Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị kiểm soát chặt chẽ thép nhập khẩu
Thép cuộn phi 6, phi 8 gần đây được nhập khẩu ổ ạt vào thị trường phía Nam Việt Nam. Trước sự việc này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng nhập cuộc.
Theo ước tính của VSA, tháng 3 lượng thép tiêu thụ của cả nước ở mức khá thấp chỉ khoảng 350.000 tấn. |
Các doanh nghiệp thành viên tại các tỉnh phía Nam của VSA phản ánh, gần đây nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu thép phi 6, phi 8 có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng Bo của Trung Quốc và thép cuộn phi 6, phi 8 từ các nước ASEAN được hưởng thuế suất 0% với số lượng lớn. Lượng thép trên được nhập khẩu về chủ yếu làm thép xây dựng thông qua hải quan Tp.HCM.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho biết hai tháng đầu năm 2011, tuy lượng nhập khẩu hàng tháng có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là khoảng 50.000 tấn/tháng khi chỉ ở mức 350.000 tấn/tháng. Nhưng trong số này lại chủ yếu là thép phi 6 và phi 8.
Điều này đã khiến các nhà sản xuất thép trong nước hai tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị phần thép cuộn phi 6, phi 8 của các doanh nghiệp trong nước tháng 1 và tháng 2 chỉ còn 14%, trong khi trước đó con số này xấp xỉ 30%.
Ông Nghi còn cho hay, hiện nay công suất sản xuất thép xây dựng của Việt Nam đang cao gấp đôi so với nhu cầu. Công suất của toàn ngành vào năm 2010 là 7,8 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ là 4,9 triệu tấn. Năm 2011, dự kiến tổng công suất của ngành thép sẽ là 8,8 triệu tấn do có thêm 5 nhà máy đi vào hoạt động. Như vậy, việc nhập khẩu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn ngành.
Trước thực trạng này, VSA đã đề nghị Tổng cục Hải quan, Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính); Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cần có biện pháp khẩn cấp, kiểm tra các lô thép cuộn thực hiện đúng quy định đăng ký nhập khẩu tự động để kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Cũng theo ông Nghi đối với thép nhập khẩu chứa nguyên tố hợp kim vi lượng Bo của Trung Quốc được sử dụng làm thép xây dựng phải áp dụng mức thuế là 10% theo Thông tư số 75/2009/ TT-BTC của Bộ Tài chính. Thép này chỉ được áp mức thuế là 0% khi sử dụng làm que hàn.
Riêng thép nhập khẩu từ ASEAN phải kiểm tra các lô hàng nếu đáp ứng được các yêu cầu như được sản xuất từ phôi và cán tại các nước ASEAN hoặc có tỷ lệ nội địa trên 40% mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% theo form D (quy định về xuất xứ hàng hóa).
Gần đây, nhiều dự án xây dựng trong nước bị cắt giảm, để tiêu thụ được sản phẩm các nhà sản xuất thép đã phải điều chỉnh giá giảm từ 200.000- 300.000 đồng/tấn. Hiện giá thép đang được các nhà máy bán ra phổ biến ở mức 15,5-16,4 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Về lượng tiêu thu, theo VSA, tháng 3 sẽ chỉ ở mức 350.000 tấn, giảm đáng kể so với 475.000 tấn đã được tiêu thụ trong tháng 2. Sang tháng 4, dự báo con số này cũng sẽ tiếp tục ở mức thấp.
(Theo VnEconomy)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet