xã.

Trong thực tế, các tranh chấp đất đai đều có sự thương lượng giải quyết và đương sự chỉ chọn tòa khi bản thân họ đã không có tiếng nói chung. Nên, buộc đương sự phải ra UBND xã để hòa giải đúng là chỉ mang tính hình thức. Vì thế, tôi cho rằng cần phải sửa quy định này. Theo đó, cần phải sửa cả Điều 135 và khoản 1 Điều 136 theo hướng, nếu đương sự có đề nghị thì UBND cấp xã mới hòa giải. Trường hợp đương sự không yêu cầu hòa giải mà khởi kiện ngay thì Tòa án phải thụ lý theo thẩm quyền.

Xin cảm ơn ông!

(Theo PLVN)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME